Sáng nay (6-12), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Chăn nuôi.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận định dự thảo luật có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện tư duy quản lý hiện đại. Trong đó có những quy định như danh mục cấm đối với thức ăn chăn nuôi.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay từ khi Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 được ban hành đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành nuôi đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi cơ bản.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói dự thảo luật cần được góp ý để hoàn thiện hơn. Ảnh: CHÂN LUẬN
Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.
Điểm đáng chú trong dự thảo là các điều cấm. Theo đó, chăn nuôi trong nội thành, nội thị; chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung, công nghiệp trong khu dân cư bị cấm.
Ngoài ra, việc chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm, động vật có trong danh mục giống vật nuôi cấm sản xuất, kinh doanh cũng bị cấm. Những điều cấm khác liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và quảng cáo.
Đặc biệt, liên quan tới việc chăn nuôi chó, mèo, ông Hoàng Thanh Vân nói đó là những động vật gây nuôi, người dân nuôi rất nhiều và còn dùng làm thực phẩm. Chính vì vậy, việc chăn nuôi chó, mèo cũng phải đưa vào luật.
Theo dự thảo, nếu muốn nuôi chó thì chủ nuôi chó phải đăng ký chó nuôi với UBND xã, phòng bệnh dại theo quy định của pháp luật về thú y.
“Nuôi trong nhà phải có xích. Khi đi ra ngoài phải đeo rọ mõm và phải có người dắt; khi có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho chính quyền và cán bộ tại cơ sở và thực hiện tiêu hủy ngay; không được nuôi chó trong khu vực nội thành, nội thị, nhà chung cư” - dự thảo luật viết.
Còn riêng việc nuôi mèo thì phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại theo quy định của pháp luật về thú y.