Liệu TP.HCM có thể đưa nợ xấu dưới 3%?

Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, nợ xấu vẫn còn ở mức khá cao, chiếm khoảng 5% trong tổng mức dư nợ tín dụng với hơn 53.000 tỉ đồng nợ xấu.

Trước đó, tính đến cuối tháng 4-2015, các ngân hàng đã bán thêm cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hơn 2.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu nhóm 5, nhóm nợ có khả năng mất vốn cao, chiếm tỉ trọng cao nhất.

Nợ xấu chủ yếu từ hai ngân hàng

Lý giải về tình hình nợ xấu, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, nợ do một số chi nhánh của các ngân hàng có hội sở ngoài TP.HCM chiếm tỉ lệ cao như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại Dương.

Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng VNCB tại TP.HCM có nợ xấu chiếm 99% trên tổng dư nợ của toàn hệ thống của ngân hàng này và chiếm 76,4% tổng nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở ngoài TP.HCM.

Còn Ngân hàng Đại Dương, nợ xấu của chi nhánh tại TP.HCM chiếm tới 70% trên tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng này và chiếm 12,2% tổng nợ xấu của các ngân hàng có hội sở ngoài địa bàn TP.HCM.

Nhu cầu vay vốn của DN tăng khi thị trường có những dấu hiệu khởi sắc hơn (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN TRANG

Chỉ tính riêng hai chi nhánh của hai ngân hàng này tính từ đầu năm đến nay có số nợ chuyển qua quá hạn gần 21.000 tỉ đồng, chiếm khá lớn trong tổng nợ xấu của TP.HCM.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Minh, với việc thực hiện Chỉ thị 02/2015 của NHNN Việt Nam về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, yêu cầu lấy thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để phân loại nợ và Thông tư 09/2014 cũng khiến tỉ lệ nợ xấu tăng lên. Vì nợ xấu qua CIC nên chẳng hạn nếu doanh nghiệp (DN) ấy có năm món vay, trong đó có một khoản nợ bị xếp vào nợ xấu thì bốn khoản còn lại kia cũng được coi là nợ quá hạn thành nợ xấu.

Đồng thời, nếu các món nợ này DN không chỉ vay một ngân hàng mà nhiều ngân hàng thì trường hợp một món bị nợ xấu các ngân hàng khác cũng bị liên quan.

Thứ ba, vẫn theo ông Minh, từ đầu năm đến nay vẫn có những DN tiếp tục giải thể, phá sản… Đây là nguyên nhân khách quan nhưng phần nào khiến nợ xấu tiếp tục gia tăng.

Ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính cho hay ngoài việc làm rõ nguyên nhân của nợ xấu cũng cần lưu ý đến nợ xấu dưới góc độ quản trị vì con số này mới là chính xác nhất.

“Nếu đứng dưới góc độ quản trị, nợ xấu phải bao gồm nhiều nhóm không đến từ bảng nội bảng. Trong khi đó, nợ xấu chúng ta hiện nay đang đưa ra chỉ là con số của kế toán trong nội bảng. Còn nợ xấu nói chung của quản trị thì người quản trị hay người đứng đầu phải biết nhưng thường ít được công bố”.

Chủ động xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay NHNN đã chỉ đạo từ nay đến hết 31-8 NHNN phải hoàn thành 100% nợ xấu và đưa nợ xấu về mức dưới 3%.

Để làm được điều này, NHNN phân ra các ngân hàng sẽ bán nợ cho VAMC khoảng 22.200 tỉ đồng và phải bán tối thiểu đến 75% đến cuối tháng 6. Nếu đến ngày 30-6 chưa hoàn thành thì hạn cuối là ngày 31-8 phải hoàn tất chỉ tiêu này 100%.

Còn đối với các khoản nợ mà ngân hàng phải tự xử lý là 3.100 tỉ đồng phải hoàn thành trước ngày 31-7. Nếu đến cuối tháng 7 mà các ngân hàng không tự xử lý được khoản nợ này thì trong tháng 8 và tháng 9 phải bán hết cho VAMC.

Ngoài ra, theo ông Minh, các ngân hàng phải chủ động, tích cực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp thu hồi nợ; phát mại tài sản, chuyển nợ thành vốn góp, nhận tài sản đảm bảo thay thế cho nghĩa vụ trả nợ; sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; bán nợ cho tổ chức, cá nhân khác…

“Hiện tại nếu tổng hợp nợ xấu theo từng ngân hàng, theo hội sở chính và cả hệ thống thì nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn ở dưới mức 5%. Vì vậy, khả năng đưa nợ xấu về dưới 3% trong năm nay là thực tế khả thi và phù hợp với thực trạng nợ xấu cũng như giải pháp của các ngân hàng” - ông Minh tự tin nói.

Theo một chuyên gia tài chính, mục tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng về 3% vào cuối năm hoàn toàn có thể làm được. “Muốn làm được điều này cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường khả năng thanh lý tài sản bảo đảm cho VAMC” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Con nợ “nhởn nhơ” đổi xe đẹp

Nhiều con nợ không có tiền trả nợ ngân hàng nhưng lại không thiếu tiền “nhởn nhơ” đổi xe đẹp. Ngân hàng từ vị thế người “bị hại”, thực hiện đúng luật thì có khi lại bị lên án và phải chào thua với những con nợ.

Những thực tế dở khóc dở cười trên vừa được TTXVN dẫn lại từ cuộc hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu năm 2015 dưới góc nhìn pháp lý”.

Là người đề cập tới câu chuyện con nợ cố tình bỏ quên nghĩa vụ của mình vừa nêu, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thừa nhận rất khó để bắt những trường hợp như thế phải hoàn trả đủ những khoản nợ ngân hàng. Đây là một trong những vấn đề, theo ông Lực, đang khiến việc xử lý nợ xấu vẫn còn “nhiều việc phải làm.”

Theo báo cáo của NHNN, dòng vốn vẫn tiếp tục đi vào sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy rõ ràng DN tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Thực tế ngân hàng huy động nhiều nhưng cho vay ra ít hơn, vì thế họ rất muốn tìm được DN tốt, dự án tốt để cho vay. Thời gian qua nhu cầu vay vốn của DN cũng tăng khi thị trường có những dấu hiệu khởi sắc hơn.

Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, chuyên gia tài chính

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.