Tan cửa nát nhà vì… game

Nghiện game đến mất việc, gia đình tan vỡ, thậm chí sáng ngày ra tòa ly hôn, anh vẫn còn đang vùi đầu ở tiệm Internet…

“Ước gì nhà mình đoàn tụ”. Đó là lời của một bé trai mới tám tuổi theo mẹ lên tòa dự buổi “chia tay” của người lớn. Tôi gặp em khi em đang loay hoay đi tìm thùng rác để bỏ bọc nylon mà ai đó để lại trên băng ghế trước phòng xử án. Mẹ em bảo đêm qua em ngủ không yên giấc, cứ thủ thỉ: “Không biết mai ra tòa thế nào, con lo quá mẹ ơi”...

1. Rồi người đàn bà ốm yếu ấy nghẹn ngào tâm sự về quãng thời gian gần 10 năm làm vợ đầy khốn khổ của mình.

Ngày quen nhau, chồng chị là một ông giáo tiểu học hiền lành. Chị về làm vợ anh, những mong về một mái ấm bền vững. Khổ nỗi hạnh phúc lại chỉ gói gọn trong vài tháng sau ngày cưới mà nguyên nhân kết thúc nó tưởng như một chuyện đùa: Game online!

Chính game online đã khiến chồng chị mê mẩn, quên công việc, quên cả tổ ấm bé nhỏ, kể cả khi đứa con đầu lòng ra đời. Ngoài giờ lên lớp là anh vùi đầu ở tiệm Internet. Cái gì cũng phải có giá của nó, nhiều lần anh đến lớp trễ, nhà trường cho anh nghỉ việc.

Thất nghiệp, người đàn ông ấy vẫn suốt ngày đêm say mê với những “chiến thắng ảo”. Gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai gầy gò của chị. Rồi đứa con thứ hai ra đời. Chị đầu tắt mặt tối ở ngoài chợ bán sữa đậu nành, dành dụm từng đồng lo cho hai con, lo cho cả người chồng nghiện game online. Không giúp được gì cho chị thì thôi, đằng này hở một tí là anh vét sạch tiền của chị đi chơi. Ngay cả chuyện đưa đón con đi học, anh cũng vòi vợ… 30.000 đồng tiền công, không thì “còn lâu”.

Tan cửa nát nhà vì… game ảnh 1

“Hôm con đi thi cuối học kỳ II, mẹ không có nhà. Con phải đẩy ba ra ngoài, năn nỉ mãi ba mới chịu chở con đi. Ba bảo tại mẹ không đưa tiền” - thằng bé buồn rầu kể lại. Không tiền chơi game, anh đánh đập vợ rồi bán tài sản trong nhà. Thấy con dâu bầm tím mặt mũi phải nhập viện, mẹ chồng khuyên chị báo với hội phụ nữ. Kể từ đó chị mới thoát được những trận đòn cay nghiệt.

Một ngày trời mưa to, chị bận bán, bảo chồng đến trường đón con. Nhưng trò chơi ảo đã cuốn hút lấy anh khiến anh không còn nhớ gì hết. Chờ mãi không thấy ba mẹ đến đón, thằng bé ngộ nhận một người mặc áo mưa là mẹ liền chạy theo ra cổng trường mới hay mình nhầm. Tủi thân, em ngồi dưới gốc cây tắm mưa mà khóc. 6 giờ tối, không thấy con về, chị tất tả đi tìm. Sau ngày ấy, dù vất vả tới đâu chị cũng tranh thủ đón con, không còn tin ở người chồng vô tâm nữa.

Cả nhà có mỗi chiếc xe máy cũ anh cũng giành. Thương cảnh chị, một đồng nghiệp của anh đã cho chị chiếc xe đạp cọc cạch để chị đưa đón con đi học. Cái cảnh ba thì bận bịu “chiến” game, mẹ phải thức khuya dậy sớm kiếm tiền đã khiến một đứa bé mới tám tuổi có những suy nghĩ làm người lớn khó cầm được nước mắt: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm. Con thắp nhang vái ông Địa cho gia đình mình yên ổn. Con sẽ đi bán vé số, ai đưa tiền con mới đưa vé. Con không để kẻ xấu lừa đâu”.

Kể đến đây chị lại khóc. Cứ mỗi lần nhắc đến con là nước mắt chị lại đầm đìa. “Chị xin lỗi, đã bảo hôm nay lên tòa không khóc mà nén lòng không được” - chị vội quay sang một bên lau nước mắt.

2. Chúng tôi ngồi ngoài phòng xử chờ gần 1 tiếng so với giờ tòa mời vợ chồng chị mà anh vẫn chưa đến. Do anh là nguyên đơn nên tòa quyết định hoãn xử.

Mẹ con chị chuẩn bị về, bỗng dưng một người đàn ông hom hem, mặt mũi bơ phờ, khoảng 40 tuổi đi ngang qua phát vào mông con chị một cái. Thằng bé vội chạy ra quấn quýt lấy người đàn ông ấy. Thì ra đó là chồng chị. Chị vội vào thông báo cho thư ký biết chồng mình đã đến. Họ không ai nói với nhau câu nào. Chị bảo mấy ngày nay chồng ở tiệm Internet không về nhà. Sáng nay chờ mãi không thấy chồng về, chị đành lấy xe máy chở con đến tòa một mình.

Anh thưa với tòa: “Chúng tôi cưới nhau mới ba ngày là không hạnh phúc. Chỉ vì có con nên mới cố níu kéo nhưng đến giờ thì đành thôi. Cô ấy nói này mà làm thế kia. Tôi xin tòa cho nuôi đứa lớn, cô ấy phải trợ cấp hằng tháng”.

Chị trình bày: “Anh ta lúc nào cũng cho rằng tôi giấu giếm tiền bạc không cho xài. Một mình tôi nuôi hai đứa con. Ngay cả chuyện đưa con đi học tôi cũng phải trả tiền thù lao anh ta mới chịu. Anh ta cờ bạc có khi một tháng mới về nhà mấy lần. Đã từ lâu tôi vừa làm cha vừa làm mẹ. Tôi không đồng ý giao con cho chồng”.

Anh phân trần: “Cô ta nói dối. Đưa tiền để đổ xăng chứ không phải là mướn. Tôi thích chơi game chứ không cờ bạc”. Chủ tọa hỏi: “Anh không có nghề nghiệp, tiền đâu chơi game?”. “Có dạy thêm. Ngày tôi chơi có 1-2 tiếng thôi. Sau ly hôn tôi sẽ khác” - người chồng đáp.

Chị lấy trong bọc nylon ra một chiếc quần ngủ bị rạch túi: “Thưa tòa, tôi không nói dối! Tôi bán sữa đậu nành dành dụm được 400.000 đồng để đóng học phí cho con. Biết chồng hay lấy tiền nên tôi phải khâu túi quần lại. Ai ngờ đợi tôi ngủ say, anh ta dùng dao lam rạch quần lấy hết tiền đi chơi game. Nhà trường thông cảm nên mới cho tôi thiếu nợ học phí hơn hai tháng rồi”…

3. Giờ tòa nghị án, không thấy con, chị chạy vội ra ngoài tìm. Thằng bé ngồi một mình, cúi gằm mặt xuống. Chị đến bên, em ôm chầm lấy mẹ. Bên ngoài hành lang, ba em vẫy tay gọi ra để nhờ em làm cầu nối kêu mẹ đưa chìa khóa xe máy.

Tôi thắc mắc: “Sao con không bảo ba để lại xe cho mẹ chở con về? Con không thương mẹ sao?”. “Ly hôn rồi, xe của ba trả lại cho ba” - em nói. Rồi em áp sát mặt vào mẹ: “Ước gì nhà mình được đoàn tụ như nhà chị Ly (một hàng xóm của em - NV)”. “Thôi con đừng nói nữa” - chị nói mà mắt lại đỏ hoe.

TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã chấp nhận cho vợ chồng chị ly hôn. Vì người chồng chưa có việc làm ổn định, lại nghiện ngập game online nên tòa giao hai con cho chị. Nếu sau này người chồng có việc làm ổn định thì phải phụ giúp chị nuôi con...

Tòa tuyên xong, mẹ con chị dắt nhau đi bộ ra đón xe buýt dưới cái nắng trưa hè gay gắt. Còn người đàn ông tệ hại đó vội đi tìm thẩm phán để bày tỏ sự không đồng tình về phán quyết của tòa.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm