TAND Cấp cao tại TP.HCM sắp xử phúc thẩm vụ bị cáo Wheeler Lloyd Stephan (SN 1949, quốc tịch Mỹ, giáo viên một trường quốc tế ở TP.HCM) bị truy tố vì chạy xe máy ẩu gây tai nạn giao thông chết người.
Bị cáo có lỗi hoàn toàn
Theo hồ sơ, khoảng 8 giờ 30 ngày 2-3-2015, Wheeler Lloyd Stephan lái xe máy chở một phụ nữ lưu thông trên đường D1 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Vì muốn tránh một xe máy khác từ phía sau vượt lên, Wheeler Lloyd Stephan lái xe lách về phía bên trái, lấn sang phần đường bên kia và tông vào xe của ông Lê Minh Phụng đang đi hướng ngược lại. Tai nạn xảy ra làm ông Phụng bị chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ và tử vong sau một thời gian điều trị tại bệnh viện.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM xác định vụ tai nạn giao thông xảy ra hoàn toàn do lỗi của Wheeler Lloyd Stephan khi điều khiển xe lưu thông không có giấy phép lái xe, không chú ý quan sát, lấn sang phần đường bên trái, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ. Từ đó Wheeler Lloyd Stephan bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với tình tiết tăng nặng định khung là không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS (khung hình phạt 3-10 năm tù).
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 11-2015, Wheeler Lloyd Stephan thừa nhận hành vi phạm tội, cho biết do sự việc diễn ra quá nhanh, bị cáo không làm chủ được tốc độ nên mới gây tai nạn và xin được hưởng mức án nhẹ nhất. Luật sư của Wheeler Lloyd Stephan nêu bị cáo có nhân thân tốt, là giáo viên có trình độ đại học, là công dân Mỹ sinh sống, lập nghiệp tại Việt Nam, hiện có cuộc sống ổn định. Hơn nữa sau vụ tai nạn, nạn nhân chỉ bị chấn thương cột sống nhưng do tuổi già sức yếu nên mới phát sinh nhiều bệnh dẫn đến tử vong. Cạnh đó, bị cáo đã ăn năn hối cải, khắc phục toàn bộ hậu quả (lo chi phí điều trị, mai táng hơn 108 triệu đồng), được gia đình nạn nhân bãi nại, không yêu cầu bồi thường thêm. Từ đó luật sư đề nghị HĐXX áp dụng Điều 60 BLHS để cho bị cáo được hưởng án treo.
HĐXX đồng tình với các lập luận của luật sư nên áp dụng Điều 47 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với Wheeler Lloyd Stephan. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị cho Wheeler Lloyd Stephan hưởng án treo của luật sư mà áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và tuyên phạt bị cáo 50 triệu đồng.
Bị cáo Wheeler Lloyd Stephan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.YẾN
VKS: Tội rất nghiêm trọng, không thể phạt tiền
Sau đó, lãnh đạo VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm sửa án, xử theo hướng phạt tù đối với Wheeler Lloyd Stephan.
Theo VKS, trong vụ tai nạn này lỗi hoàn toàn thuộc về Wheeler Lloyd Stephan. Việc tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS là đúng người, đúng tội. Vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa sơ thẩm có quyền áp dụng Điều 47 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo. Bởi lẽ Điều 30 BLHS đã quy định rất rõ là phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Ở đây, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù) nên bị cáo không thể được áp dụng hình phạt này là hình phạt chính. Đúng ra sau khi áp dụng Điều 47 BLHS thì tòa sơ thẩm phải quyết định hình phạt tù đối với bị cáo trong giới hạn từ sáu tháng tù đến năm năm tù.
Từ đó, VKS cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng hình phạt, dẫn đến án phạt đối với bị cáo không nghiêm, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Quy định về phạt tiền trong BLHS 1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định. 2. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do bộ luật này quy định. 3. Mức phạt tiền được quyết định tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng. 4. Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do tòa án quyết định trong bản án. (Theo Điều 30 BLHS) Phân loại tội phạm Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù (Theo khoản 3 Điều 8 BLHS) |