Ngày 1-11, Tòa Lao động TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ Công ty CP GSH Việt Nam (chuyên về chăm sóc sắc đẹp, gọi tắt là công ty) yêu cầu ông Danh Thanh Liêm (bác sĩ) thanh toán 350 triệu đồng. Trước đó, TAND quận Bình Tân xử sơ thẩm đã tuyên ông Danh thua kiện, phải trả tiền cho công ty vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật.
Yêu cầu trả tiền chuyển giao công nghệ
Theo đơn khởi kiện của công ty, ngày 9-2-2015, công ty và ông Liêm ký HĐLĐ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và thỏa thuận bảo mật thông tin. Ngoài ra, ông Liêm còn ký văn bản thỏa thuận làm việc đảm nhận vị trí bác sĩ tư vấn và chăm sóc chuyên sâu các vấn đề về da mặt… tại các chi nhánh của công ty ở TP.HCM.
HĐLĐ nói trên giữa hai bên có thời hạn ba năm. Ông Liêm cam kết về thời gian làm việc tại công ty, cam kết không đơn phương chấm dứt hợp đồng sau khi đã được cử đi học các khóa đào tạo từ nguồn kinh phí của công ty. Sau đó, ông Liêm đã được công ty đưa đi học các khóa đào tạo tại Singapore trong hai đợt, mỗi đợt bốn ngày.
Ngày 9-9-2016, ông Liêm gửi đơn xin nghỉ việc bằng thư điện tử cho công ty với lý do: “Cá nhân gặp khó khăn và cần nơi làm việc để có thâm niên công tác, xin giấy phép hành nghề”. Ngay sau đó, công ty có thông báo mời ông Liêm họp xem xét lý do xin nghỉ việc nhưng ông Liêm không đến. Công ty đã có phản hồi không chấp thuận đơn xin nghỉ việc nhưng đến ngày 3-10-2016, ông Liêm vẫn tự ý thôi việc.
Vì vậy, công ty khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Tân (nơi ông Liêm sinh sống) buộc ông Liêm phải thanh toán số tiền chuyển giao công nghệ là 350 triệu đồng do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Trong khi đó, làm việc với tòa, ông Liêm trình bày trong giai đoạn ông làm việc tại công ty, thực chất ông không hề được cử đi Singapore đào tạo như công ty đã trình bày. Trong thời gian làm việc, để tăng liệu trình điều trị và tăng doanh thu, công ty triển khai thêm các liệu trình để phục vụ khách hàng và sử dụng chuyên môn, kiến thức của bác sĩ rồi đưa sang Singapore du lịch mang danh nghĩa đào tạo để làm marketing. Việc chuyển giao công nghệ như công ty trình bày chỉ là một buổi hướng dẫn sử dụng và vận hành máy.
Từ đó, ông Liêm cho rằng việc công ty đòi ông bồi thường 350 triệu đồng là không hợp lý. Cũng theo ông Liêm, do môi trường làm việc không đủ ôxy khiến ông bị bệnh, mặt khác ông đang nuôi con nhỏ nên không có khả năng bồi thường số tiền lớn như thế theo yêu cầu của công ty. Ông chỉ đồng ý bồi thường 50 triệu đồng vì lý do danh dự.
Ngoài ra, ông Liêm còn đề nghị tòa xem xét tính pháp lý của HĐLĐ và hợp đồng chuyển giao công nghệ vì người ký hợp đồng chỉ là giám đốc điều hành công ty…
Không thuộc trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?
Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2017 của TAND quận Bình Tân, đại diện VKS nhận định trường hợp của ông Liêm không thuộc một trong các trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn theo quy định tại Điều 37 BLLĐ nên đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của công ty.
HĐXX nhận định theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, công ty sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ là “bí quyết, kỹ thuật thẩm mỹ da bằng thiết bị laser và ánh sáng” của công ty cho người nhận chuyển giao, thời gian từ ngày 9-2-2015 đến hết ngày 8-3-2015. Phía công ty thừa nhận do không sắp xếp được lịch nên không tiến hành đào tạo đúng thời gian quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, công ty đã sắp xếp đưa ông Liêm đi đào tạo tại Singapore trong hai đợt như trên. Dựa vào lịch đào tạo công ty cung cấp và sự thừa nhận của các đương sự về việc cấp chứng chỉ đào tạo cho ông Liêm thì HĐXX xét thấy lời khai của phía công ty là phù hợp.
Cạnh đó, hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định người nhận chuyển giao đơn phương nghỉ trước thời hạn sẽ thanh toán giá chuyển giao công nghệ là 350 triệu đồng. Từ đó, HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của công ty, buộc ông Liêm phải thanh toán cho công ty 350 triệu đồng.
Sau đó, ông Liêm kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên xử phúc thẩm của Tòa Lao động TAND TP.HCM hôm qua, ông cho biết ông không được bố trí đúng công việc đã thỏa thuận. Cụ thể, theo HĐLĐ, ông được tuyển vào vị trí bác sĩ thực tập nhưng lại được bố trí với vai trò chính là bác sĩ điều trị…
Ông Liêm cũng cho rằng việc đưa bác sĩ từ Việt Nam sang Singapore đào tạo phải được Bộ Nhân lực và Bộ Y tế Singapore cấp phép vì lý do thực hành y khoa trên người. Công ty không đăng ký cho ông Liêm được phép thực tập tại Singapore nên việc chuyển giao công nghệ không thể diễn ra do ông không được phép thực hiện thủ thuật y khoa trên người.
HĐXX đã động viên hai bên hòa giải. Phía công ty cho biết sẽ giảm số tiền yêu cầu thanh toán xuống còn 300 triệu đồng nhưng ông Liêm không đồng ý.
Sau một buổi xét xử, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa để yêu cầu công ty bổ sung một số tài liệu trong vòng bảy ngày.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới.
• Đại diện công ty: “Công ty rất thiện chí, luôn tôn trọng bác sĩ và mong muốn hai bên hòa giải. Điều này thể hiện qua việc trong suốt phiên tòa, công ty đã rất cẩn trọng và luôn dùng từ “yêu cầu hoàn lại” thay vì “đòi bồi thường” chi phí chuyển giao công nghệ. Công ty cũng chấp nhận giảm số tiền yêu cầu xuống”... • Ông Danh Thanh Liêm: “Khi đặt bút ký các HĐLĐ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và văn bản thỏa thuận làm việc với công ty, bản thân tôi đã có sơ suất là không đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng. Tranh chấp với công ty là một bài học lớn đối với tôi và sẽ theo tôi suốt cuộc đời này”. |