Kiện bác sĩ vì càng chữa càng liệt

Sau khi xem xét, HĐXX quyết định nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp...

Mổ bướu mỡ, bị liệt chân

Theo đơn khởi kiện, từ nhỏ ông Nghệ có một khối u nhỏ ở vùng thắt lưng. Năm 2005, nghi ngờ việc bị đau và tê mỏi ở hai chân là do khối u này gây ra nên ông thăm khám nhiều nơi và gặp BS Sơn. Sau khi được BS Sơn phẫu thuật, hai chân ông ngày càng yếu. BS Sơn yêu cầu phẫu thuật một lần nữa để đôi chân trở lại bình thường. Tin tưởng bác sĩ, ông gật đầu. Phẫu thuật, vật lý trị liệu xong thì đến năm 2010, đôi chân ông Nghệ ngày càng tệ và... liệt luôn. Vì vậy, ông yêu cầu tòa buộc BS Sơn và bệnh viện phải liên đới bồi thường tiền thuốc, chi phí điều trị, tiền mất thu nhập, tiền sinh sống đến khi chết (300 tháng), cấp dưỡng nuôi con, tổn thất tinh thần... hơn 2,6 tỉ đồng.

“Bị làm” chuột bạch?

Tại phiên tòa, ông Nghệ trình bày: ““Anh tìm đúng chỗ rồi. Tôi là người giải phẫu bướu mỡ giỏi nhất Đông Nam Á”. BS Sơn đã nói với tôi như vậy đó, thưa tòa. Tuy nhiên, giờ thì tôi không thể đi lại được, không thể tự tiểu tiện, không thể làm chồng, phải có người phục vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống”. Theo ông Nghệ, BS Sơn đã tư vấn không đúng bản chất bệnh. Không bệnh nhân nào chấp nhận tốn tiền trong trường hợp “năm ăn năm thua” cả. Hồ sơ của bệnh án phần tiên lượng bỏ trống. Việc hội chẩn không phải do bác sĩ chuyên khoa cột sống thực hiện.

Kiện bác sĩ vì càng chữa càng liệt ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Nghệ hiện đã bị liệt hoàn toàn hai chân. Ảnh: DT

“Quá trình mổ, BS Sơn có sử dụng tấm phim (miễn phí) để bao bọc, ngăn sự phát triển của khối u mỡ nhưng khối u này vẫn phát triển. Việc BS Sơn tự ý sử dụng tấm phim này mà không báo cho bệnh nhân biết là cố tình biến bệnh nhân thành chuột bạch để thử tay nghề, thử phát minh mới...” - phía ông Nghệ cho biết.

Không ai dám chắc 100%

Phản bác, BS Sơn thừa nhận có việc sử dụng tấm phim để bao bọc khối u mỡ nhưng không thành công do khối u này phát triển quá nhanh. Việc sử dụng tấm phim này được phép của các cơ quan y tế, bác sĩ đã làm đúng quy trình điều trị của ngành y…

Cũng theo phía BS Sơn, việc ông Nghệ bị liệt nằm ngoài ý muốn và nếu ông Nghệ không mổ thì ông cũng bị liệt. Bằng chứng là khi ông đến khám, các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy ông đã bị liệt 1/2 chân. Sau khi mổ xong chỉ bóc tách được một phần bướu mỡ, sau đó một thời gian khối u phát triển, phình to, chèn ép gây bị liệt. Kết quả mổ không như ý muốn, không phải lỗi của bác sĩ vì khoa học vẫn chưa giải quyết được.

BS Sơn còn cho rằng nhiều lần bác sĩ đã giải thích “cái u này không thể nào bóc hết được, chỉ được 50/50 thôi, không dám hy vọng nhiều”... Hơn nữa, ông Nghệ còn ký cam đoan đồng ý xin phẫu thuật, thậm chí vợ ông cũng ký. Nếu ông Nghệ khó khăn thì BS Sơn sẽ hỗ trợ 15-20 triệu đồng chứ không bồi thường vì bác sĩ không sai.

Ông Sơn cũng không đồng ý việc ông Nghệ đòi bồi thường tiền sinh sống đến khi ông Nghệ 73 tuổi (tính bình quân tuổi thọ trung bình của người Việt Nam) vì đây là số liệu công bố phục vụ cho việc kế hoạch hóa gia đình mà thôi...

Bác sĩ không tích cực hợp tác

Trong phiên xử, chủ tọa phiên tòa nhắc đến việc rất nhiều lần tòa mời BS Võ Xuân Sơn đến tòa làm việc nhưng BS Sơn đều không đến. Nếu bác sĩ đến thì có thể giải thích rõ ràng hơn về chuyên môn. Chẳng hạn, nói cho bệnh nhân hiểu bác sĩ đã làm hết lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, tư vấn hết lòng hết dạ, đặt y đức lên hàng đầu… nhằm thuyết phục bệnh nhân khép lại vụ việc. Người đại diện của bác sĩ tại tòa không thể giải thích rõ những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, cũng như những gì bác sĩ đã tư vấn cho bệnh nhân. Vụ việc kéo dài, gây mất thời gian, công sức của nhiều phía…

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm