Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phát biểu như trên tại hội thảo giới thiệu thông tin đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018). Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại TP.HCM.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết thêm: Việt Nam đang nổi lên là nhà xuất khẩu lớn hàng hóa vào Trung Quốc. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD, đạt 121,3 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 50,3 tỉ USD.
Riêng hai tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam giá trị kim ngạch là 8,62 tỉ USD, tăng 106% so với cùng kỳ.
Hàng hóa nông sản và tiêu dùng là hai loại hàng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Theo đó, 99% là điều, thịt cá (60%), cà phê (50%) và gạo (40%). Hai tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 1,3 tỉ USD hàng nông sản Việt Nam; trong đó nhập khẩu cá tăng 203%, quả điều tăng 508%.
Việt Nam cũng là nguồn nhập khẩu lớn của Trung Quốc về mặt hàng bông, thanh long, long nhãn, dưa hấu…
Về hàng tiêu dùng, giày dép, dệt may, túi xách, đồ dùng trong nhà từ Việt Nam cũng đang được người Trung Quốc tin dùng. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép và quần áo Việt Nam sang Trung Quốc lần lượt tăng 40% và 20% so với cùng kỳ.
“Chính phủ hai nước đang bàn bạc tính khả thi về việc mở cửa thị trường hơn nữa cho sản phẩm sữa, thịt và hoa quả Việt Nam” - ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết thêm.
Tuy vậy, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết Trung Quốc có các quy định thủ tục rất chặt trong việc nhập khẩu hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam đưa vào giới thiệu tại các cuộc triển lãm, hội chợ tổ chức tại Trung Quốc.
Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp Việt không có đủ hàng hóa để giới thiệu đến người tiêu dùng Trung Quốc, làm mất đi cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường này.
“Chúng tôi cũng mong muốn tham tán thương mại Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt về vấn đề này bằng việc có các hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về các thủ tục nhập khẩu hàng hóa triển lãm. Đồng thời có những chỉ dẫn Việt Nam đưa hàng hóa nào cần thiết nhất để giới thiệu cho người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Hòa nói.
Nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, giá trị gia tăng của Trung Quốc là rất lớn. Trong ảnh: Đóng gói trái cây để xuất khẩu sang Trung Quốc tại một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY
Hội chợ CIIE 2018 sẽ diễn ra lần đầu tiên từ ngày 5 đến 10-11-2018 tại TP Thượng Hải, Trung Quốc. Sau đó sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm, là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của chính phủ Trung Quốc với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc ra thế giới, tạo nền tảng thiết thực cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc. CIIE 2018 dự kiến sẽ có trên 100 quốc gia tham gia trưng bày và đón trên 150.000 đoàn nhập khẩu các nước trên thế giới tới tham quan, giao dịch. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cơ quan đầu mối duy nhất tại Việt Nam tổ chức việc tham gia của Việt Nam tại Hội chợ CIIE 2018, cho biết: CIIE 2018 với quy mô đặc biệt lớn tới 240.000 m2, là kênh xúc tiến thương mại mới, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng cơ hội quảng bá thương hiệu, tìm hiểu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác tiềm năng của Trung Quốc và hàng trăm các nền kinh tế khác tham gia hội chợ. |