TP.HCM sẽ có đối sách giữ thị trường bán lẻ

Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 5, năm tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 6-2016.

Cuộc họp nóng lên trước bối cảnh thị trường bán lẻ trong nước rơi vào tay nước ngoài, khi cơ cấu thị phần trên thị trường bán lẻ tại TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ chiếm 36%, trong khi các DN nước ngoài chiếm 51%.

“Chậm còn hơn thấy mà chịu thua”

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện nay DN bán lẻ thuộc sở hữu của tỉ phú giàu nhất Thái Lan đang có mặt trên địa bàn TP.HCM. Metro cũng được doanh nghiệp Thái Lan mua và sửa lại thành Mega Market. Hệ thống bán lẻ B’Smart, Nguyễn Kim, Robins, Zalora, Big C… cũng đang được sở hữu bởi nhà bán lẻ nước ngoài. Ngoài ra, Aeon - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đang phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ thứ nhì ở khu vực châu Á sau Malaysia.

Ông Phong thông tin thêm, các nhà bán lẻ Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường bán lẻ nước ngoài tiềm năng nhất. Và họ có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các DN vừa và nhỏ vào Việt Nam thông qua những hình thức như nhập khẩu những nhãn hàng riêng… “Cơ cấu thị phần trên thị trường bán lẻ chúng ta chỉ chiếm 36%, trong khi nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 51%. Như vậy, với định hướng của các nhà đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta không có chiến lược đối sách thì chúng ta sẽ mất thị trường bán lẻ. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chi phối thị trường bán lẻ và sẽ tác động rất lớn đến sản xuất trong nước”. Ông Phong nói thế và cho rằng TP.HCM có 280.000 DN, chiếm khoảng 50% tổng số DN cả nước, với hơn 10 triệu dân nên không thể nào dễ dàng để đánh mất thị trường bán lẻ nội địa.

Do đó, ông Phong yêu cầu các đơn vị liên quan, DN phải tính toán liên kết như thế nào để đưa ra giải pháp cụ thể giúp DN đủ sức cạnh tranh. “Chủ động bây giờ là chậm nhưng chậm còn hơn thấy mà chịu thua” - ông Phong nói.

Muốn giữ được thị trường bán lẻ, các DN nội phải liên kết chặt chẽ với nhau để cùng cạnh tranh với DN ngoại. Ảnh: HTD

Phải liên kết lại để giữ thị trường bán lẻ

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng thời gian tới thị trường bán lẻ ở TP sẽ rất phức tạp, nếu không đầu tư đúng mức sẽ khó khăn hơn nữa. “Sau khi làm việc với Satra và Saigon Coop, tôi thấy sự liên kết còn rất hạn chế” - ông Tuyến nói.

Đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho biết các nhà sản xuất kinh doanh thuộc hiệp hội này phản ánh rằng họ đang gặp khó khăn khi đưa hàng hóa vào các siêu thị do nước ngoài nắm.

Theo vị đại diện này, lượng hàng hóa của DN Việt Nam sản xuất từng đạt 80%-90% ở các kênh bán lẻ, thậm chí có những đơn vị đã coi hàng Việt Nam là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ gần đây tại một số hệ thống có yếu tố nước ngoài cho thấy tỉ lệ hàng ngoại đang chiếm đa số. Hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng không khó vào siêu thị của DN trong nước nhưng lại gặp nhiều trở ngại khi muốn đưa vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP thông tin thêm sự khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn thể hiện qua chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 3,4%, thấp hơn mức tăng đến 8,5% so với cùng kỳ năm 2015. “Nói gì thì nói, hiện thị trường bán lẻ đang bị “tấn công” rất tinh vi, tấn công từ bên trong, các DN nước ngoài hình thành nên mạng lưới, sau đó thôn tính, nhiều hệ thống bán lẻ làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường” - ông Hoan nói.

Ông Hoan đề xuất trong tháng 6-2016, TP nên có một cuộc họp chuyên đề về vấn đề này.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Công Thương gấp rút hoàn thành quy hoạch phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Đồng thời xây dựng chương trình về thương hiệu của TP.HCM, tập trung xác định những sản phẩm chủ lực của TP.

Ông Phong cũng cho biết sắp tới ông sẽ chủ trì một cuộc họp bàn biện pháp ổn định và giữ vững thị trường bán lẻ của TP. Theo ông Phong, nếu không kiểm soát và định hướng thị trường bán lẻ thì dứt khoát sẽ bị tác động bởi các nhà bán lẻ nước ngoài.

Cần đẩy mạnh liên kết và đầu tư có chiều sâu

Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh liên kết (ngang) ngành để tạo nguồn lực thương thảo với nhà cung cấp và liên kết (dọc) với các nhà cung cấp lớn để có nguồn hàng chất lượng và giá cả ổn định.

Song song đó đầu tư chiều sâu cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ từ bố trí mặt bằng hệ thống quản trị nghiệp vụ chuyên môn đến chăm sóc khách hàng cả khách hàng đầu vào và khách hàng đầu ra.

Muốn cạnh tranh, phải xây dựng thương hiệu mạnh

Bà Dương Mai Hoa,Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết để tiếp tục mở rộng thị trường bán lẻ DN này sẽ thực hiện liên kết với các DN sản xuất nội địa nhỏ và vừa, đầu tư vốn vào các DN đó để hỗ trợ mở rộng sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ, giảm chi phí, tạo ra được các thương hiệu mạnh. Hoặc trực tiếp tham gia sản xuất một số ngành mũi nhọn để trực tiếp tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, gây dựng những thương hiệu Việt uy tín và có giá trị.

TÚ UYÊN ghi

“Đừng quá bi quan”?

Tại họp báo của UBND TP.HCM trưa cùng ngày, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT TP cho rằng trong lộ trình gia nhập TPP cũng như các AFTA khác, Chính phủ đã có cam kết về thị trường bán lẻ nên đừng quá bi quan. Theo ông Anh, gần đây nhiều tập đoàn quốc tế tham gia thì chắc chắn thị phần của TP.HCM sẽ bị thu hẹp lại. “Cái chính là mối liên kết giữa Satra và Co.opmart ra sao. Chúng ta có chợ truyền thống, mỗi quận, huyện cũng có 4-5 cái, vậy kết nối thị trường bán lẻ truyền thống và hiện đại như thế nào. Đó là điều mà chúng ta cần bàn để kết nối” - ông Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm