Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong hai ngày 14, 15-4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết một loạt nghị định thư xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến (tổ yến thô và tổ yến sạch), cám gạo sang Trung Quốc.
Các nghị định thư ký kết không chỉ giúp nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường khổng lồ của thế giới mà còn tạo đà phát triển cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam trong khu vực.
Chanh leo và ớt dự báo góp thêm 200 triệu USD
Chanh leo và ớt Việt Nam đã được thí điểm xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức nghị định thư từ năm 2022. Ở Việt Nam, chanh leo là cây ăn quả mới có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được trồng ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Hiện cả nước có hơn 12 ngàn ha chanh leo, sản lượng 200 ngàn tấn/năm. Chanh leo Việt Nam đang được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính với yêu cầu cao. Trong những năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo luôn nằm trong top 10 loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao.
Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký Nghị định thư xuất khẩu là dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang.
Có 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng Nghị định thư xuất khẩu là thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít.
Riêng năm 2024, hai nước đã ký 4 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xuất khẩu cá sấu, xuất khẩu khỉ và xuất khẩu dừa tươi.
Ớt cũng là mặt hàng nông sản được người nông dân ví von là “một vốn mười lời” vì sinh trưởng ngắn ngày, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể trồng xen nhiều loại cây khác. Năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tăng mạnh 107% so với năm trước đó.

Còn trong 9 tháng năm 2024, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu đạt 22,2 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 31,8% về kim ngạch so cùng kỳ. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất ớt lớn trên thế giới.
Trao đổi với PLO, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu chanh leo và ớt giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp nâng cao tăng trưởng của hai mặt hàng này. Tuy nhiên, khả năng mức tăng trưởng sẽ không cao như kỳ vọng.
Lý do, theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, là bởi chanh leo và ớt đã được trồng phổ biến ở Trung Quốc, sản lượng lớn. Ngoài gặp cạnh tranh từ chính thị trường Trung Quốc, sản phẩm chanh leo, ớt còn phải cạnh tranh với các nước cũng xuất khẩu vào Trung Quốc.
“Dự kiến, hai mặt hàng này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng thêm từ 100- 200 triệu USD/năm” - ông Nguyên dự báo.
Tin vui được đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết là những năm qua, việc đa dạng hoá thị trường đang được các doanh nghiệp rau quả thực hiện rất tốt. Hiện rau quả Việt Nam đã xuất sang hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Doanh nghiệp nào cũng có các mối hàng từ 2-3 thị trường trở lên. Do vậy khi thị trường này khó khăn, các doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển hướng sang các thị trường khác.
"Việc chuyển hướng nhanh như vậy ngoài yếu tố các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt, không ‘bỏ trứng vào một giỏ’ từ sớm, còn vì các doanh nghiệp đã và đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường khó khăn. Một lợi thế nữa là Việt Nam có những mặt hàng rau quả đặc sản như sầu riêng, dừa tươi, rất ít các nước trồng được" - ông Nguyên cho hay.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến đang chờ cơ hội
Với tổ yến, sản phẩm tổ yến đã được Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu từ tháng 11-2022. Tròn một năm sau đó, tháng 11-2023, lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên mới được chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đến nay, mới có 12 doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số để xuất khẩu sản phẩm tổ yến. Còn rất nhiều doanh nghiệp yến sào khác chưa được cấp mã số vì chưa đáp ứng được các yêu cầu, thủ tục.

Do vậy, việc phía Trung Quốc tiếp tục ký nghị định thư đồng ý nhập khẩu chính ngạch tổ yến thô và tổ yến sạch từ Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất yến trong nước rất vui mừng.
Chia sẻ với PLO, ông Võ Nguyên Hoà, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Yến sào Bình Định, cho biết ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc kí nghị định thư về xuất khẩu tổ yến, sáng 16-4, Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp để bàn về vấn đề này.
“Tại cuộc họp, Hiệp hội đã thống nhất những doanh nghiệp nào trong hiệp hội đủ tiềm năng xuất khẩu sẽ cũng liên kết, đẩy mạnh làm việc với đối tác Trung Quốc để tìm hiểu và đáp ứng các quy định theo nghị định thư để xuất khẩu tổ yến. Hiệp hội đang làm việc với một doanh nghiệp ở Quảng Đông đang có nhu cầu nhập yến ở Bình Định” - ông Hoà chia sẻ.
Ông Tống Xuân Chinh, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết hiện sản lượng tổ yến thô của Việt Nam chỉ vào khoảng 150 tấn/năm. Để đủ nguyên liệu cho sản xuất, các doanh nghiệp vẫn phải nhập thêm nguyên liệu từ các nước, như Indonesia...
Khi ký nghị định thư cho phép xuất khẩu cả tổ yến thô, khối lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần chú ý luôn đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ thương hiệu cho sản phẩm yến sào Việt Nam. Đồng thời, gia tăng xuất khẩu yến đã qua chế biến sâu, như dưới dạng thực phẩm chức năng, đồ uống, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, mỹ phẩm… để có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu giải pháp là ngoài nhập khẩu, cần sử dụng hiệu quả các nhà yến đã được xây dựng. Nếu xây mới phải có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để tránh bị lãng phí. Bởi một điều tra vừa qua cho thấy từ 30-40% nhà yến không hiệu quả, không có chim yến về hoặc yến về rất ít.
Bên cạnh các mặt hàng trên, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu Đông y có nguồn gốc thực vật. Phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Chanh leo, ớt, tổ yến... Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc
(PLO)- Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, hai nước đã ký Nghị định thư, mở đường cho các sản phẩm như ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.