Hôm nay, 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF 2018 khai mạc tại Hà Nội. Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm chính là cơ chế hợp tác công tư (PPP).
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng nợ công Việt Nam đã gần đến mức trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, nên Chính phủ cũng thắt chặt vay nợ. Vì vậy, cơ chế PPP được cho là biện pháp hiệu quả thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng.
Các chuyên gia cho rằng việc đầu tư theo hình thức PPP là tất yếu khi nguồn lực Nhà nước hạn chế, nhưng phải tạo cơ chế và hành lang pháp lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Ảnh: VIẾT LONG
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa của PPP trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và luôn lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để cùng chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai PPP, nội dung của Nghị định 63 về đầu tư đối tác công tư còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục.
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng VBF cũng cho biết theo dự thảo báo cáo của Bộ KH&ĐT về việc thực hiện chương trình PPP, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án được cấp phép theo hình thức PPP. Trong đó, có 158 dự án BOT và BT giao thông, 9 dự án BOT ngành điện, 5 dự án xử lý nước thải.
“Hầu như không có bất kỳ dự án nào tuân thủ theo cơ chế PPP quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63. Các cơ chế pháp lý đầu tiên cho các dự án BOT và PPP ở Việt Nam đã được ban hành rất lâu nhưng một số người khó tính còn cho rằng các quy định trên còn nhiều hơn cả dự án…”, nhóm này nhận xét.
Theo đó, nhóm này kỳ vọng luật PPP mới phải có các quy định cho phép các bên tham gia dự án PPP được thương lượng và thống nhất mức giá phù hợp và hiệu quả về thương mại mà không bị hạn chế bởi các quy định về giá đối với các dự án đầu tư không theo mô hình PPP trong cùng lĩnh vực đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế để Nhà nước cung cấp các hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính cho các dự án PPP… Nên luật mới cần có cơ chế nhằm cho phép nhà đầu tư và bên cho vay trong lĩnh vực rủi ro này có được các bảo đảm nhất định đối với dự án của mình.
“Tất nhiên các quy định này vẫn cần phụ thuộc vào việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước bằng cách quy định các trách nhiệm pháp lý trong trường hợp nhà đầu tư không thể cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng đã cam kết”, nhóm này nêu kiến nghị.
Đặc biệt, nhóm này đề xuất Chính phủ cần có cơ chế đặc thù, tương tự như cơ chế ban hành những năm trước đây áp dụng cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để xây dựng được một dự án PPP thí điểm thành công trong từng lĩnh vực có nhu cầu cấp bách như xử lý chất thải, đường bộ, đường sắt.
“Các dự án thí điểm này sẽ tạo ra các tiền lệ mà căn cứ vào đó Chính phủ có thể xây dựng luật PPP mới và tiếp tục xây dựng các dự án PPP khác trong cùng lĩnh vực đầu tư”, nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF nhấn mạnh.
Liên quan đến các kiến nghị trên, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết Chính phủ đã chỉ đạo đơn vị nghiên cứu xây dựng luật về PPP. Dự kiến Bộ sẽ trình Quốc hội ban hành vào năm 2019.
“Chúng tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp FDI và tất cả tổ chức hỗ trợ tham gia đóng góp ý kiến để bộ luật này được xây dựng một cách chất lượng nhất…”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói.