LS Nguyễn Văn Quynh dẫn một số quy định của BLTTHS 2015 để nói về nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Luật sư: “Nói bị cáo quanh co, chối tội là khiên cưỡng”
Đáng chú ý, nói về quyền im lặng của bị can, bị cáo, LS Quynh dẫn lại trường hợp hoa hậu Trương Hồ Phương Nga thực hiện quyền im lặng suốt quá trình điều tra, truy tố, chỉ đến khi ra tòa mới chịu khai. “Bị cáo Nga đã tự bảo vệ quyền của mình khi tất cả lời khai khác đều chống lại bị cáo”…
Từ đó LS Quynh cho rằng nội dung bản luận tội cáo buộc ông Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội là “rất khiên cưỡng”, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội trong BLTTHS 2015.
Trước đó, khi luận tội chiều 11-1, đại diện VKS nhận định ông Trịnh Xuân Thanh phạm hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản đều thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn trong dư luận. Sau khi phạm tội lại bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra. Suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông Thanh luôn tỏ thái độ không thành khẩn, quanh co, chối tội. Tuy bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là gia đình đã tự nguyện nộp 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả nhưng cần phải trừng trị nghiêm khắc mới bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung.
Sau đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt ông Thanh 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái…, tù chung thân về tội tham ô tài sản, hình phạt chung là tù chung thân.
LS Nguyễn Văn Quynh (trái), Lê Văn Thiệp đang bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Luật sư: “Không cố ý làm trái…”
Một LS khác bảo vệ ông Thanh là LS Trần Hồng Phúc cho rằng ông Thanh không có hành vi tham ô tài sản (nếu có chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Còn hành vi cố ý làm trái… thì còn cần xem xét qua phần đối đáp của đại diện VKS để xác định cá thể hóa hành vi, cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo trong vụ án mới xác định được ông Thanh có trách nhiệm đối với khoản thiệt hại (nếu có) gây ra cho PVN ra sao.
Theo LS Phúc, đối với tội tham ô tài sản, “các cáo buộc của VKS không đủ cơ sở vững chắc theo quy định của pháp luật”. LS cho rằng toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước bằng cách lập các hồ sơ khống được thực hiện bởi các bị cáo như Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC), Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch)... Trong vụ này, tất cả lời khai của họ đều không chứng minh được rằng về mặt chủ quan ông Thanh là đồng phạm.
“Toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ cũng như thẩm vấn rất kỳ lạ và đặc biệt. Dòng tiền (nguồn tiền) dịch chuyển đó bị mâu thuẫn bởi chính lời khai của các bị cáo trong vụ án. Ngoài ra, chúng tôi tìm ra được những chứng cứ ngoại phạm”, LS Phúc nói.
Trước đó, chiều tối 11-1, LS Lê Văn Thiệp đề nghị HĐXX miễn truy cứu trách nhiệm hình sự những bị cáo trong vụ án cố ý làm trái vì cho rằng nếu xét xử họ với mức thiệt hại lên đến 119 tỉ đồng theo cách tính lãi suất của các giám định viên và cáo buộc của VKS là không thỏa đáng.
“Với trách nhiệm của người đứng đầu, thân chủ của tôi cũng phải xem xét trách nhiệm. Trong trường hợp này có thể xem xét là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì đã không sử dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát, thanh tra. Việc bị cáo thuyết phục gia đình đền bù số tiền đó là dựa trên hành vi nhận thức đó chứ không phải vì tham ô nên mới khắc phục” - LS Thiệp nói.
Luật sư đề nghị đại diện VKS tranh luận đến cùng Chiều 12-1, LS Đinh Anh Tuấn đã bào chữa cho nguyên tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực (bị đại diện VKS đề nghị phạt 12-13 năm tù về tội cố ý làm trái…). LS nói ông “cảm thấy hơi thất vọng” vì lời luận tội của đại diện VKS “sơ sài hơn cáo trạng”, không phản ánh được những diễn biến tại phiên tòa, những nỗ lực trả lời của bị cáo chỉ khiến đại diện VKS đi đến nhận định bị cáo khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới... LS Tuấn đưa ra nhiều lập luận để cho rằng bị cáo Thực không cố ý làm trái và đề nghị đại diện VKS tranh luận đến cùng. Ông cũng đề nghị HĐXX tuyên bố không đủ căn cứ để kết luận bị cáo Thực có hành vi cấu thành tội cố ý làm trái… So sánh tội danh Tại phiên tòa, LS của ông Đinh La Thăng cho rằng thân chủ chỉ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chứ không cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù (khoản 3 Điều 165 BLHS). Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù (khoản 2 Điều 285 BLHS). Như vậy, tội cố ý làm trái… nặng hơn tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |