Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng, cơ hội, thực trạng xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông-châu Phi thời gian qua. Trao đổi về các giải pháp để Bộ Ngoại giao, các bộ/ngành liên quan đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông, thủy sản của ta sang khu vực này thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam khẳng định công tác ngoại giao phục vụ kinh tế là một trọng tâm công tác của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan nhà nước luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp thành công trong quá trình phát triển, mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tại phiên thảo luận, đại diện các Bộ Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ, Ngoại giao đã trình bày về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Đông-châu Phi và một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu hàng. Thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam với khu vực; về vai trò của giấy chứng nhận Halal trong việc xuất khẩu nông thủy sản sang khu vực Trung Đông và công tác ngoại giao kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo đánh giá của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp tại Hội thảo, với dân số trên 1,6 tỷ người, Trung Đông - châu Phi là thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Thời gian qua, một số sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Trung Đông-châu Phi như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, tôm và cá tra…
Quang cảnh hội thảo.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang khu vực vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các thị trường truyền thống khác (năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm của khu vực Trung Đông-châu Phi là 81 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2025).
Hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp ta sang khu vực Trung Đông - châu Phi thời gian qua cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế nhất định.
Về chủ quan, các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề về thương hiệu, sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy hải sản, chủng loại, mẫu mã sản phẩm còn chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khu vực, hạn chế trong hoạt động chứng nhận Halal...
Về khách quan, bất ổn chính trị, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, cung cách làm việc của các nước Trung Đông-châu Phi, chi phí vận chuyển cao, thiếu thông tin thị trường, cạnh tranh của các nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… là những yếu tố gây tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang khu vực này.
Từ thực trạng trên, các doanh nghiệp đã đối thoại cùng đại diện các bộ, ngành về một số kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ yếu là xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu tại thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề chứng nhận Halal, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan ngoại giao và thương vụ với doanh nghiệp...