Tòa Bình Chánh lại sai khi xử vụ trộm chó

Trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-5 có bài “Trộm chó, đánh trả người truy đuổi: Mấy tội?” phản ánh vụ án xảy ra ở Bình Chánh, TP.HCM. Theo đó, kẻ trộm chó Đoàn Tứ Hanh đã dùng hung khí đánh trả lại người truy đuổi khiến một người bị thương tích 30%, người còn lại bị 32%. Ban đầu VKS huyện này truy tố bị cáo hai tội trộm cắp và cố ý gây thương tích, sau khi tòa trả hồ sơ, viện rút lại tội cố ý gây thương tích, chỉ truy tố tội trộm cắp và tòa đã xử phạt bị cáo 5 năm tù…

Một vụ trộm chó bị bắt. Ảnh minh họa: PLO

Trước hết, cần phải khẳng định rằng lúc đầu VKSND huyện Bình Chánh truy tố bị cáo Hanh về hai tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 và cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS là hoàn toàn chính xác.

Về ý luận, tình tiết hành hung để tẩu thoát được hiểu là sau khi đã trộm được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác, nhưng hành vi dùng vũ lực chưa gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thương tích với tỉ lệ thương tật chưa đến 11% mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 104 BLHS.
Còn nếu tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 104 thì tùy trường hợp mà người phạm tội bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 104 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu hành hung để tẩu thoát mà dẫn đến chết người thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 BLHS.
Nếu người phạm tội sau khi đã trộm được tài sản, bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nhưng cố tình giữ tài sản bằng cách hành hung người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự gọi đó là chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản (đầu trộm đuôi cướp).
Thực tiễn xét xử từ tước đến nay các cơ quan tố tụng đều hiểu và áp dụng như vậy. Không hiểu sao TAND hyện Bình Chánh lại cho rằng bị cáo Hanh chỉ phạm một tội trộm cắp, còn việc gây ra thương tích cho hai người với tỉ lệ thương tật 30% và 36% chỉ là “gây hậu quả nghiêm trọng” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS!
Thông tư liên tịch số 02/2001 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các tội xâm phạm sở hữu, trong đó có tội trộm cắp tài sản là trường hợp người phạm tội gây ra hậu quả nhưng hậu quả đó không phải do hành vi hành hung của người phạm tội trực tiếp gây ra cho nạn nhân. Ví dụ: Do phải đuổi bắt người phạm tội nên người đuổi bắt bị ngã xe dẫn đến bị thương tích hoặc bị chết.
Mặt khác, Thông tư liên tịch số 02/2001 còn lưu ý ngoài những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản có thể xác định được, còn những thiệt hại phi vật chất như: ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định. Các thiệt hại này là do người phạm tội trộm cắp nên gây ra, chứ không phải do hành vi tẩu thoát của người phạm tội gây ra.
Giả thiết bị cáo Hanh dùng dao hoặc súng mang theo đâm hay bắn trả làm cho người đuổi bắt bị chết thì cũng chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS hay sao! Phải hiểu “do trộm cắp mà gây ra hậu quả nghiêm trọng” khác hoàn toàn với “do hành hung để tẩu thoát gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Việc Tòa Bình Chánh hiểu và áp dụng Thông tư liên tịch số 02/2001 trong trường hợp cụ thể này rõ ràng là không đúng. Vì vậy, người có thẩm quyền của cơ quan tố tụng cấp trên cần kháng nghị phúc thẩm ngay để sửa sai. Nếu hết hạn kháng nghị phúc thẩm thì viện trưởng VKSND Cấp cao hoặc chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM cần kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để truy tố, xét xử lại bị cáo Hanh về hai tội.
 

Về tố tụng cũng cần rút kinh nghiệm

Về tố tụng, việc TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Bình Chánh để xác định lại tội danh là vi phạm. Vì theo quy định của BLTTHS, nếu VKSND huyện Bình Chánh truy tố 2 tội mà TAND huyện Bình Chánh thấy chỉ phạm một tội thì HĐXX hoàn toàn có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích như đã truy tố.

Việc VKSND huyện Bình Chánh đã truy tố hai tội nhưng sau khi TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ vụ án đã không giữ vững quan điểm mà “nghe theo” tòa, chỉ truy tố bị cáo một tội cũng cần rút kinh nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm