Mới đây, VKSND Tối cao đã nêu quan điểm giải quyết về một vụ thi hành án (THA) hành chính và thông báo cho toàn ngành để nghiên cứu, tham khảo, áp dụng.
Buộc người dân phải THA
Theo hồ sơ, ông DHS khởi kiện yêu cầu TAND một tỉnh hủy quyết định của UBND tỉnh này về việc thu hồi đất và giao đất cho ban quản lý dự án quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh quản lý. Ông S. còn yêu cầu tòa hủy quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó hộ gia đình ông bị thu hồi hơn 28.000 m2 đất.
Tháng 10-2013, TAND tỉnh xử sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông S. Ông S. kháng cáo. Tháng 1-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.
Tháng 5-2017, chủ tịch UBND tỉnh trên đã làm đơn yêu cầu TAND tỉnh ra quyết định buộc ông S. phải THA hành chính. Ngày 10-5, TAND tỉnh đã ra quyết định THA, trong đó có nội dung buộc ông S. phải THA các bản án hành chính sơ, phúc thẩm của tòa; thi hành các quyết định của UBND tỉnh về thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ba vấn đề vướng mắc
Quá trình tổ chức THA sau đó, Cục THA dân sự tỉnh và UBND tỉnh gặp lúng túng, vướng mắc về ba vấn đề pháp lý, phải thỉnh thị các cơ quan tư pháp trung ương.
Vấn đề thứ nhất: Thẩm quyền tổ chức THA, trong đó có việc cưỡng chế buộc ông S. giao đất thuộc Cục THA dân sự tỉnh hay UBND tỉnh?
Về vấn đề này, VKSND Tối cao nêu quan điểm: Theo điểm a khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015 và Điều 15 Nghị định 71/2016 của Chính phủ (quy định thời hạn, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án) thì UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để THA trong vụ của ông S.
Vấn đề thứ hai: Hai bản án sơ, phúc thẩm chỉ tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông S. mà không có nội dung nào nói rõ buộc đương sự phải thi hành các quyết định hành chính của UBND tỉnh về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Khi tòa bác yêu cầu khởi kiện về hủy các quyết định hành chính thì đương nhiên các quyết định hành chính đó có hiệu lực thi hành. Như vậy, việc tòa ra quyết định buộc đương sự THA hành chính liệu có đúng pháp luật?
Về vấn đề này, theo VKSND Tối cao, tuy trong hai bản án sơ, phúc thẩm không ghi rõ ông S. là người phải THA nhưng với nội dung phán quyết của tòa thì ông là người bị tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính của UBND tỉnh. Theo điểm a khoản 1 Điều 311 Luật TTHC 2015, trong trường hợp này ông S. là đương sự phải thi hành các quyết định hành chính của UBND tỉnh. Do vậy, việc tòa ra quyết định buộc ông S. phải THA hành chính và thi hành các quyết định hành chính của UBND tỉnh là đúng pháp luật.
Vấn đề thứ ba: Đối với việc THA của ông S., ngoài việc cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế buộc giao đất, trên đất còn có nhà cửa, cây trồng… Các tài sản này có được xem là “phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa án” theo khoản 1 Điều 311 Luật TTHC 2015 và Điều 1 Luật THA dân sự 2014 hay không để thi hành?
Theo VKSND Tối cao, nội dung đơn khởi kiện của ông S. chỉ yêu cầu hủy quyết định hành chính và các bản án chỉ có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện mà không phán quyết về tài sản trên đất. Do vậy, các tài sản này không được coi là “phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa” về vụ án hành chính để thi hành theo thủ tục THA dân sự...
Quy định liên quan - Trường hợp bản án, quyết định của tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật. Theo điểm a khoản 1 Điều 311 Luật TTHC 2015 - Trường hợp bản án, quyết định của tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri mà quyết định đó chưa được thi hành hoặc mới thi hành được một phần thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định đó. Cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để thi hành quyết định hành chính có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Theo Điều 15 Nghị định 71/2016 của Chính phủ |