“Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cải cách thể chế, cách thức kinh doanh, cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vận hành và cách ứng xử với môi trường kinh doanh”. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế được đưa ra tại tọa đàm “Kinh tế 2013 và Tầm nhìn 2014” do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 6-3.
Cơ hội và cải cách
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng TPP là nhân tố tích cực nhưng đừng tin ở những con số chứng minh Việt Nam được lợi nhiều nhất. Nền kinh tế của Việt Nam quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng tốt nhưng so với nền kinh tế to lớn của Mỹ thì con số tuyệt đối sẽ chẳng đáng là bao.
“Tôi đánh giá cao nhất ở TPP là sự cải cách bên trong, cộng hưởng tạo thêm động lực, sức ép để mình cải cách. Dệt may muốn “xơi” được 50 tỉ USD của Mỹ thì phải tự thay đổi mình, không làm gia công mãi được. Nếu mình thay đổi được thì lại giảm bớt sức ép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tôi trông đợi TPP ở khía cạnh tích cực đó nhưng có được hay không cũng là do mình có chịu được sức ép mà cải cách hay không? TPP không phải là “sung rụng” nằm đó mà hưởng” - bà Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VERF, nêu quan điểm rằng ông không thích các cán bộ nghiên cứu hay các nhà ngoại giao nói đến lợi ích của TPP bằng những tính toán của người Mỹ. TPP không quan tâm nhiều đến những lợi ích theo kiểu lợi ích của dệt may, da giày… mà cốt lõi để chúng ta nương theo TPP là cải cách thể chế, cách thức kinh doanh, cách DNNN vận hành, môi trường kinh doanh và cách ứng xử về lao động. “May mặc của chúng ta đang mất đi lợi thế so với Bangladesh và Campuchia, mất rồi thì chúng ta không nên níu kéo mà nên chuyển sang các thang giá trị cao hơn. Không thể coi TPP là cái có sẵn, đem lại vài chục tỉ USD mỗi năm. Nếu cải cách theo hướng tăng giá trị cốt lõi đó thì chẳng cần TPP cũng có thể đạt được con số này” - ông Thành nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ngành dệt may phải tự thay đổi, không làm gia công nữa để hưởng lợi từ TPP. Ảnh: HTD
Cần hướng đến lợi ích người dân
Cùng với TTP, vấn đề khác cũng được các chuyên gia đề cập tại tọa đàm là vấn đề cải cách kinh tế.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng Việt Nam đang cương quyết hơn trong những cải cách mang tính chất cốt lõi, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng là phục hồi trong ngắn hạn. Như vậy, chúng ta phải có chính sách không theo đuổi kích thích như hiện nay nữa. Tức là các chính sách bơm hàng trăm ngàn tỉ đồng vào thị trường bất động sản tạo nên cái kỳ vọng không phù hợp với người dân. Do vậy chính sách cần hướng dòng vốn đó vào khu vực sản xuất thay vì thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản.
Chia sẻ thêm về điều này, bà Phạm Chi Lan nêu thực tế khi nói về quan hệ kinh tế, thường nói đến Nhà nước - DN là chính, không nói đến vai trò người dân. Nhưng người bị tác hại nặng nề nhất là người dân và chính sự ảnh hưởng ấy đã tác động lại nền kinh tế. Rút cục chúng ta tăng trưởng và phát triển cho ai? Người dân có được hưởng không hay lại chính là người gánh chịu?
Theo bà Lan, tất cả nghiên cứu đều thừa nhận năm 2014 kinh tế thế giới có triển vọng phục hồi tốt nhưng liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội kinh tế thế giới phục hồi hay không? Câu hỏi này cần phải xem lại. “Chúng ta vẫn đổ lỗi tại môi trường kinh tế thế giới không thuận lợi cho mình nhưng Lào và Campuchia vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn Việt Nam. Tại sao vậy?” - vị chuyên gia này nêu vấn đề.
Ở góc độ bi quan hơn, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), trái phiếu Chính phủ tăng nhưng tổng cầu vẫn thấp, bên cạnh đó ngân hàng ì ạch trong xử lý nợ xấu và sở hữu chéo. Tái cơ cấu DNNN đã có những thông điệp mạnh mẽ nhưng mới chỉ dừng lại ở lời nói, vẫn lúng túng về cách làm, luẩn quẩn với câu chuyện lợi ích.
Tiếp cho ý này, TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ thêm, chủ trương cổ phần hóa DNNN là cực kỳ chính xác nhưng cách thực hiện thì rất khó. “Bây giờ giá chứng khoán rất thấp, nhóm lợi ích đứng đằng sau những DNNN đó sẽ có phản ứng mang tính chất là giữ lại trước khi bán với giá không cao. Vì thế Chính phủ phải quyết liệt, kể cả sự chống đối đến từ từng DN. Liệu trong hai năm tới Chính phủ có thể làm được việc đó hay không” - ông Thành e ngại.
TRÀ PHƯƠNG
Không nên tiếp tục hạ lãi suất? Lãi suất đang hạ dần về mức cách đây 10 năm. Chúng ta không nên tiếp tục hạ lãi suất. Mục đích của hạ lãi suất là đón dòng vốn vào khu vực sản xuất nhưng nó lại chảy rất nhanh sang khu vực tài sản, mà thực tế là đã chảy sang thị trường chứng khoán rồi. Thị trường bất động sản chưa cơ cấu xong mà đã ấm trở lại thì sẽ xóa nhòa nhu cầu tái cơ cấu, tạo nên những tín hiệu sai. TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Giám đốc VEPR |