Dân bức xúc vì đạo đức chấp hành viên

“Ngoài việc củng cố chuyên môn, các cán bộ, chấp hành viên còn phải nâng cao kỹ năng dân vận, thuyết phục và đạo đức nghề nghiệp để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc” - ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), đã từng phát biểu.

Hậu quả lớn

Giữa năm 2009, ông Mai Viết Đa (67 tuổi) đã được người dân phát hiện chết do tự thiêu trên đường Vi Ba, phường 6, TP Vũng Tàu. Cùng lúc ông Đa tự thiêu, THADS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang cưỡng chế một phần căn nhà 134 Lê Lợi để giao cho người mua nhà.

Trước đó, tòa tỉnh đã công nhận sự thỏa thuận giữa ông Đa (bị đơn) và các em ông rằng ông Đa thanh toán 1,1 tỉ đồng phần thừa kế cho các em. Tuy nhiên, ông Đa đã không thực hiện nên bị cưỡng chế giao nhà sau khi đã bán đấu giá.

Đầu năm 2009, hai chiến sĩ công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khi phối hợp với chi cục THADS cưỡng chế nhà để THA đã bị ông Trần Hữu Phùng đâm trọng thương.

Dân bức xúc vì đạo đức chấp hành viên ảnh 1

Khoảng giữa năm 2007, TAND huyện Lộc Hà đã tuyên xử cho phép ông Phùng và vợ ly hôn, đồng thời phân chia ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, suốt hai năm, ông Phùng vẫn không chịu trao ngôi nhà lại cho vợ.

Nghiêm trọng hơn, đầu tháng 7-2009, Cục THADS tỉnh Hưng Yên đến nhà ông Nguyễn Văn Đương (xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu) để cưỡng chế THA thì ông Đương đã phản đối bằng cách tự thiêu đến chết, còn căn nhà bị cháy rụi, đổ sập.

Trên đây là những sự cố rất đáng tiếc mà ngành THA luôn trăn trở. Đó là chưa kể những sự cố khác như đương sự tạt mắm tôm, lăn khóc, la ó phản đối... gây khó cho chuyện THA mà gần như cơ quan THA nào cũng vấp phải.

Ngoài những nguyên nhân bột phát từ phía đương sự, các lãnh đạo ngành THA vẫn cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ cơ quan, cán bộ THA mà đặc biệt là đạo đức, thái độ hành xử của cán bộ đối với người dân...

Tiếp dân cũng cần người tài

Ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên, điều đầu tiên phải làm là cải tổ khâu tiếp công dân. Có một thực tế là cán bộ còn thiếu kỹ năng tiếp dân, thái độ tiếp dân chưa phù hợp nên gây bức xúc cho đương sự.

Ở một số cơ quan THA, nhiều trường hợp để đương sự đi lại nhiều lần nhưng không có biện pháp giải quyết hiệu quả nên quyền lợi của người được thi hành án không được đảm bảo. Nhiều chấp hành viên chưa tích cực nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về THA và pháp luật có liên quan nên khi áp dụng giải quyết các vụ việc còn lúng túng, sai sót, thậm chí sai phạm.

Đó là chưa kể hiện có tình trạng tiếp dân cho có hình thức, nhiều cơ quan THA chưa bố trí được nơi tiếp dân độc lập, phổ biến là ở cấp huyện. Nhiều cán bộ làm công tác tiếp dân nhưng chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác này.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Kim Chiến, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, cho rằng việc tiếp dân của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan THA nói riêng thực sự là chưa tương xứng với bức xúc hiện tại. Vì vậy, cần thêm người tài, có tâm và có thái độ làm việc nghiêm túc trong bộ phận này.

Nghiệp vụ tốt vẫn chưa đủ

Ông Hoàng Sỹ Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, nhấn mạnh thêm khía cạnh khác là cán bộ của ngành còn phải nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Bởi lẽ đã có một số chấp hành viên không đúng mực, sách nhiễu, gây bức xúc cho đương sự hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ vì do yếu kém về nghiệp vụ mà còn do cố ý hoặc đạo đức kém. Nhiều cán bộ có thái độ coi thường, nhũng nhiễu, thậm chí vô cảm trước quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc của các bên đương sự.

Ông Nguyễn Thanh Thủy gợi ý thêm, cơ quan THA phải giáo dục, thuyết phục người THA, được THA tự nguyện thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định. Việc cưỡng chế hoặc buộc họ thực hiện chỉ là giải pháp cuối cùng. Thực tế là lâu nay không ít chấp hành viên đã quên mất chuyện này.

Bị kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm

Mới đây, khi bị cưỡng chế THA, ông M., người phải THA theo một bản án của TAND TP Hà Nội, đã khiếu nại chấp hành viên không tống đạt quyết định THA, giấy báo tự nguyện THA để ông tự nguyện thi hành. Qua kiểm tra thì thấy chuyện sai sót của chấp hành viên là có thật. Do đó, chi cục trưởng đã chấp nhận khiếu nại của ông M., họp kiểm điểm và yêu cầu chấp hành viên khắc phục sai sót.

Cán bộ THA phải nhận thực sâu sắc vấn đề tôn trọng quyền lợi của người dân. Đừng nghĩ có quyền muốn làm gì cũng được phải đặt mình vào vị trí của đương sự để hành xử đúng mực.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính

Người dân đến tổ tiếp dân không chỉ khiếu nại, tố cáo mà họ có thể chửi rủa khi bức xúc của họ chưa kịp giải quyết. Cán bộ THA ngoài việc làm theo luật thì cũng cần có thái độ, cái nhìn nhân văn với các đương sự bởi họ chính là người bị ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân.

Ông Hoàng Kim Chiến, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM

Thủ trưởng cơ quan THA cần phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp dân. Cần bố trí cán bộ có đủ năng lực và trình độ, kinh nghiệm lẫn kỹ năng, phẩm chất để đảm nhiệm công tác tiếp dân. Bố trí địa điểm thích hợp để làm phòng hoặc để làm nơi tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp dân. Khi tiếp công dân cần có thái độ hòa nhã, kiên trì, lắng nghe ý kiến để trên cơ sở đó ghi nhận, hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho đương sự.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS

Ý thức chấp hành kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tốt, chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Có những trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, quan liêu và gây phiền hà cho tổ chức và công dân trong THADS.

Ông Hoàng Sỹ Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm