Tại lớp tập huấn chuyên sâu này, TS Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND Tối cao) cho biết: Nhằm đảm bảo cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa của mình, BLTTHS 2015 đã bổ sung nhiều quyền mới cho bị can, bị cáo.
Cho nghi can tiếp cận hồ sơ buộc tội
Trong đó, đáng chú ý là bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của BLTTHS 2015 khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, để phù hợp với khoản 2 Điều 20 Hiến pháp 2013 (không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định), BLTTHS 2015 đã bỏ hẳn khái niệm “bắt người trong trường hợp khẩn cấp”, thay vào đó là quy định “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp”.
Theo BLTTHS 2015, quyền bào chữa của nghi can và luật sư được đảm bảo hơn. Ảnh minh họa: Luật sư đang trao đổi với bị cáo. Ảnh: P.LOAN
Tạo thuận lợi cho luật sư
Theo TS Thủy, nhằm đảm bảo cho người bào chữa được nhanh chóng tham gia tố tụng, BLTTHS 2015 đã bỏ hẳn quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa, thay vào đó bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Cụ thể, trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo luật định, cơ quan tố tụng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện luật định thì ghi vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký và cơ sở giam giữ.
Đặc biệt, văn bản thông báo người bào chữa này có giá trị sử dụng xuyên suốt quá trình tố tụng chứ không chỉ trong từng giai đoạn tố tụng như hiện nay.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho người bào chữa có mặt khi điều tra viên lấy lời khai, BLTTHS 2015 còn quy định điều tra viên phải thông báo trước thời gian, địa điểm hỏi cung cho người bào chữa. Tuy nhiên, theo TS Thủy, điều tra viên thông báo trước bao lâu, một ngày hay nhiều ngày, thông báo bằng văn bản hay bằng gì... thì còn phải chờ hướng dẫn.
Ngoài ra, luật mới quy định rõ trong trường hợp HĐXX bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư, kiểm sát viên thì phải nói rõ lý do trong bản án.
Bỏ giới hạn xét xử của tòa án
BLTTHS hiện hành quy định tòa án chỉ xét xử bị cáo theo tội danh mà VKS truy tố. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.
Trong thực tiễn xét xử, quy định về giới hạn xét xử nói trên đã dẫn tới rất nhiều vụ tòa sơ thẩm đề nghị tòa cấp trên hủy án của chính mình ngay trong bản án vì không thống nhất với tội danh truy tố của VKS. Theo TS Thủy, nhằm đảm bảo sự độc lập của tòa án trong hoạt động xét xử, đảm bảo phán quyết của tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa, BLTTHS 2015 bỏ hẳn quy định về giới hạn xét xử nói trên. Theo đó, luật mới quy định tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn mà VKS truy tố sau khi đã trả hồ sơ để VKS truy tố lại nhưng VKS vẫn giữ tội danh truy tố cũ.
Đặc biệt, TS Thủy cho biết một nội dung rất mới nữa là Điều 2 Luật Tổ chức TAND quy định trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, “tòa án có quyền triệu tập điều tra viên và người tiến hành tố tụng khác tham gia phiên tòa”. Trên cơ sở đó, BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa “người tiến hành tố tụng khác” thành “những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý và giải quyết vụ án đó”. Như vậy, từ ngày 1-7 tới, không chỉ điều tra viên mà cả kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân từng thụ lý, giải quyết vụ án cũng có thể bị tòa sơ thẩm triệu tập tham gia phiên xử sơ thẩm. “Quy định mới như vậy và thực tiễn sẽ là như vậy” - TS Thủy nhấn mạnh.
Không gia hạn giam giữ, có thể bị tù Tại lớp tập huấn, TS Nguyễn Thị Thủy đã lưu ý các cán bộ tố tụng cần hết sức cẩn thận về quy định tại Điều 377 BLHS 2015 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật). Theo TS Thủy, về cấu thành tội danh này, những người tiến hành tố tụng chỉ cần thực hiện một trong năm hành vi là bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật. Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật. Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật. Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành. Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn. |