Chiều 11-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia Đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường chứ không phải nước rút. “Thành tựu 2017 là để chúng ta tự tin hơn trong tái cơ cấu và tạo ra nền móng chặt chẽ hơn cho nền kinh tế phát triển cao hơn trong dài hạn” - Thủ tướng nói.
“Chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng quốc gia thành việc làm cụ thể, tận dụng cơ hội phát huy tiềm lực để thành con hổ mới của châu Á. Tôi nhấn mạnh phải là con hổ, chứ bây giờ chưa phải. Tại sao không?” - Thủ tướng thẳng thắn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia đối thoại chính sách cấp cao. Ảnh: CHÂN LUẬN
Điểm qua những thành tựu kinh tế năm 2017, Thủ tướng cho hay tại hội nghị toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu năm 2018 phải tăng trưởng là 6,7% nhưng chất lượng phải nâng lên, năng suất phải cao hơn hẳn, môi trường phải được cải thiện.
“Doanh nghiệp, xã hội được yên bình, an ninh, an toàn hơn; mọi người dân, nhất là người nghèo, yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần. Nền kinh tế phải có sức chống chịu cao hơn với biến động lớn” - Thủ tướng nói.
Lưu ý không nên chủ quan với thành tựu đã đạt được, Thủ tướng nói thời gian tới Việt Nam cần kiên trì mô hình tăng trưởng mới trên nền tảng sáng tạo.
“Làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế nhanh vừa bền vững. Hai mục tiêu này không mâu thuẫn mà một số nước đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc” - Thủ tướng nói và hoan nghênh diễn đàn đã đề xuất lấy năng lượng phát triển bền vững, cải thiện năng suất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh làm ba đòn bẩy.
Trước đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng nói rất ấn tượng với câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ” của Nhật Bản mà GS Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề cập.
Theo đó, Nhật Bản đã có gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hằng năm khoảng 10%. “6.000 ngày thần kỳ” đã thay đổi hoàn toàn vị thế của nước Nhật trên thế giới, đưa nước này thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, là một quốc gia thịnh vượng.
GS Thọ cho biết trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, Nhật Bản cũng có những đặc điểm khá tương đồng với Việt Nam về dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động và nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ lao động lớn nhưng năng suất lao động thấp.
Ông Bình cho rằng nếu tập trung được nguồn lực và rút tỉa kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể trở thành một “con hổ mới” về kinh tế trong khu vực.