Cho thôi việc không nêu lý do, công ty bị kiện

Tòa Lao động TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ ông LPK kiện Công ty TNHH Xây dựng VĐ (gọi tắt là công ty, trụ sở ở quận Phú Nhuận) về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với ông. Do vụ án còn nhiều nội dung cần làm rõ, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa, đến ngày 16-1 sẽ tiếp tục làm việc.

Bị cho thôi việc không nêu lý do

Trong đơn kiện, ông K. trình bày đầu tháng 10-2016, ông được công ty nhận vào làm việc với chức danh kỹ sư xây dựng - chỉ huy trưởng công trình, mức lương 25 triệu đồng/tháng. Hai bên ký HĐLĐ có thời hạn một năm.

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 18-11-2016, ông K. bị công ty điều động sang làm… chuyên viên phòng kế hoạch. Tiếp đó, ngày 8-12-2016, công ty ra thông báo sẽ chấm dứt HĐLĐ với ông kể từ ngày 25-1-2017. Ông K. gửi ý kiến phản đối nhưng công ty không xem xét. Sau đó, công ty ra quyết định cho ông thôi việc mà không nêu lý do.

Cho rằng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, ông K. khiếu nại đến Phòng LĐ-TB&XH quận Phú Nhuận. Phòng này tổ chức hòa giải nhưng không thành. Sau đó, ông K. khởi kiện yêu cầu TAND quận Phú Nhuận hủy quyết định cho thôi việc, buộc công ty phải bồi thường cho ông tổng cộng hơn 250 triệu đồng.

Sơ thẩm: Người lao động thắng

Làm việc với tòa, phía công ty nói trong thời gian làm việc, ông K. không hoàn thành công việc như không lập được tiến độ hằng tuần, không điều phối được công trình, chưa quản lý và phân công được công việc cho các nhân sự… dẫn đến thi công chậm tiến độ trầm trọng. Vì vậy, công ty buộc phải chuyển ông K. làm công việc khác.

Theo công ty, đây là dịp để ông K. xem lại trình độ, năng lực làm việc. Tuy nhiên, ông lại có những lời lẽ xúc phạm đồng nghiệp, có thái độ chống đối cấp trên, chơi game trong giờ làm việc. Công ty đã làm việc với ông K. nhưng ông không hợp tác, bỏ về trong lúc làm việc.

Công ty không đồng ý yêu cầu của ông K. nhưng đề nghị hỗ trợ ông 30 triệu đồng để chấm dứt HĐLĐ.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2017, TAND quận Phú Nhuận nhận định công ty ra quyết định cho ông K. thôi việc mà không nêu lý do, cũng không nêu căn cứ pháp luật áp dụng để chấm dứt HĐLĐ. Công ty chưa lần nào lập biên bản ghi nhận về việc vi phạm của ông K., hồ sơ cũng không có tài liệu nào thể hiện việc vi phạm để có cơ sở xử lý. Công ty ra quyết định cho ông K. thôi việc nhưng không chứng minh được vi phạm của ông K. là không đúng quy định, vi phạm Điều 38 Bộ luật Lao động 2012.

Từ các nhận định trên, TAND quận Phú Nhuận chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông K., buộc công ty phải bồi thường cho ông 250 triệu đồng. Sau đó, phía công ty kháng cáo.

Tại sao cho thôi việc còn cảm ơn?

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện công ty đề nghị hỗ trợ ông K. 50 triệu đồng để hòa giải nhưng ông K. không đồng ý.

Phía công ty xuất trình cho HĐXX thỏa ước lao động mà ông K. đã ký với công ty. Công ty cho rằng theo thỏa ước này, ông K. vi phạm các điều khoản về chửi thề, đi làm không đúng giờ, chơi đánh bạc online trong giờ làm việc… nên công ty có quyền chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn.

Cạnh đó, công ty đề nghị HĐXX không áp dụng mức lương 25 triệu đồng/tháng để làm cơ sở giải quyết vụ án mà áp dụng mức lương 4,6 triệu đồng/tháng vì đây mới là lương chính thức của ông K., phần còn lại là các khoản phụ cấp liên quan đến chức vụ giám sát công trình của ông K. Khi ông K. được điều chuyển về làm chuyên viên thì các khoản phụ cấp đó không còn nữa và mức lương của ông chỉ còn 4,6 triệu đồng/tháng.

HĐXX thắc mắc: Tại sao công ty không nêu rõ lý do trong quyết định cho thôi việc? Trái lại, trong thông báo cho thôi việc, công ty còn… cảm ơn ông K. thời gian qua đã cống hiến cho công ty, nay do tình hình thực tế của công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng với ông. Công ty còn nói để có thời gian cho ông K. nghỉ ngơi trước khi tìm việc khác, công ty quyết định trả lương cho ông đến hết tháng 1-2017 với mức lương 25 triệu đồng (trong khi ông K. chỉ làm việc đến ngày 23-1)…

Trả lời HĐXX, công ty cho biết vì tính nhân đạo, vì cái tình của công ty dành cho người lao động (NLĐ). Công ty sợ ông K. sẽ gặp khó khăn khi xin việc làm mới nên không nêu rõ lý do trong quyết định cho thôi việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Quy định liên quan

Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau: NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị sáu tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục… Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của bộ luật này.

Theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động phải báo cho NLĐ biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm