Mới đây, TAND TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp hạn chế quyền trổ cửa giữa hai ông Lục Câu và Phan Chí Tâm với vợ chồng ông Nguyễn Hữu Việt.
Ủy ban cho trổ cửa, tòa bác
Vụ án này được phía ông Câu khởi kiện tại TAND quận Gò Vấp hồi tháng 8-2012, yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông Việt phải bít cửa hậu phía sau nhà.
Theo phía ông Câu, trong giấy hồng của vợ chồng ông Việt không thể hiện nhà này tiếp giáp hẻm và có cửa hậu. Trước đây toàn bộ phần diện tích sau đất của ba hộ là một con hẻm. Đến năm 2004, nhà ông Việt được công nhận cả phần diện tích sau hẻm này. Việc UBND quận công nhận thì phía ông Câu không có ý kiến và không có tranh chấp nhưng không đồng ý cho bị đơn trổ cửa hậu.
Tại tòa, vợ chồng ông Việt phản đối, không đồng ý bít cửa hậu vì đây là lối thoát hiểm duy nhất ngoài cửa trước của gia đình họ. Về nguồn gốc của cái cửa hậu này, vợ chồng ông Việt cho biết trước khi được cấp giấy hồng năm 2004 thì phần diện tích phía sau nhà vợ chồng ông thể hiện là con hẻm. Do gia đình ông đã sử dụng ổn định từ năm 1960 cho đến nay và không ai tranh chấp nên UBND quận mới công nhận cho ông chủ quyền phần diện tích hẻm này.
Vợ chồng ông Việt khẳng định trước kia nhà mình đã từng có cửa hậu và tiếp giáp hẻm. Để làm bằng, vợ chồng ông trình cho tòa một công văn của UBND quận Gò Vấp hồi tháng 7-2012 với nội dung chấp thuận cho vợ chồng ông được trổ cửa với kích thước cũ tại vị trí hiện trạng trước đây. Công văn trả lời tòa của phía UBND quận thì khẳng định không cấp chủ quyền con hẻm cho vợ chồng ông Việt mà con hẻm là lối đi chung phục vụ giao thông nội bộ cho hộ nhà ông Lục và một số hộ dân khác. Trong bản vẽ giấy tờ nhà có sử dụng từ “lối đi nội bộ” khiến một số người dân hiểu lầm là đã cấp chủ quyền cho hộ ông Việt.
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2013, TAND quận Gò Vấp đã không đề cập gì đến hai công văn trên của UBND quận mà chỉ nhận định giấy hồng của vợ chồng ông Việt không thể hiện rằng nhà họ có tiếp giáp hẻm và có cửa hậu. Tại phiên xử, đại diện UBND quận cho biết quan điểm là hộ ông Việt được quyền trổ cửa hậu tại vị trí cũ khi chưa được công nhận chủ quyền phần hẻm phía sau nhà. Tuy nhiên, tòa lại cho rằng do hộ ông Việt không đồng ý trả lại phần diện tích hẻm phía sau như hiện trạng cũ nên không có cơ sở để xem xét cho hộ ông trổ cửa hậu. Từ đó tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn.
Tòa quận thụ lý sai thẩm quyền
Sau phiên xử, vợ chồng ông Việt kháng cáo, cho rằng cùng lúc họ nhận hai quyết định trái ngược nhau: Ủy ban cho trổ cửa hậu, tòa lại buộc họ bít, trong khi bản án của tòa cũng không phủ nhận quyết định trước đó của ủy ban.
Tại phiên phúc thẩm của TAND TP.HCM ngày 16-6 vừa qua, tòa chủ yếu xoay quanh việc tại sao phía nguyên đơn không khởi kiện UBND quận về việc cho hộ ông Việt trổ cửa mà lại đi kiện vợ chồng ông Việt. Bên nguyên đơn cho biết ban đầu có ý định kiện ủy ban nhưng sau đó rút đơn khởi kiện để kiện vợ chồng ông Việt. Họ không lý giải được đi kiện bị đơn dựa trên mối quan hệ tranh chấp nào.
Sau khi nghị án, tòa phúc thẩm nhận định con hẻm trên là hẻm công cộng của ba nhà. Việc nhà bị đơn có được trổ cửa ra hẻm chung hay không là do UBND quận xem xét, quyết định nên yêu cầu khởi kiện của hai nguyên đơn là không có căn cứ.
Đồng thời, tòa nhấn mạnh theo BLTTDS, trong các dạng tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa không có dạng tranh chấp về việc trổ cửa hậu như trường hợp này. Như vậy việc TAND quận Gò Vấp thụ lý, giải quyết vụ kiện này là sai thẩm quyền. Từ đó tòa đã hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án như trên.
HOÀNG YẾN
Từng có vụ tương tự Trước đây, bà Phan Đình Nga khởi kiện ra TAND quận 6 TP.HCM yêu cầu tòa buộc ông Đ. phải tháo hàng rào che chắn trước sân nhà bà (mặt tiền ra hẻm chung) và tạo điều kiện cho bà trổ cửa trước sân để có lối đi riêng ra hẻm. Xử sơ thẩm, TAND quận 6 đã đình chỉ giải quyết phần yêu cầu tòa cho trổ cửa trước sân của bà Nga vì không có thẩm quyền. Theo tòa, bà Nga chỉ được quyền trổ cửa khi được cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền cho phép. Riêng với yêu cầu buộc ông Đ. tháo hàng rào che chắn trước sân nhà của bà Nga, tòa chấp nhận, cho rằng theo lẽ thông thường, mặt tiền mỗi nhà cần phải được thông thoáng để người trong nhà có thể ra vào thuận tiện. Ông Đ. tự ý đặt chướng ngại vật trước mặt tiền nhà bà Nga là không được nên việc bà khởi kiện yêu cầu chấm dứt hành vi này là có cơ sở. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định bà Nga chưa có đủ điều kiện để khởi kiện đòi trổ cửa, mở lối đi riêng nên việc tòa sơ thẩm thụ lý, giải quyết là chưa đúng thẩm quyền. Từ đó tòa hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. |