Ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chánh án TAND TP.HCM, trăn trở như trên tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề “Tạm đình chỉ án dân sự - nguyên nhân và giải pháp”, do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP đã tổ chức sáng 3-6.
Luật sư khi ký hợp đồng đã nhận tiền
Theo ông Tuấn, trung bình mỗi năm TAND hai cấp TP.HCM thụ lý giải quyết khoảng 60.000 vụ việc. Trong số án tạm đình chỉ thì án dân sự chiếm số lượng lớn, như năm 2015 tòa tạm đình chỉ 4.446 vụ (chiếm 7,8% tổng số vụ việc), năm 2016 tạm đình chỉ 3.809 vụ và năm 2017 là 3.482 vụ. Riêng sáu tháng đầu năm nay đã tạm đình chỉ 3.381 vụ tranh chấp về dân sự, chiếm tỉ lệ 17,6%.
Ông Đỗ Khắc Tuấn - Phó Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ tại chương trình.
Ông Tuấn đưa ra năm lý do phải tạm đình chỉ vụ án, trong đó nhấn mạnh đến việc tạm đình chỉ vụ án để thu thập, xác minh chứng cứ (chiếm tỉ lệ tạm đình chỉ cao nhất), tạm đình chỉ để đợi kết quả giải quyết vụ án khác, tạm đình chỉ vì đợi kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài để thu thập chứng cứ hoặc triệu tập đương sự ở nước ngoài...
“Chúng tôi xác định rằng việc tạm đình chỉ vụ án như là một khoản nợ của tòa án đối với người dân. Chúng tôi phải tìm mọi cách để khắc phục việc tạm đình chỉ này nhưng số lượng án mà tòa án hai cấp TP phải giải quyết là rất lớn, áp lực cho mỗi thẩm phán là rất cao” - ông Tuấn nói và cho biết trong quá trình giải quyết tranh chấp đương sự, thông thường khi bị đơn tham gia tố tụng thì họ thường không hợp tác hoặc họ tìm mọi cách tạo khó khăn cho tòa án, kéo dài việc giải quyết vụ án của tòa án.
Để khắc phục tình trạng tạm đình chỉ vụ án nhiều, ông Tuấn cho biết trong thời gian tới sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các thẩm phán phải kiểm tra lại các vụ án của mình, nếu thấy việc tạm đình chỉ là không có căn cứ thì phải kịp thời phục hồi để đưa vụ án ra giải quyết. Trong trường hợp lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì phải kiểm tra lại và khắc phục trở ngại đó.
Ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM qua giám sát đã đưa ra ba vấn đề làm cho việc xét xử kéo dài: Trách nhiệm của một số thẩm phán không tích cực hỗ trợ cho người dân khi người dân yêu cầu thu thập chứng cứ, sự trả lời của cơ quan đơn vị còn chung chung, luật sư (LS) khi ký hợp đồng đã nhận tiền.
Ông Trương Lâm Danh.
Ông Danh cho biết trong tay ông đã có nhiều hợp đồng của LS, như có hợp đồng LS ký nhận tiền một vụ án khoảng 60 triệu đồng. “Mới ký hợp đồng nhận 20 triệu, trong quá trình thu thập chứng cứ thì lấy 20 triệu nữa và đưa vụ án ra xét xử thì lấy thêm 20 triệu, trong khi chưa biết kết quả ra sao” - ông Danh nói và cho rằng trong quá trình thu thập chứng cứ thì LS không đi thu thập mà cứ nói rằng “đương sự đó đi thu thập”, chỉ khi đợi xét xử mới có mặt.
“Một số LS làm như vậy là chưa đúng, làm cho vụ án phức tạp và kéo dài thêm, nên có tình trạng có người dân từ sáng mắt đi kiện cho tới giờ đã mù mắt rồi mà vụ án vẫn chưa được giải quyết” - ông Danh nói.
LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, thừa nhận thời gian qua cũng có một số LS thực hiện không đúng quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức. “Đoàn LS đã xử lý những trường hợp này. Cơ quan tổ chức nếu phát hiện vi phạm này thì xin phản ánh với đoàn LS để xử lý các LS vi phạm” - ông Hậu nói.
Cần có chế tài mạnh
Còn đối với việc khắc phục tình trạng tạm đình chỉ án, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng nên có quy chế phối hợp giữa tòa án với các cơ quan có thẩm quyền. “Như ở Bình Thuận có một quy chế giữa tòa án với UBND tỉnh, thời gian nếu trả lời chậm thì người đứng đầu UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chịu trách nhiệm” - ông Hậu nói và cho rằng bên cạnh quy chế phối hợp cũng cần có những chế tài mạnh thì câu chuyện tạm đình chỉ mới có hồi kết thúc.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trong hơn tám năm qua, 11 văn phòng thừa phát lại của TP.HCM đã tống đạt hơn 700.000 văn bản.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng trong chế định thừa phát lại có hai loại việc có sự phối hợp với cơ quan tòa án trong giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự là tống đạt văn bản của tòa và lập vi bằng.
Về tống đạt văn bản của tòa, ông Hạnh cho biết trước đây tòa án trực tiếp thực hiện nhưng từ năm 2009 thì chuyển dần cho các văn phòng thừa phát lại. Trong hơn tám năm qua, 11 văn phòng thừa phát lại của TP.HCM đã tống đạt hơn 700.000 văn bản. “Hoạt động này đã giải phóng một khối lượng rất lớn công việc của tòa giúp cho tòa có thời gian và nhân lực để tập trung giải quyết các vụ án” - ông Hạnh nói.
Tại chương trình, rất nhiều ý kiến cử tri cũng phản ánh những câu chuyện về án tạm đình chỉ quá lâu, kéo dài. Như câu chuyện ông Nguyễn Quang Khải (quận Thủ Đức), năm 2010 ông có mua nhà của ông B., ông B. giao kèo ba tháng sau giao nhà nhưng đến hẹn vẫn không giao. Sau đó ông nhờ LS khởi kiện tại Tòa án quận Thủ Đức nhưng đến hôm nay là tám năm 10 tháng vẫn “biệt vô âm tín”.