Sáng 4-12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Không chỉ có bóng đá, mà trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đang có rất nhiều tin vui dịp cuối năm này.
Ông Lộc dẫn chứng vừa qua, PWC công bố báo cáo khảo sát ý kiến của gần 1.200 CEO hàng đầu của 21 nền kinh tế APEC. Kết quả là năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Sau Việt Nam, trong top 5 còn có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia và Thái Lan. Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này, 34%-40% doanh nghiệp ở Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
Thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này.
“Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh tạo ra những động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở hai điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến tháng 9-2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…
Công tác thanh tra, kiểm tra có chuyển biến tích cực nhưng tỉ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ hai lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra còn 14%.
“Những con số như vậy cho thấy môi trường kinh doanh mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn” - ông Lộc nói.
Kiến nghị năm giải pháp Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, VCCI kiến nghị các giải pháp cụ thể sau: 1. Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành: Trong quá trình cắt giảm hiện đang nảy sinh vấn đề chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại. Ví dụ, có lĩnh vực nghị định đã bỏ các điều kiện kinh doanh yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp của nhân sự lãnh đạo nhưng lại có nghị định ở lĩnh vực khác vẫn duy trì điều kiện này. Hay một ví dụ khác là có lĩnh vực đã sử dụng tiêu chí về lịch sử tuân thủ của một loại hàng hóa để giữ lại/loại bỏ trong danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, trong khi ở lĩnh vực khác lại không quan tâm đến việc này. Do vậy, tôi đề nghị cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán. 2. Về cải cách thủ tục hành chính: Chúng tôi hoan nghênh Bộ Xây dựng đã đi tiên phong trong việc thành lập trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ. Mô hình này nên được nhân rộng và cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Theo đó, nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi tự động giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình bẩm mỗi nơi một bộ hồ sơ. Đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được bắt đầu làm thủ tục khác. Cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ. 3. Về tổ chức đối thoại chính quyền và doanh nghiệp: Công tác đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp nên được giao cho các hiệp hội chuẩn bị về mặt nội dung cũng như mời doanh nghiệp tham gia chứ không nên để cơ quan chính quyền trực tiếp làm và cũng cần có tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ người dân và doanh nghiệp.
4. Về thanh tra, kiểm tra: Ở các tỉnh, thành, cần giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối điều phối các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả các cuộc thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành trung ương. Theo đó, các cuộc thanh tra theo kế hoạch phải được thông báo trước cho cơ quan thanh tra tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt ba mục tiêu: (1) Giảm số lần và thời gian thanh tra, kiểm tra; (2) Không thanh tra, kiểm tra trùng lặp; (3) Tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra phải coi là yêu cầu bắt buộc chứ không phải tùy cơ. 5. Về minh bạch thông tin: Các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư... Những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải. Danh sách các đối tượng bị thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được công bố công khai. |