Tín dụng đen: Trị được theo luật mới!

Điều tra bước đầu, công an xác định nhóm giang hồ cho vay với lãi suất từ 15% đến 90%/tháng.

Đã rất lâu rồi mới có một nhóm tín dụng đen bị công an bắt giữ, xử lý. Một lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết: “Sẽ cùng các đơn vị liên quan xuống Tân Phú rút kinh nghiệm để xử lý triệt để vấn nạn tín dụng đen gây bức xúc dư luận nhưng nhiều năm qua không xử lý hình sự được họ”.

Lâu nay không hiếm các băng nhóm cho vay công khai quảng bá công việc của họ bằng việc phát tờ rơi, dán quảng cáo, lập các trang web để đưa các con nợ vào tròng. Cùng nạn tín dụng đen là hàng loạt hành vi gây bất ổn xã hội khác như hành hung con nợ, cưỡng đoạt tài sản, tạt sơn, chất bẩn vô nhà con nợ… nhưng các cơ quan tố tụng khó xử lý hình sự. Lý do là trước đây , pháp luật hình sự ràng buộc rất nhiều dấu hiệu phải chứng minh về tội cho vay nặng lãi như: Ngoài việc người cho vay phải thỏa mãn dấu hiệu cho vay với mức lãi suất cao hơn 10 lần mức Ngân hàng Nhà nước công bố thì còn phải thỏa mãn dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp và bóc lột”.

Trong khi mức định lượng “cao hơn 10 lần” dễ chứng minh thì dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp và bóc lột” là định tính nên công an “chào thua”. Thậm chí có vụ đã bắt giữ nghi can nhưng sau đó phải đình chỉ vì không chứng minh được dấu hiệu định tính trên. Cũng vì thế mới có chuyện các băng nhóm cho vay nặng lãi núp bóng cửa hiệu cầm đồ, tiệm tạp hóa… để chứng minh họ có nguồn thu nhập khác chứ không phải “chuyên nghiệp và bóc lột”.

BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tháo gỡ các vướng mắc trên để cơ quan tố tụng dễ dàng xử lý vấn nạn tín dụng đen. Cụ thể, Điều 201 BLHS 2015 quy định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định tr ong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Lãi suất theo BLDS 2015 là “không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay”. Như vậy, với quy định trên, cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh hai dấu hiệu “gấp năm lần” và “thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng” là có thể bị xử lý hình sự. Nói cách khác, chỉ cần cho vay mức lãi suất 8,4%/tháng và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là cơ quan tố tụng có thể xử lý hình sự người cho vay mà không cần phải chứng minh các dấu hiệu khác.

Trong vụ cho vay nặng lãi ở quận Tân Phú mà công an đang điều tra, bước đầu CQĐT đã chứng minh băng nhóm này cho vay mức lãi suất từ 15% đến 90%/ tháng, thu lợi hàng trăm triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của điều luật. Vì vậy , các quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đã được VKS cùng cấp phê chuẩn.

Từ vụ này, hy vọng các băng nhóm giang hồ cho vay, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê… núp bóng tiệm cầm đồ ở vùng giáp ranh, vùng ven, các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng sẽ bị công an các địa phương triệt phá và xử lý hình sự thẳng tay để dẹp nạn tín dụng đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm