Hướng đến bình đẳng trong kinh doanh

“Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các DN khác. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh…”. Đây là những nội dung mới và nổi bật nằm trong dự thảo Luật DN sửa đổi vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giới thiệu, lấy ý kiến từ ngày 11-2.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, Luật DN hiện hành còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, đặc biệt là những quy định đối với DNNN. Cụ thể là chưa quy định về mục đích hoạt động và giới hạn phạm vi ngành, nghề kinh doanh của DNNN. Bên cạnh đó là chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Chính phủ nói chung trong vai trò đại diện chủ sở hữu theo ủy quyền của Quốc hội. Ngoài ra, luật hiện hành cũng chưa quy định về giám sát, đánh giá trong hệ thống đại diện chủ sở hữu. Đồng thời yêu cầu công khai hóa và minh bạch hóa trong DNNN cũng chưa được quy định chặt chẽ….

Tới đây, các hoạt động kinh doanh của DNNN sẽ được minh bạch hơn theo cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Trong ảnh: Thi công một đoạn điện ngầm tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Từ thực tiễn đó, dự thảo Luật DN sửa đổi lần này bổ sung hẳn một chương mới, Chương VII với 31 điều khoản (từ Điều 169 đến 200) quy định về DNNN mà luật hiện hành không có. Trong đó, dự luật xác định rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực DNNN và từng DNNN, xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước trong DNNN.

Cụ thể, DNNN được thành lập để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo nền kinh tế phát triển cân đối, vì lợi ích của tất cả nhóm dân cư, bảo đảm an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà các DN khác không muốn hoặc không thể cung cấp. Những trường hợp DNNN đang kinh doanh các ngành, nghề ngoài quy định của Chính phủ sẽ được cổ phần hóa hoặc phải thoái vốn ra khỏi các ngành, nghề ngoài ngành.

Vấn đề lâu nay nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về sự nhập nhằng giữa chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu minh bạch trong các DNNN đã được dự thảo luật đưa ra một số nguyên tắc rạch ròi giữa ba bên: DN - cơ quan quản lý nhà nước - Chính phủ.

Đối với các cơ quan chủ sở hữu tại DNNN sẽ do Chính phủ phân công được thực hiện tất cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại DN một cách độc lập và chuyên trách, tập trung và thống nhất. Các cơ quan này không được trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, không được trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Còn các cơ quan quản lý nhà nước không được can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng thiên vị như lâu nay, DNNN được hưởng nhiều đãi ngộ (vay vốn, mặt bằng, thuế…) còn DNTN thì phải tự bơi, dự luật lần này quy định rõ: “Chính phủ có nghĩa vụ giám sát đảm bảo các DNNN hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các DN khác; không được ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng có cho DNNN”.

Đặc biệt, dự thảo luật cũng đưa ra yêu cầu DNNN sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường.

T.HẰNG

Ngoài những nội dung liên quan đến DNNN, dự thảo Luật DN mới còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến thủ tục thành lập DN, thủ tục ra quyết định trong DN, tổ chức lại, giải thể DN… Những nội dung mới được đưa vào trong dự luật lần này nhằm tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi hơn và giảm chi phí cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm