Cựu tướng Phan Văn Vĩnh liên tục lau mắt, dùng quyền im lặng

Trong suốt quá trình trả lời các câu hỏi của luật sư, HĐXX cũng như đại diện VKS, cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh nhiều lần dùng khăn lau mắt. Bị cáo này còn sử dụng quyền im lặng để từ chối câu hỏi.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh nhiều lần lau mắt.

“Đề nghị hỏi Nguyễn Thanh Hóa”

Luật sư Lê Hồng Khanh (bào chữa cho ông Vĩnh) hỏi tiếp về vai trò chỉ đạo của ông Vĩnh với C50? Ông Vĩnh nói đây là đi sâu nội bộ Bộ Công an lẽ ra cũng từ chối nhưng vì xét thấy chưa đến mức cần bảo mật nên ông có thể trình bày sơ bộ. Khi chỉ đạo các cục, với tư cách tổng cục trưởng, ông chỉ chỉ đạo trên định hướng, đây không phải vụ án cụ thể mà cần “dắt tay chỉ việc”.

Vị luật sư tiếp tục hỏi ông và ông Hóa ngoài quan hệ cấp trên cấp dưới còn quan hệ khác không? Ông Vĩnh nói chúng tôi hai quê khác nhau hội tụ về, cùng chung lý tưởng vì bình an Tổ quốc, cùng là chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vừa là anh em ruột thịt vì Bác Hồ dạy “với đồng sự thân ái giúp đỡ”…

Trước nhiều câu hỏi, ông Vĩnh nói đã trả lời chiều qua đề nghị luật sư theo dõi sát những lời trình bày của mình vì thời gian không nhiều, để dành cho việc khác.

Chủ tọa sau đó cũng lưu ý các luật sư không đặt lại các câu hỏi đã được bị cáo trả lời.

Ông Vĩnh từ chối nói về những danh hiệu, lý lịch trước tòa vì đã có trong hồ sơ. Luật sư sau đó nêu ra nhiều chiến công của ông Vĩnh cũng như tình trạng sức khỏe của bị cáo. Ông Vĩnh chỉ xác nhận và nhắc lại đã lưu hồ sơ vụ án. 

Đến lượt mình, luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Vĩnh với tư cách là người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát, đánh giá thế nào về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực trò chơi trực tuyến?

+ Tôi quản lý trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Các lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực của bộ, ban, ngành khác quản lý. Tất cả những gì để người dân bình yên hơn thì thuộc trách nhiệm của Tổng cục Cảnh sát.

. Quản lý game bài có sự chồng chéo?

+ Đề nghị luật sư hỏi người trực tiếp quản lý, theo dõi lĩnh vực này là anh Nguyễn Thanh Hóa.

. Khi ký Quyết định 158 về việc thành lập CNC là công ty bình phong, giữa yếu tố kinh tế và yếu tố nghiệp vụ, cái nào là yếu tố quyết định?

+ Trong cuộc chiến đấu phòng, chống tội phạm, việc chung tay, chung sức của mọi cá nhân, tổ chức gửi tới Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Công an cũng như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đều rất trân trọng.

Trong Quyết định 158 nêu rất rõ trách nhiệm của các bên, của C50, của CNC, người chịu trách nhiệm trước tổng cục trưởng là cục trưởng C50 và chủ tịch HĐQT CNC.

Với cá nhân tôi thì đó là hoạt động nghiệp vụ. Nếu nói cả ra thì ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng công an.

. Ông đánh giá thế nào về hoạt động nghiệp vụ của CNC?

Ông Vĩnh đề nghị luật sư nghiên cứu lại các văn bản có trong hồ sơ vụ án, ở đó có những đánh giá về hoạt động của C50.

Chủ tọa đặt một số câu hỏi liên quan đến Công ty CNC. Ông Vĩnh đứng lên, hai tay đặt trước bụng, trả lời câu hỏi của chủ tọa. Với câu hỏi: “Tại Quyết định 158 do bị cáo ký, CNC là công ty bình phong. Nhưng tại tòa bị cáo chỉ sử dụng từ là “công ty nghiệp vụ”. Vì sao?”.

Ông Vĩnh đáp: Bị cáo thấy gọi là công ty “bình phong” không chuẩn xác, đây là từ dân dã. Bị cáo nghĩ nếu Bộ Công an có hội thảo thì nên gọi tất cả công ty hợp tác với Bộ Công an là công ty nghiệp vụ thì phù hợp hơn.

Sau khi ngồi ghế, ông Vĩnh có thể đứng để trả lời.

VKS nói ông Vĩnh khai bất nhất

Sau các luật sư, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tham gia xét hỏi đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh.

. Bị cáo thừa nhận CNC là công ty nghiệp vụ, vậy có bảo đảm yếu tố C50 góp vốn và cử người tham gia chưa?

+ Toàn bộ trách nhiệm tổ chức thực hiện, lúc này thuộc về cục trưởng C50, không phải trách nhiệm của bị cáo. Việc vì sao không góp người, góp vốn không thuộc trách nhiệm của bị cáo.

. Bị cáo đồng ý cho CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám. Việc lấy tài sản công cho thuê lấy tiền có đúng không?

+ Tôi đã giải thích số 10 Hồ Giám chỉ là căn hộ nhỏ lẻ, liền kề nằm trong hộ dân. Việc hóa trang đóng trụ sở ở đó thì tôi cho rằng là hợp lý.

. Hiệu quả hoạt động của công ty bình phong so với hậu quả Công ty CNC gây ra, bị cáo thấy cái nào lợi hơn?

+ Ở câu hỏi trước, quý viện đặt vấn đề, bị cáo xin trả lời. Ở thời điểm này khi kết thúc vụ án đưa ra xét xử, thời điểm bị cáo ký đồng ý thì CNC chưa tổ chức đánh bạc. Thời điểm đó và thời điểm này, mọi so sánh đều không đầy đủ. Nhưng bị cáo đã kiểm điểm ngay từ đầu ngày hôm qua, hậu quả xảy ra nặng nề, không chỉ với 92 bị cáo mà còn cả đối tượng đang bỏ trốn, hàng triệu triệu gia đình không biết rơi vào hoàn cảnh như thế nào.

Số 10 Hồ Giám bị cáo chỉ phê đồng ý về chủ trương. Người thực hiện là phó tổng cục trưởng phụ trách hậu cần và phó tổng cục trưởng phụ trách C50. Mọi quyết định đúng hay sai, trách nhiệm thuộc về những người chịu trách nhiệm thực hiện yêu cầu, chỉ đạo của bị cáo. Mong quý viện hết sức lưu tâm…

. Bị cáo thừa nhận hành vi nhưng bị cáo cho rằng có lỗi thì đó là lỗi cố ý gián tiếp. Với tư cách từng là thủ trưởng cơ quan điều tra, vụ án này, bản thân bị cáo có lỗi gì không, lỗi trực tiếp hay gián tiếp? Bị cáo có phạm tội như VKS truy tố không?

+ Tôi là bị cáo, việc đánh giá tội danh, hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra và quý viện. Cám ơn quý viện cho tôi cơ hội trình bày cái này có đúng không.

Khi được hỏi truy tố có đúng không, tôi đã trình bày là đúng.

Kết luận điều tra và cáo trạng, tôi chỉ kính mong quý viện và HĐXX sẽ công tâm, khách quan soi xét từng chứng cứ một. Những chứng cứ vật chất là chứng cứ khoa học để định tội danh và lượng hình cho phù hợp với bản thân tôi.

. Lời khai của bị cáo có sự bất nhất. Hôm qua bị cáo thừa nhận truy tố nhưng lại cho rằng bị cáo chỉ có lỗi cố ý gián tiếp. Trong khi lỗi của tội lợi dụng chức vụ là cố ý trực tiếp?

+ Không phải có sự trình bày bất nhất. Tôi lấy ví dụ, vấn đề Hồ Giám, ký Quyết định 158 tôi có lỗi không, chỉ đạo yêu cầu anh Nguyễn Công Sơn báo cáo 352 có đúng không? Tất cả có bối cảnh cụ thể. Xuyên suốt quá trình, phải chăng đây là một chuỗi khẳng định tôi biết CNC đánh bạc? Tôi mong VKS với vai trò công tố soi xét cho thật thấu đáo, ở đoạn nào tôi mắc phải lỗi lầm, đoạn nào không phải lỗi lầm của tôi, đoạn nào tôi phải nhận hình phạt thỏa đáng.

Luật sư Nguyễn Thị Uyển (bào chữa cho Phan Sào Nam) hỏi ông Vĩnh: Liên quan đến việc CNC là công ty bình phong của Bộ Công an, đã có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước hay của Bộ Công an quy định vấn đề, công ty bình phong phải có vốn góp của Nhà nước hay của Bộ Công an không?

Ông Vĩnh không trả lời mà xin được sử dụng quyền im lặng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm