Thủ tướng: ‘Việt Nam sẽ thành con hổ mới!’

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương thay vì tổ chức hai ngày thì chỉ tổ chức trọn ngày 11-1. Nhưng không vì thế mà diễn đàn mất đi tính thời sự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thẳng thắn đối thoại chính sách với những đại diện cấp cao của các định chế tài chính tại Việt Nam.

Chưa phải là con hổ mới

Trong phần phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng quốc gia thành việc làm cụ thể, tận dụng cơ hội phát huy tiềm lực để thành con hổ mới của châu Á. Tôi nhấn mạnh là phải là con hổ, chứ bây giờ chưa phải. Phải phấn đấu để trở thành một con hổ kinh tế, tại sao lại không!”.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng rất tâm đắc với câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ” của Nhật Bản mà GS Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề cập tại diễn đàn. Theo đó, Nhật Bản đã có gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hằng năm khoảng 10%. “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.

GS Thọ cho biết trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, Nhật Bản cũng có những đặc điểm khá tương đồng với Việt Nam về dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động và nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ lao động lớn nhưng năng suất lao động thấp.

Ông Bình cho rằng: “Nếu tập trung được nguồn lực và rút tỉa kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể trở thành một “con hổ mới” về kinh tế trong khu vực”.

Thủ tướng với các đại biểu tại Đối thoại chính sách cấp cao. Ảnh: VGP

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã đặt mục tiêu khuyến khích Việt Nam sử dụng năng lượng xanh, cũng đề cập đến việc Việt Nam có thể thành con hổ mới của kinh tế châu Á. Nhưng trước hết, ông nhắc lại ấn tượng của mình. “Những năm 1990, tôi đến Việt Nam chỉ có những con đường nhỏ từ sân bay, giờ đã là những cao tốc. Hà Nội trước kia cũng hầu như không có khách sạn, người Việt đi xe đạp, rất ít xe hơi” - ông nhớ lại.

Cũng từ đó, ông John Kerry nhận xét từ năm 1990 Việt Nam đã bắt đầu một hành trình ngoạn mục để biến thành một con hổ. Tuy nhiên, ông khuyến nghị Việt Nam nên đề cao tính minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư bởi những điều này sẽ chứng tỏ Việt Nam đang thể hiện đẳng cấp của một con hổ.

“Chúng ta phải tìm kiếm nơi đầu tư an toàn. Đây là nguyên tắc, giống tư cách một con hổ. Nếu không có tính minh bạch thì một nền kinh tế mãi mãi khó có thể tìm được nhà đầu tư nào lớn, đối tác lớn” - ông John Kerry nói.

Đừng vội thỏa mãn

Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được, không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng hai thập niên nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thể chế, thể chế và thể chế

TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhân dịp làm MC cho Đối thoại chính sách cấp cao có hỏi Thủ tướng một câu mà sáu tháng trước ông chưa kịp hỏi: “Thủ tướng đã nói nhiều lần về tăng trưởng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Người đứng đầu Chính phủ đã có giải pháp, quyết sách để tăng cường sức chống chọi các cú sốc bên ngoài có thể thấy trong tương lai?”.

Trước khi trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng giải pháp đầu tiên là nâng cao năng suất lao động bởi yếu tố này của Việt Nam còn thấp. Đồng thời phải gắn với áp dụng khoa học công nghệ, nhất là một số giải pháp của cách mạng 4.0 đang đặt ra.

“Nền kinh tế số đang đặt ra mạnh mẽ hơn nhiều. Tôi đã gặp Jack Ma (tỉ phú Trung Quốc, Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba - PV), riêng thanh toán thương mại điện tử, tập đoàn của ông này đã đạt 1.000 tỉ USD. Làm thế nào để Việt Nam cải thiện được hiệu quả của kinh tế số?” - Thủ tướng đặt vấn đề.

Nhấn mạnh đến việc giảm chi phí cho doanh nghiệp để cả nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng cũng nhận định cần phải chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tập trung nguồn lực cho lợi ích quốc gia. “Tiếp tục thực hiện các khuyến cáo là “thể chế, thể chế và thể chế” phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Mọi người cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước ASEAN từng gặp phải” - Thủ tướng kết luận sau khi đã đề cập đến giáo dục và dạy nghề như một trong những giải pháp then chốt.

Mỹ sẽ giúp Việt Nam làm điện gió, điện mặt trời

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không giấu mục đích của ông trong chuyến thăm Việt Nam lần này là khuyến khích sản xuất và dùng năng lượng sạch. Bởi ông coi công nghệ là chìa khóa của Việt Nam trong lĩnh vực này, khi chi phí sản xuất pin mặt trời đến nay đã giảm được khoảng 75% và tỉ lệ này ở điện gió là 40%. 

“Chính vì thế, ngày hôm nay điện gió và điện mặt trời đã hoàn toàn cạnh tranh hơn so với than đá” - ông John Kerry nói.

Thủ tướng: ‘Việt Nam sẽ thành con hổ mới!’ ảnh 2
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngược lại, nếu nhìn cái giá phải trả cho việc sử dụng than đá, người ta không khỏi giật mình khi có tới 23.000 người Việt chết mỗi năm vì các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Chính bởi vậy, nhiệt điện than tưởng rẻ nhưng thực ra không rẻ, nếu không muốn nói là đắt hơn nhiều so với năng lượng sạch khi tính toán hết các tác động. 

“Chúng tôi có kế hoạch và sẽ thảo luận với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và bộ trưởng Công Thương về vấn đề này. Chúng tôi sẽ giúp xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió bằng chính những công nhân Việt Nam” - ông John Kerry nói. Ông John Kerry cũng lưu ý: “Một nhà máy nhiệt điện than cần sáu năm để xây dựng, trong khi điện mặt trời chỉ cần một năm để triển khai”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.