Đại diện VKS nói ông Thăng 'chuyên quyền, độc đoán'

Sáng 24-3, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại các ý kiến của bị cáo và luật sư nêu ra trước đó. Cụ thể:

Các luật sư thừa nhận lần góp vốn thứ ba không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng nhưng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và không có sự cảnh báo nào từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên Nghị quyết lần 3 không vi phạm Luật tổ chức tín dụng ra đời và có hiệu lực trước đó năm tháng mà vẫn ký nghị quyết để nắm giữ 20%, trong khi luật quy định 15%.

Các bị cáo nói không có sự cảnh báo nào của cơ quan có thẩm quyền nên mặc nhiên thực hiện coi đó là đúng. Ở văn bản nào, quyết định nào nói phải có sự cảnh báo, phải có sự nhắc nhở thì đó mới là vi phạm pháp luật. Đó là sự nhận thức rất không phù hợp của các bị cáo, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật...

Các bị cáo cho rằng việc đầu tư của PVN có hiệu quả, việc mất vốn do Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng. Hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái. Trong trường hợp này, các bị cáo là những người có trách nhiệm quản lý phần vốn của tập đoàn, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của tập đoàn nhưng các bị cáo lại có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, để xảy ra hậu quả thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.

Sau khi góp vốn, HĐQT không có cơ chế kiểm tra giám sát riêng cho người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank để đánh giá thực trạng hoạt động tài chính của OceanBank. Các bị cáo chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính hằng năm mà các bị cáo khai là đã được kiểm toán hằng năm. Tuy nhiên, chính kết luận thanh tra đều nói báo cáo tài chính này phản ánh không đúng bản chất hoạt động kinh doanh của OceanBank.

PVN đã không phát hiện được những hành vi sai phạm, những tồn tại, những quản trị yếu kém, vi phạm pháp luật của ban điều hành cũng như HĐQT của OceanBank. Chính hoạt động yếu kém đó đã khiến OceanBank âm vốn chủ sở hữu và Nhà nước đã phải mua lại bắt buộc ngân hàng này.

Trong khi đó, PVN đã cử rất nhiều cán bộ của Ngân hàng Hồng Việt sang OceanBank và giữ nhiều trọng trách trong ban điều hành, ban quản trị như Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thị Minh Thu, Nguyễn Minh Phương... Cả một khoảng thời gian từ khi Nguyễn Xuân Sơn làm tổng giám đốc đến khi trở lại PVN xảy ra một loạt các vi phạm, mà chủ yếu là người của PVN.

“Giữa hành vi đầu tư và hậu quả xảy ra, chúng tôi thấy có mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ. Ở đây không phải là sự “vẽ ra” như luật sư Lê Văn Thiệp nêu, chúng tôi hoàn toàn căn cứ vào pháp luật, cũng như điều lệ, nghị quyết của Chính phủ” - đại diện VKS nêu rõ.

Đại diện VKS đang đối đáp lại. Ảnh: Đ.MINH

Các bị cáo và luật sư cho rằng không có hành vi phạm tội cố ý làm trái và không cố ý thực hiện hành vi. VKS thấy không cần nhắc lại chi tiết những hành vi làm trái, những văn bản áp dụng để chứng minh hành vi làm trái.

Về ý thức chủ quan: Việc các bị cáo cho rằng không cố ý thực hiện hành vi, không biết những hành vi đó là sai chỉ là nhận thức của các bị cáo. Một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm thành viên HĐTV là phải có sự hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật. Là công chức, đặc biệt là công chức giữ chức vụ quản lý thì phải biết và buộc phải biết quy định của pháp luật...

“Trong vụ án này, đại diện VKS rất chia sẻ với các bị cáo là đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng về việc phải có trách nhiệm thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng trong việc tham gia góp vốn vào OceanBank. Bị cáo Đinh La Thăng đã khai nhận tại phiên tòa: “Tất cả các nghị quyết, quyết định cần phải lấy biểu quyết của HĐQT, chỉ cần có một thành viên không tham gia, không đồng ý là tôi cho dừng lại ngay”. Điều này thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán của bị cáo Đinh La Thăng” - VKS nêu.

Tuy nhiên, VKS cũng cho rằng một số thành viên khác là người có trách nhiệm trong HĐQT như các bị cáo, điển hình như ông Hoàng Xuân Hùng, khi nhận tờ trình phê duyệt việc tham gia góp vốn, ông đã có ý kiến đề nghị xem xét lại và không biểu quyết. Điều này cho thấy trong cùng bộ máy, cùng chức vụ, quyền hạn như nhau nhưng ý thức tuân thủ pháp luật khác nhau. Các bị cáo không thể biện minh cho mình là không cố ý làm trái...

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng không có quy định nào yêu cầu trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi ký nghị quyết. Các bị cáo đều là cán bộ cao cấp, từng giữ nhiều cương vị quản lý khác nhau, đặc biệt là bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo Thăng biết rõ những gì cần xin chủ trương thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét về chủ trương, sau đó mới triển khai các thủ tục tiếp theo trên cơ sở chủ trương đó. Bị cáo Thăng đã “làm trước, báo cáo sau”, việc bị cáo Thăng và các luật sư cho rằng không có quy định nào buộc phải xin chủ trương rồi mới triển khai là sự biện minh, không có căn cứ pháp luật.

Việc mua ngân hàng với giá 0 đồng. HĐXX ,VKS và các luật sư đã nhận được Công văn 1861 ngày 23-3-2018 của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước, VKS cho rằng quyết định mua bắt buộc đối với OceanBank với giá 0 đồng còn nguyên giá trị pháp luật. Rõ ràng xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh doanh của OceanBank, trước yêu cầu của an ninh tài chính và quyền lợi của người dân, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại OceanBank là đòi hỏi tất yếu. Việc có nhiều ý kiến cho rằng giá mua 0 đồng là không hợp lệ, việc định giá mua đã có định giá về giá trị vốn sở hữu tại thời điểm xác định âm vốn chủ sở hữu là 2,5 lần, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cổ đông nộp tiền nhưng không nộp tiền và không có khả năng thực hiện. Như vậy, có đủ căn cứ xác định giá trị vốn sở hữu của OceanBank là không còn giá trị vì Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là có lợi cho các cổ đông.

Nhà nước gánh một hậu quả nợ cũng như các việc phát sinh khác. Theo văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước thì việc mua bắt buộc cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng là có cơ sở pháp lý.

“Tại thời điểm này, không có căn cứ nào có thể bác việc mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy ý kiến của các luật sư và bị cáo nêu ra là không có cơ sở”.

Đại diện VKS nói ông Thăng 'chuyên quyền, độc đoán' ảnh 2
Đại diện VKS thay nhau đối đáp lại. Ảnh: Đ.MINH

VKS sau đó đối đáp với ý kiến của luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn). Luật sư cho rằng: Theo Kết luận thanh tra 427 chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến yếu kém của OceanBank, chỉ rõ lộ trình thoái vốn cho PVN và quy định cụ thể yêu cầu PVN chậm nhất đến ngày 30-6-2013 phải thoái vốn xong khỏi OceanBank. Bị cáo Sơn và các bị cáo khác đều hiểu việc tăng vốn là không phù hợp với quy định của pháp luật nên đã thực hiện lộ trình thoái vốn theo yêu cầu trong kết luận thanh tra. Do vậy, các cơ quan tiếp tục khởi tố điều tra một lần nữa trong khi các cơ quan hành pháp đã xử lý là trùng lắp.
Về vấn đề này, VKS cho rằng theo hồ sơ ông Phùng Đình Thực (khi đó là chủ tịch PVN) đã trình Thủ tướng xin được chuyển nhượng phần vốn góp của OceanBank cho đối tác tiềm năng. Ngày 12-6-2014, VPCP có văn bản số 4327 cho phép PVN được chuyển nhựợng nhưng ngày 25-6-2014, VPCP có văn bản 1116 yêu cầu PVN tạm dừng việc chuyển nhượng nên PVN không tiến hành được việc thoái vốn.
Việc thoái vốn trong kết luận thanh tra đã kết thúc bằng văn bản 1116 nên khởi tố, điều tra trong vụ án này là không có sự trùng lắp.
Liên quan đến việc thoái vốn, theo VKS, với công văn xin ý kiến Thủ tướng từ 12-6-2014 nhưng trong kết luận thanh tra 340 ngày 29-9-2014 và số liệu thanh tra chốt ngày 31-3-2014, lợi nhuận trước thuế trước thanh tra là 34 tỉ đồng, sau thanh tra là âm 10.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần.
“Hoạt động tài chính của OceanBank không những mất vốn chủ sở hữu mà còn âm nên không thể còn vốn cho PVN chuyển nhượng, yêu cầu PVN tạm ngừng thoái vốn để chờ chỉ đạo là hoàn toàn có căn cứ” - VKS nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm