Người mua đang quyết định thị trường nhà ở

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tổng số 14.490 căn hộ tồn kho từ cuối năm 2012 đến nay đã giải quyết được 6.970 căn. Số căn hộ còn lại chưa bán được chủ yếu do dự án chưa hoàn chỉnh, chậm tiến độ, có vị trí không thuận lợi...

Các chuyên gia bất động sản đều thừa nhận phân khúc nhà giá rẻ đang rất hút hàng khiến thị trường bất động sản có vẻ ấm dần. Tuy nhiên, sức tăng chưa thực sự bền vững.

Phân khúc nhà giá rẻ đắt khách

Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) bất động sản có tiếng cho biết ông vừa có cuộc khảo sát suốt một tháng toàn bộ các dự án từ quận Tân Bình, quận Bình Tân (TP.HCM) đến các khu tái định cư ở Tân Phong, quận 7. Kết quả cho thấy căn hộ giá rẻ với diện tích 50-60 m2 giá 600-700 triệu đồng có nhu cầu rất lớn.

Nhà dưới 1 tỉ đồng cũng rất hút hàng. Tuy nhiên, giá chỉ cần nhích lên một chút là không bán được. Nói chung, nhà có giá trên 20 triệu
đồng/m2, căn hộ cao cấp, biệt thự liền kề... tiếp tục ế ẩm còn nhà vài trăm triệu đồng rất đắt khách.

Người dân đang tìm mua nhà tại triển lãm bất động sản ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Vị lãnh đạo trên cũng cho biết đối tượng mua căn hộ giá rẻ được chia thành hai nhóm. Thứ nhất là những khách hàng thực sự có nhu cầu về nhà ở, là công chức, giới văn phòng... Ví dụ như chị T. Phương,  cho biết cách đây nửa năm, hai vợ chồng chị đã mua căn hộ Ehome 2 với giá 820 triệu đồng ở quận 9 có diện tích 66 m2.

 Thứ hai là người mua nhà để cho thuê. Thay vì bỏ vài trăm triệu đồng vào ngân hàng lấy lãi, họ mua căn hộ cho thuê vì tiền mua nhà cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Ngoài ra cũng có một nhóm khác mua đất nền để đầu cơ theo kiểu may rủi nhưng họ chỉ mua đất nền ít tiền, có giá vài trăm triệu đồng mà thôi.

Ngoài căn hộ giá vài trăm triệu đồng đến 1 tỉ đồng đang đắt khách, hiện một số DN  đang lựa chọn mô hình xây nhà cho thuê.

Mới đây, Công ty CP Hoàng Gia Thảo Điền tung ra dự án Rosanna, căn hộ cho thuê ngắn hạn và dài hạn nằm ở vị trí đẹp là Thảo Điền, quận 2.

Giá thuê chỉ vài triệu đồng/tháng nhưng khách hàng được sử dụng các tiện ích theo chuẩn 4 sao với trường học, siêu thị, công viên, khu thể thao, giải trí, hồ bơi lớn ngoài trời, phòng tập gym, spa, nhà hàng, siêu thị mini...

Đối tượng mà Hoàng Gia nhắm tới dự án này là các tập đoàn, các công ty nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, các công chức, gia đình trẻ... chưa có nhà, muốn thuê  căn hộ tiện ích đầy đủ cũng là đối tượng mà công ty này nhắm tới.

Theo ông Đặng Quốc Tiến, thành viên ban kiểm soát MBbank, nếu là căn hộ cho thuê thì đặt ở các vị trí đẹp, thuận lợi giao thông sẽ hút được khách hàng. “Thực tế cũng đã có những nơi xây nhà cho thuê tại các khu trung tâm đã thành công” - ông Tiến nói.

Bất động sản vẫn bất động

Mặc dù bất động sản phục hồi từ đầu năm đến nay nhưng theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Nam Long, thì thị trường này vẫn chưa bền vững.

Hiện nay, người mua nhà là người có nhu cầu thực chứ không phải mua để đầu cơ nên giá bất động sản cũng vì thế khó tăng. Thị trường đang nằm trong tay người mua chứ không phải người bán là vì vậy.

Đồng quan điểm trên, ông Tiến cho rằng muốn nói bất động sản ấm lên phải nhìn vào dư nợ tín dụng của bất động sản tại các ngân hàng. Nhưng hiện nay chắc chắn tín dụng của bất động sản không tăng mà giảm.

“Thực chất các dự án phân khúc nhà thu nhập thấp, trung bình, cao đều đang còn nhiều hàng tồn kho. Và dường như chỉ bán được ở phân khúc nhà thu nhập thấp dưới 1 tỉ đồng. Các ngân hàng hiện nay chủ yếu tập trung vào phân khúc đó, là những cá nhân có nhu cầu thực sự,  những người có lương, thu nhập ổn định. Họ mở ra các gói tín dụng này để thu hút khách hàng thực sự. Còn toàn bộ các phân khúc khác dường như đóng băng” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, tín dụng bất động sản cho các DN hay nhà đầu cơ đến nay dường như ngân hàng không hoặc rất ít bơm tiền ra. Còn phân khúc ít ỏi là người thực sự giàu có mua biệt thự thì đó là tiền của họ nên tín dụng bất động sản không tăng được.

Số lượng nhà từ 1,6 tỉ đồng trở lên còn rất nhiều, khách hàng tiềm năng rất lớn nhưng hiện nay thị trường chưa khai thác được. Bởi khách dù có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện để trả nợ nên ngân hàng không cho vay. “Muốn khởi động phân khúc này, tạo ấm nóng cho thị trường, ngân hàng buộc phải nới rộng thời gian vay từ 15 lên 25-30 năm thì hàng sẽ bán ra được” - ông Tiến nói.

YÊN TRANG

Bất động sản vẫn là vấn đề nan giải

Thị trường bất động sản không dễ dàng gì phục hồi nhanh được vì đây là thị trường cực kỳ méo mó về cung cầu. Thành ra cục này vẫn còn là vấn đề nan giải.

TS TRẦN DU LỊCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm