Hàng Thái, Nhật... thừa thắng xông lên tại Việt Nam

Ngày 30-1, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) công bố kết quả điều tra bình chọn HVNCLC năm 2018.

Theo đó, năm 2018, Hội Doanh nghiệp HVNCLC  tìm ra 640 doanh nghiệp (DN) đạt danh hiệu HVNCLC, đặc biệt, có 39 DN đạt liên tiếp 22 năm. Đây là kết quả sau 3,5 tháng điều tra, diễn ra 3.000 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố, với 17.300 phiếu đạt chuẩn, thực hiện phỏng vấn trực tiếp 13.000 hộ gia đình.

Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay còn thực hiện ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng (NTD) thông qua kênh trực tuyến. Đây là căn cứ đối chiếu với kết quả điều tra trực tiếp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả bình chọn. 

 Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách ban điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao, qua cuộc điều tra HVNCLC 2018 cho thấy sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỉ lệ số đông NTD yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 51% và 60% nhưng tỉ lệ này đã giảm đáng kể còn 27% và 32% so với kết quả khảo sát năm 2017.

Có thể thấy đó là do sự gia tăng mở rộng kênh phân phối của DN bán lẻ ngoại thông qua việc thâu tóm. Vì hệ thống phân phối là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận NTD.

Chẳng hạn DN Thái Lan sở hữu 19 siêu thị khi mua lại metro đổi tên thành MM Mega Market. Cũng DN Thái mua lại và sở hữu 32 siêu thị Big C, DN Nhật Bản với hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart… đã tạo lợi thế rất lớn với sự góp mặt hàng hóa cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm được hệ thống kênh bán lẻ này. Tạo nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart.

Một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là “niềm tin của NTD vào thương hiệu Việt” có phần bị lung lay. Nhiều DN Việt làm ăn không minh bạch đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk. Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với với rủi ro nhiều hơn bởi vấn nạn hàng gian, hàng giả.

Niềm tin của NTD vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, sẽ càng tạo ra những “lỗ hổng” để hàng ngoại chiếm chỗ. Cụ thể, nếu như kết quả khảo sát HVNCL năm 2017 cho thấy sản nhập từ Thái, Nhật, Hàn được NTD thường mua chỉ dưới 3% đến nay đã tăng lên 8%-10%, thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, chiếm tỉ lệ mua dùng sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn 12%-17%.

Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý sính hàng ngoại của NTD Việt, các DN Thái, Nhật, Hàn còn tận dụng được tâm lý thận trọng trong lựa chọn của NTD khi "tẩy chay” hàng Trung Quốc (0,6%). Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của DN Thái, Nhật, Hàn; đi liền với sự lơ là và thiếu thận trọng của người Việt.

"Trên thị trường, sản phẩm của DN quốc gia nào chinh phục được niềm tin của NTD, đang trở nên thắng thế", ông Phượng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách ban điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao, qua cuộc điều tra HVNCLC 2018 có rất nhiều thông tin mới. Cụ thể xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Nếu như kết quả khảo sát năm 2017 về chọn nơi mua sắm cho thấy mua sắm online chỉ chiếm 0,9% thì đến năm 2018 số NTD chọn mua online đã tăng gấp ba lần.

Kết quả khảo sát còn cho thấy tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được NTD chọn mua online. Trong đó các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị đồ điện tử, văn phòng phẩm, các mặt hàng thời trang NTD chọn mua online với tỉ lệ từ 10%-30%

Về nguồn thông tin thường tham khảo để mua hàng cho thấy nếu hai năm trước, người thân bạn bè là kênh thông tin được tham khảo nhiều nhất, thì đến nay người bán hàng lại giữ vị trí số một, được NTD tham khảo nhiều hơn chiếm 22,4%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm