“Doanh nghiệp Việt Nam như đội thuyền thúng ra khơi. Bởi 96%-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ” - ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví von.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), ông Lộc nhìn nhận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả chúng ta. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn.
Khoảng cách còn xa giữa nói và làm
. Phóng viên: Ông vừa đề cập đến cải cách thể chế, bởi sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân và cả thể chế. Nhưng dường như việc cải cách thể chế còn quá nhiều thách thức?
Phong trào thi đua yêu nước trong thời đại mới cũng cần có quan điểm mới “làm giàu chân chính là yêu nước”. Và ai cản trở sự nghiệp làm giàu chân chính của người dân là có tội với đất nước này.
. Nhưng khát khao có môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và không thiên vị giữa các thành phần kinh tế đã được nói đến rất nhiều rồi, thưa ông?
+ Muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng.
Tôi cho rằng sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm chính phủ, ở cấp trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hằng ngày từ cấp xã, phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch... Thực tế khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa. Vì vậy, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm.
Điều này có nghĩa là một chính quyền vì dân phải hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức.
Để có được những DN với thương hiệu mạnh cần những nỗ lực đột phá từ cộng đồng kinh doanh và từ Nhà nước. Ảnh: HTD
“Dũng sĩ doanh nhân”
. Ông từng ví von doanh nhân như là những dũng sĩ?
+ Đã có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào tổ chức quản lý điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, hơn 15.000 trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… Đội ngũ này tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động, đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia.
Tôi cho rằng chỉ riêng việc họ trụ vững trong bối cảnh khó khăn những năm vừa qua, duy trì được việc làm cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng…, họ đã xứng đáng là dũng sĩ!
Hàng chục triệu người tiêu dùng trong cả nước và trên thế giới đang lựa chọn, tin dùng những sản phẩm, dịch vụ “made in Việt Nam” và “made by Việt Nam” mà doanh nhân tạo ra. Đó là những phần thưởng và sự ghi nhận lớn nhất đối với đội ngũ doanh nhân.
. Dưới góc nhìn của ông, những “dũng sĩ doanh nhân” của Việt Nam hiện nay liệu đã đủ sức lao vào một cuộc chơi lớn, cuộc chơi toàn cầu khắc nghiệt?
+ Đây là thời gian bắt đầu của những cuộc hội nhập lớn nhất, sâu rộng nhất của đất nước. Đối với đội ngũ doanh nhân đây sẽ là khởi điểm cho một chặng đường rất gian nan. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp ở thứ hạng thấp (riêng với TPP… là thấp nhất). So với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh.
Tháng 9 vừa qua, trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố có một doanh nhân người Việt được xếp ở vị trí 149. Doanh nhân của chúng ta đã thành công ở Mỹ. Một số doanh nhân nước ta cũng bắt đầu được xếp thứ hạng cao trong các nước châu Á và ASEAN. Nhưng những gương mặt đó chưa nhiều. Và để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: Từ cộng đồng kinh doanh và từ Nhà nước.
Sẽ có cuộc “lột xác” đau đớn
. Ông từng cảnh báo nếu hội nhập chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt sẽ bị những “con sói” đa quốc gia nuốt chửng. Vậy theo ông đâu là yếu tố quyết định để không bị nuốt chửng?
+ Tôi cho rằng để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu quan trọng nhất đối với cộng đồng kinh doanh là phải chuẩn bị một tâm thế “tự cứu lấy mình” trong quan hệ với Nhà nước và “chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng” trong quan hệ với thị trường. Chẳng hạn, nắm vững thông tin hội nhập, phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; liên kết lại với nhau và không “ăn xổi ở thì”...
Nhưng đối với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn của họ, song không có sự lựa chọn nào khác!
Tôi nhớ lại những lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư cuối cùng gửi cho giới doanh nhân trước lúc đi xa vào năm 2013. Theo đó, Đại tướng gọi doanh nhân là những “nhạc trưởng” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và căn dặn doanh nhân “phải luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, vươn tới trình độ khu vực và quốc tế”.
. Xin cám ơn ông.
Hướng tới mục tiêu 5 triệu doanh nghiệp Ở nước ta, vào thời điểm hiện nay, bình quân 200 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có một doanh nghiệp. 96%-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu và có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới. Chúng ta cũng cần phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Đất nước ta vẫn chưa giàu và hàng chục triệu người dân lam lũ ở cả nông thôn và thành thị vẫn đang thiếu việc làm, chưa có được cái “cần câu” để có thể thoát nghèo. Công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa tới đích, mang lại sự giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước và cho mọi người. Đội ngũ doanh nhân đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”! Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI |