Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ. Phó Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Các thành viên còn lại là Thứ trưởng các Bộ: Tư pháp, Công an, Ngoại giao, VH,TT&DL, Tài chính, Xây dựng, NN&MT cùng với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thống đốc NHNN; lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đồng thời, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thi hành án.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực, sử dụng bộ máy hiện có để giúp Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm trong hai vụ án.
Bà Lan bị đưa ra xét xử với cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhiều hành vi sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Ở giai đoạn một vụ án, bà Lan bị xác định đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay.
Đến khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án (tháng 10-2022), nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỉ đồng gốc và lãi.
Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án, một số khoản vay đã được tất toán, số tiền bà Lan có trách nhiệm bồi thường còn 673.000 tỉ đồng.
Đối với 1.120 mã tài sản được dùng để bảo đảm cho 1.243 khoản vay của bà Lan tại SCB, bản án có hiệu lực buộc SCB phải phối hợp cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý khối tài sản này.
Hồi tháng 2, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM cho biết đã tạm thu khoảng 8.000 tỉ đồng là tiền thi hành án của bà Trương Mỹ Lan và các đương sự khác, sẽ ưu tiên thi hành cho các trái chủ.
Với các sai phạm trên, bà Trương Mỹ Lan đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên giữ nguyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, chấp nhận giảm nhẹ hình phạt từ 20 năm xuống 16 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, bà Lan bị tòa tuyên án tử hình (giai đoạn 1)
Hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn vạn Thịnh Phát đang bị đưa ra xét xử phúc thẩm trong giai đoạn 2 của vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu khống, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tóm lược phiên phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 sau 4 ngày xét xử
(PLO)- Bà Trương Mỹ Lan khẳng định sẽ đứng ra trả tiền cho người dân nhưng phải được tính toán cho rõ ràng. Bị cáo này cũng đề nghị xem lại số liệu quy buộc trách nhiệm ở cả ba tội danh.