Chiều 28-12, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) và ra mắt Sách trắng.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, khẳng định Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đánh giá rất cao VPSF và coi đây là một cơ chế đối thoại hiệu quả giữa doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ.
Nhắc tới Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân, ông Long cho rằng đây là một trong những định hướng quan trọng để các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước.
“Kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 39% GDP. Nhưng nghị quyết của Trung ương mong muốn tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân cao hơn. Tại VPSF lần thứ 2 năm 2017, Thủ tướng cũng mong kinh tế tư nhân phải đóng góp được khoảng 60%-65% GDP” - ông Long nói và ghi nhận VPSF đã có nhiều đề xuất quan trọng để xóa bỏ rào cản kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận thị trường.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF 2017, thông tin rằng năm 2017, kinh tế tư nhân đã đóng góp được hơn 42% GDP và khẳng định kinh tế tư nhân đang vươn lên.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Trần Anh Vương cho hay ở bất cứ đâu, doanh nhân cũng nêu những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, rào cản cho kinh doanh và VPSF sẽ cố gắng tạo ra không gian để các doanh nhân đưa kiến nghị.
Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nói VPSF đã tạo được tâm thế cho kinh tế tư nhân.
Một cách ví von, ông Vương nói: “VPSF là người xây chợ, các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia thể hiện tiếng nói của mình. Mục đích của VPSF là phát triển kinh tế tư nhân”.
Ông Vương cũng không quên khẳng định VPSF tạo tâm thế và đã làm được điều này cho kinh tế tư nhân.
“Mỗi năm VPSF sẽ có một điểm mới, một chủ đề riêng. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đang tính đến việc tổ chức diễn đàn giữa kỳ từ năm sau” - ông Vương thông tin.
Sách trắng VPSF cho hay sau kỳ VPSF 2017, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động triển khai để cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân, cùng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ KH&ĐT đã dự thảo và lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 210 về khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp theo hướng tích cực và thuận lợi hơn. Bộ NN&PTNT đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách. Luật về cơ quan đại diện cũng được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài.
Hay trong lĩnh vực du lịch, sau VPSF 2017, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước/lãnh thổ thay cho 40 trước đây với mức phí hợp lý hơn.
Đặc biệt, về kinh tế số, nhiều nội dung như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo… cũng được triển khai và áp dụng.