Khách mời giao lưu cùng bạn đọc là Thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, luật sư (LS) Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao và LS Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai.
Người vừa bị bắt có quyền im lặng để yêu cầu LS bảo vệ cho mình? LS có quyền có mặt trong khi lấy lời khai người bị bắt? Người thân thích của người bị buộc tội có được mời người bào chữa? Để tham gia vụ án thì LS phải có giấy chứng nhận hay chỉ phải đăng ký? Khi người bị giam, giữ từ chối người bào chữa thì người bào chữa có quyền vào cơ sở giam giữ để xác nhận hay không?
LS có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can sau khi cơ quan tố tụng hỏi cung, lấy lời khai hay không?... Rất nhiều điểm tiến bộ về quyền bào chữa của nghi can, quyền của thân nhân nghi can, quyền của LS trong BLTTHS 2015 sẽ được các chuyên gia pháp luật nhiều kinh nghiệm trao đổi, giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi và theo dõi nội dung giao lưu trực tuyến tại www.plo.vn.
(PL)- 8 giờ 30 sáng mai (28-6), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề “Những điểm tiến bộ về quyền bào chữa trong BLTTHS 2015”.
- 1. Thời gian: 00:00 27/06/2016
- 2. Địa điểm: Trụ sở Tòa soạn Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Danh sách khách mời
Thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM
Luật sư Phạm Công Hùng - Nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, đoàn LS tỉnh Đồng Nai
Bạn Thoa thân mến,
Chỉ còn 2 ngày nữa thôi (1-7-2016) bạn thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 77, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nội dung như sau nhé: "Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối".
Chúc bạn thành công!
Căn cứ Khoản 2 Điều 78 Bộ Luật TTHS 2015, khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
- Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
- Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
- Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
Sau khi được cập thông báo bào chữa thì khi đến cơ quan tố tụng, người bào chữa sẽ xuất trình thông báo bào chữa hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân người bào chữa.
Bạn Trần Quang thân mến,
Theo quy định tại điểm c,d, khoản 2, điều 59, BLTTHS năm 2015 thì người bị tạm giữ,... có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc mình phải nhận tội và được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa.
Trong trường hợp người bị bắt có yêu cầu người bào chữa,... thì chỉ trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu của người bị bắt, cơ quan có thẩm quyền quản lý người bị bắt phải chuyển ngay đơn đó cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ,... (khoản 2, điều 75, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như trên là quá chặt chẽ và nhân văn rồi, bạn yên tâm nhé.
Bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa và thay bằng việc đăng ký thủ tục bào chữa. Trong thời hạn 24h kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ hợp lệ (bản sao thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề…) cơ quan tiến hành tố tụng phải trả lời…(Điều 78). Đặc biệt, giấy chứng nhận bào chữa sẽ có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. (Khoản 6 Điều 78 BLTTHS 2015).
LS Quân mừng không, LS đã bị khổ sở thế nào về việc làm khó khi hành nghề, mong LS chia sẻ vời tôi - một học viên lớp đào tạo LS
Chào bạn.
Với những quy định của BLTTHS 2015 về thủ tục thực hiện việc đăng ký bào chữa thuận lợi hơn so với bộ luật cũ thì ko chỉ bản thân tôi mừng mà tất cả các luật sư, bị can, bị cáo, những người tham gia tố tụng có nhu cầu yêu cầu người bào chữa cũng như những người tiến hành tố tụng đều mừng. Luật mới đã đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và hạn chế những cản trở, gây khó khăn từ những người tiến hành tố tụng.
Trong thực tiễn hành nghề luật sư không tránh khỏi những vụ việc bị gây khó khăn cản trở trong việc hành nghề. Cụ thể nhất là việc cấp giấy chứng nhận bào chữa.
Bạn Hoàng Phạm thân mến,
Chúng tôi xin ra lời câu hỏi của bạn như sau. Theo quy định tại điểm H, khoản 1 điều 435 BLTTHS năm 2015 thì người đại diện pháp luật của pháp nhân có quyền,... tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân,...
Việc quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự,... là một nội dung mới hoàn toàn quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, bạn cần nghiên cứu kỹ hơn về nội dung này trong Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thỏa mãn hơn yêu cầu của bạn nhé.
Ngoài người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền bào chữa, nhờ người bào chữa, BLTTHS 2015 còn bổ sung “người bị tố giác”,” người bị kiến nghị khởi tố”; “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được hưởng quyền bào chữa và nhờ người bào chữa.(Điều 57; 58)
Theo BLTTHS 2015, lần đầu tiên đã quy định về “người bị tố giác”, “người bị kiến nghị khởi tố”, “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp”. Quy định mới này nhằm khắc phục thiếu sót của Luật cũ 2003 về các đối tượng này, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, nhất là quyền bào chữa. Vì khi đó họ chưa phải là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can…
Đây được coi là một quy định mới tiến bộ về việc thực hiện quyền bào chữa.
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (áo trắng), Đoàn LS tỉnh Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HUY
Việc thông báo, triệu tập người tham gia tố tụng trong đó kể cả việc gửi thông báo đên luật sư để tham gia tố tụng đã được quy định rõ ràng trong luật tố tụng. Như vậy, nếu thời hạn không đủ để chuẩn bị việc bào chữa thì luật sư có quyền yêu cầu dời phiên tòa theo hạn luật định.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, đây là quyền của luật sư chứ không phải là nghĩa vụ, do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải bảo đảm, đặc biệt về thời hạn tố tụng. Nếu vi phạm, có khả năng sẽ bị hủy án, nếu người tham gia tố tụng có khiếu nại về việc vi phạm này.
Ví dụ: Bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ có 7 ngày, thì tòa án đã mở phiên tòa xét xử. Nếu bị cáo đồng ý xét xử thì tiến trình tố tụng sẽ bình thường. Nhưng nếu bị cáo có khiếu nại về thời hạn giao quyết định đưa vụ án ra xét xử không đủ 10 ngày, theo luật định, thì bản án đó có nguy cơ sẽ bị hủy.
Thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY
Chiến lược cải cách tư pháp đã khẳng định nhiệm vụ phát triển nghề luật sư, nâng cao vị thế của luật sư, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ cho phán quyết. Nhưng nhiều cơ quan, cán bộ tố tụng vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc chủ trương rất tiến bộ này.
Rào cản lớn nhất là từ cơ quan điều tra. Nhiều điều tra viên cản trở, hạn chế quyền của luật sư bằng cách điều tra xong thì mới cho luật sư tham gia. Nhiều trường hợp luật sư đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa vẫn không được gặp thân chủ đang bị tạm giam. Có trường hợp giải quyết cho gặp bị can thì cán bộ canh chừng rất khó chịu. Có trường hợp ban đầu cơ quan điều tra chấp thuận cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư nhưng sau lại gửi văn bản từ chối với lý do “bị can biết hành vi phạm tội của mình đã rõ, đã khai báo thành khẩn để hưởng khoan hồng nên từ chối mời luật sư”.
Bạn Lệ Hoa thân mến,
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã có nhiều quy định rất mới, tiến bộ liên quan đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo,... đơn giản hóa rất nhiều thủ tục để luật sư được tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị can, bị cáo,... khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, để Bộ luật Tố tụng Hình sự sớm đi vào cuộc sống thì không tránh khỏi những nhận thức và hành động khác nhau của những người tiến hành tố tụng,... trong quá trình thực thi công vụ, điều đó tất yếu phải có sự tranh luận, đấu tranh để mọi người hiểu và thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hơn ai hết, chính các luật sư và những người liên quan khác phải nghiên cứu, nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó. Đồng thời thông qua việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị can, bị cáo,... luật sư kiến nghị với Cơ quan điều tra, VKS và tòa án nhân dân tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự một cách nghiêm minh.
Vậy nhưng hoạt động lấy lời khai, hỏi cung sau khi luật sư đã đăng ký tham gia mà không được báo trước có được coi là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hay không?
Nội dung bào chữa của bị cáo tại phiên tòa được thư ký tòa án ghi nhận vào biên bản phiên tòa căn cứ theo điểm d Khoản 1 Điều 47 BLTTHS và lưu vào hồ sơ vụ án.
Bị cáo được quyền xem lại biên bản phiên tòa, yêu cầu bổ sung căn cứ theo Điểm L Khoản 2 Điều 61 Bộ Luật TTHS 2015 (Bị cáo có quyền xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa), do đó đây là quyền thực tế của bị cáo được Luật bảo đảm chứ không phải để khẳng định cho vui.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Những vấn đề mà bạn quan tâm cũng là những vấn đề mà Thường vụ Quốc hội quan tâm và đang giải quyết.
Thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY
Bạn Việt Cường thân mến,
Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau. Nếu việc đăng ký bào chữa của luật sư được thực hiện đúng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 78, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, VKS có thẩm quyền phải kiểm tra giấy tờ và nếu không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5, điều 78, BLTTHS thì VKS có thẩm quyền phải vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo cho luật sư đã đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án.
Sau khi được cấp văn bản thông báo người bào chữa, luật sư muốn gặp bị cáo đang bị tạm giam thì luật sư phải xuất trình thông báo đó, kèm theo thẻ luật sư,... theo quy định tại khoản 1, điều 80, BLTTHS năm 2015. Cơ quan quản lý bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ, yêu cầu luật sư chấp hành nghiêm chỉnh đồng thời phải thực hiện việc cho luật sư gặp bị cáo bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
Trường hợp luật sư bị làm khó như câu hỏi của bạn thì luật sư có quyền kiến nghị đến người có thẩm quyền giải quyết và xử lý hành vi cản trở yêu cầu gặp bị cáo hợp pháp của luật sư theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: XUẬN HUY
Theo khoản 2, điều 72 BLTTHS 2015 thì người bào chữa có thể là:
a) Luật sư
b) Người đại diện của người bị buộc tội
c) Bào chữa viên nhân dân
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Về thủ tục đăng kí thì rất đơn giản, khi có đầy đủ các giấy tờ cần thiết thì luật sư có thể đến cơ quan tố tụng để đăng kí bào chữa mà không cần đơn từ hay bất kì thủ tục nào khác.
Bộ Luật mới không quy định về số lần đọc hồ sơ tài liệu đối với bị can do đó bị can có quyền yêu cầu đọc hồ sơ, tài liệu vụ án khi thấy cần thiết.
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HUY
Theo tôi hiểu, giấy đăng ký bào chữa hiện nay mà bạn hỏi là giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án hình sự hiện nay. Nếu vậy, thì hình thức và nội dung của 2 loại giấy này hoàn toàn khác nhau.
Loại giấy chứng nhận bào chữa hiện nay là thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp, hoặc thu hồi, còn việc đăng kí bào chữa là quyền của luật sư và người tham gia tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ ra thông báo việc đăng kí này mà thôi. Từ khi thông báo thì luật sư có quyền thực hiện nhiệm vụ bào chữa của mình.
Mà căn cứ Khoản 2 Điều 60, Bộ Luật TTHS 2015, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
Như vậy, bị can chỉ được đọc và ghi chép tài liệu sau khi kết thức điều tra nhưng không được photo.
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HUY
Trước khi là bị cáo thì đối tượng bị truy tố trong vụ án hình sự cũng là bị can Căn cứ Khoản 2 Điều 60, Bộ Luật TTHS 2015, bị can có các quyền:
Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu…
Bạn Thủy thân mến,
Nếu việc thu thập chứng cứ của luật sư được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì chứng cứ do luật sư thu thập đó được coi là hợp pháp và có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự. Từ đó, luật sư được quyền hỏi và tranh luận với kiểm sát viên để làm rõ các chứng cứ của vụ án nói chung và chứng cứ do luật sư thu thập nêu trên nói riêng.
Khi xét xử, hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của luật sư và kiểm sát viên tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của luật sư hoặc những người tham gia phiên tòa thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.
Trên cơ sở đó, nếu xét thấy chứng cứ mà luật sư thu thập không được hội đồng xét xử chấp nhận thì luật sư có thể thực hiện quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xét xử lại theo trình tự phúc thẩm (nếu chứng cứ đó được nêu ra tại phiên tòa sơ thẩm) hoặc luật sư có thể kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm để xem xét lại bản án phúc thẩm (nếu các chứng cứ đó được luật sư nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm).
Thẩm phán Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY
Theo khoản 2 điều 75 của BLTTHS 2015 thì người bị bắt, bị tạm giữ có trách nhiệm giải thích và chuyển yêu cầu nhờ người bào chữa đến cho người bào chữa hoặc người đại diện, hoặc người thân thích của họ.
Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
BLTTHS 2015 mở rộng diện người được bảo đảm quyền bào chữa tới cả người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp.
Trên thực tế tư cách người bị bắt chỉ tồn tại trong 24 giờ sau khi bắt. Sau đó họ sẽ chuyển sang là người bị tạm giữ hoặc được tại ngoại. Vấn đề ở chỗ người bị bắt có thể là những người chưa thành niên nhưng nhiều trường hợp, cơ quan tố tụng chưa thể xác định ngay rằng các em có phải là người chưa thành niên hay không. Khi đó, nếu chúng ta không chỉ định người bào chữa trong giai đoạn bị bắt thì có vi phạm tố tụng hay không?
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 76, Bộ Luật TTHS 2016, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Theo Điểm d Khoản 1 Điều 58 Bộ Luật TTHS 2015, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Như vậy, việc người bào chữa chưa kịp thời có mặt trong vòng 24 tiếng thì việc này cũng không vi phạm tố tụng vì thời gian 24 tiếng là không đủ cho các trình tự thủ tục đăng ký bào chữa; khi đó cũng chưa có đủ cơ sở xác định người bị bắt có dưới 18 tuổi hay không. Người bào chữa có thể tham gia trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án.
Việc đọc hồ sơ vụ án cần được phân biệt rõ ở 3 giai đoạn. Trong phạm vi buổi hội thảo hôm nay tôi chỉ đề cập đến giai đoạn hồ sơ tại tòa án.
Kể từ khi luật sư đăng kí bào chữa thì có quyền tiếp cận với hồ sơ, có thể ghi chép, sao chụp tài liệu với thời gian trong giờ làm việc không hạn chế. Từ khi tòa án thụ lý cho đến khi mở phiên tòa xét xử. Trong khoảng thời gian này, luật sư có thể yêu cầu gặp và làm việc với bị can/bị cáo. Việc gặp và làm việc này cũng không hạn chế.
BLTTHS 2015 thay đổi theo hướng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được giấy tờ do người bào chữa cung cấp (thay vì ba ngày như quy định hiện hành), cơ quan tố tụng có thẩm quyền phải mở sổ đăng ký người bào chữa và cấp giấy thông báo bào chữa nếu có đủ các giấy tờ hợp lệ.
Ai là người cấp giấy thông báo bào chữa bởi BLTTHS 2015 ? và nếu nói rằng Bộ luật TTHS mới có quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được thực hiện “những quyền và nhiệm vụ khác” mà thủ trưởng CQĐT, viện trưởng VKS, chánh án TAND phân công, trong đó có nhiệm vụ cấp giấy thông báo bào chữa. Thì liệu rằng có ổn không khi điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cấp giấy thông báo bào chữa ? và điều này có làm người bào chữa mất đi vị trí độc lập, bình đẳng với các chủ thể khác, nhất là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội trong việc chứng minh sự vô tội hoặc thực hiện việc gỡ tội ?
BLTTHS 2015 đã bãi bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa. Để tham gia bào chữa thì luật sư chỉ cần đăng kí với một hình thức rất đơn giãn, không phải là một thủ tục gây khó khăn cho luật sư và những người tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo việc đăng kí này trong hạn 24 giờ.
Tôi xin nhấn mạnh là không phải việc "cấp giấy" thông báo như câu hỏi đã nêu, mà là nghĩa vụ buộc phải thông báo theo quy định của pháp luật tố tụng. Việc thẩm phán, KSV, Điều tra viên ra thông báo không ảnh hưởng gì đến vai trò và vị trí của luật sư tham gia tố tụng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 BLTTHS năm 2015:“Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập”.
Đây là quy định mang tính tiến bộ và có ý nghĩa rất tích cực nhằm tạo điều kiện tối đa để người bào chữa thực hiện tốt quyền thu thập chứng cứ Nhưng nếu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cố ý không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của người bào chữa mà không có lý do chính đáng trừ trường hợp chứng cứ tài liệu đó thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải cung cấp. Thì liệu rằng nên chăng cần phải có chế tài cho việc thiếu thiện chí, cố ý không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của người bào chữa không ?
Việc chế tài trong việc này là cần thiết, tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức cá nhân khác.
Bởi lẽ, khi luật sư không thu thập được chứng cứ, nhưng có nguồn chứng cứ để chứng minh việc buộc tội/gỡ tội thì có thể nêu lên tại phiên tòa và yêu cầu làm rõ sự thật qua các tài liệu chứng cứ mà luật sư đã chỉ ra. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc người tham gia tố tụng không hợp tác thì thẩm quyền thuộc về hội đồng xét xử sẽ phải đánh giá những chứng cứ mà luật sư nêu lên.
Đối với bị can thì theo quy định tại điểm I, khoản 2, điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự được quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao các tài liệu liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc việc điều tra khi có yêu cầu.
Đối với bị cáo thì theo quy định tại điểm L, khoản 2, điều 61, bị cáo được quyền xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi, sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên tòa.
Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: XUẬN HUY
Căn cứ điểm I Khoản 2 Điều 60 Bộ luật TTHS 2015, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Xuân Huy