“Đừng để nhà đầu tư ngoại sợ DNNN”

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh “trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các đối tác rất quan tâm đến DNNN, họ có thể đưa ra những đánh giá khác nhau nhưng họ không chê DNNN và xem DNNN là xấu mà chỉ sợ DN khác không được đối xử công bằng với DNNN”.

Sẽ thua trên sân nhà nếu chậm cơ cấu

Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh cho rằng không ít DNNN nắm giữ số lượng vốn rất lớn, có nhiều lợi thế nhưng hoạt động lại chưa tương xứng với tiềm năng. Một số lĩnh vực, một số DN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, cá biệt có nơi còn vi phạm pháp luật. “Nếu các DNNN không tái cơ cấu kịp thời có thể sẽ bị thua trong quá trình hội nhập cạnh tranh. Do đó, trong hai năm tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trong đó hầu hết DN thuộc khối trung ương” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Văn Ninh, nên đặt DNNN tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế. Đi kèm với đó là quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, tăng cường lãnh đạo và phải kiểm soát. Cái gì tư nhân làm được thì để họ làm, DNNN chỉ giữ lại những khâu, công đoạn, địa bàn quan trọng và then chốt. Thậm chí ngay cả dịch vụ công cũng từng bước phải chuyển sang khuyến khích hạch toán như DN thường, tiến tới cổ phần hóa.

“Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với DNNN và tái cơ cấu DN. Trước hết là nghiên cứu sửa đổi Luật DN đang được thảo luận và nhiều khả năng trong đó có chương riêng về quản lý DNNN. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước,… sẽ được sửa đổi theo hướng tăng cường minh bạch, giám sát, bám sát giải quyết được những vướng mắc thực tiễn trong quá trình hoạt động, tái cơ cấu của DN” - phó thủ tướng nhấn mạnh.

 
Theo Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh,  các DNNN không tái cơ cấu kịp thời có thể sẽ bị thua trong quá trình hội nhập cạnh tranh. Ảnh: HTD

Tăng cường giám sát

Theo báo cáo của Đảng ủy khối DN Trung ương, đến nay có 28/32 đơn vị đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó có 24 đề án đã được phê duyệt và được tổ chức theo mô hình công ty mẹ và công ty con. Hiện nay có 167 DN thực hiện thoái vốn xong, thu về ngân sách là 7.800 tỉ đồng, từ nay đến 2015 còn phải tiếp tục thoái vốn tại 472 DN.

Dù vậy, cũng theo đánh giá của Đảng ủy khối DN trung ương, tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp lại DN ở nhiều đơn vị vẫn còn chậm như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nguyên nhân khách quan là do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt, các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời. Công tác đổi mới quản trị DN còn chậm, chưa tương xứng với quy mô, công tác đầu tư, quản lý tài chính, chống lãng phí còn lỏng lẻo. Việc công khai, minh bạch thông tin còn yếu. Bên cạnh đó, công tác sắp xếp lao động còn nhiều vướng mắc, một số đơn vị như Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực, Ngân hàng NN&PTNT có số lao động dôi dư cần sắp xếp lên đến hàng ngàn người.

TRÀ PHƯƠNG

 

Tiền tản mát là do thực hiện quy định chưa nghiêm

Liên quan đến câu chuyện về số tiền từ việc cổ phần hóa của hàng trăm DNNN đi đâu và sử dụng như thế nào,  trao đổi bên lề với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết theo quy định vốn nhà nước chỉ đầu tư vào công ty mẹ và được đưa về ngân sách nhà nước từ công ty mẹ. Tuy nhiên, nếu có trường hợp tiền cổ phần hóa nằm tản mát, đang nằm rải rác là do các đơn vị thực hiện chưa nghiêm, đặc biệt là TP.HCM. TP.HCM đang còn giữ khoản tiền đó chưa chuyển về quỹ trong 7-8 năm nay. Nếu nguồn tiền này được để ở DN sẽ nảy sinh vấn đề đầu tư ngoài ngành do thừa tiền. Mục đích của quỹ là hỗ trợ cho người lao động mất việc, dôi dư và hỗ trợ DN, đầu tư vào các công trình trọng điểm của quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện đã có các văn bản quy định chi tiết về việc sử dụng quỹ. Vấn đề sử dụng hiệu quả hay không đối với quỹ này tùy thuộc vào mục tiêu đặt ra ban đầu. Mục tiêu là để ổn định DN thì đang trong quá trình tái cơ cấu và đã ổn định, cho đến nay chúng ta chưa phát hiện sai sót nào hoặc tư lợi trong sử dụng quỹ. Chẳng hạn như năm 2013 do điều kiện kinh tế khó khăn về thu ngân sách, Quốc hội đã có nghị quyết cho chuyển một phần khoản tiền lợi tức trong quỹ đó để bù vào phần chi cho ngân sách. “Việc giám sát quỹ này sẽ theo Luật Ngân sách và trong năm nay có thể sẽ ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN. Đó sẽ là bước nâng cấp độ giám sát, đưa cách quản lý bằng các văn bản pháp quy dưới luật nâng lên thành luật và nâng cao quản lý giám sát của người dân” - ông Kiên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm