Thủ tướng đều ghi hết ý kiến xây dựng, phê bình

Trưa nay, 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018 kết thúc với bài phát biểu bế mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Là người đã nhiều lần tham dự VBF, Thủ tướng bày tỏ cảm nhận “ngọn lửa nhiệt huyết trong các DN vẫn không ngừng cháy bỏng”.

“Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa” - Thủ tướng nói và cho biết đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình. Tuy vậy, theo Thủ tướng, tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam là không khí bao trùm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Để thành công cần sự hợp tác ba bên gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI và Chính phủ.

Khẳng định Việt Nam ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, Thủ tướng cho rằng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Nhờ có niềm tin đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Theo Thủ tướng, Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng ngàn DN FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng đã lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.

Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỉ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, cá basa…

Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Với chủ đề “sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu” của VBF lần này, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. “Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích” - Thủ tướng nói.

Đề cập đến 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, Thủ tướng khẳng định sự nhất quán trong đường lối tự do hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam. “Giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các DN có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất”, Thủ tướng nhận định.

Theo Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả ba bên gồm doanh nghiệp Việt Nam, các DN FDI tại Việt Nam và Chính phủ.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Liên tiếp trong ba năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ đều ban hành mới Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điều này cho thấy những cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh diễn biến trong nước và quốc tế luôn thay đổi, để không bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, Thủ tướng nêu rõ, nếu thực hiện tốt Chương trình hành động này sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho DN.

“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm