Tại buổi họp, Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo với đoàn công tác của Cục về tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (gọi tắt là Luật TNBTCNN) tại địa bàn TP.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, phát biểu tại cuộc họp chiều 22-3. Ảnh: KP
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, thì UBND TP có chỉ đạo cho giám đốc Sở Tư pháp TP ký ban hành Kế hoạch số 1486 ngày 13-2-2018 về triển khai thi hành Luật TNBTCNN (có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2018). Kế hoạch này đã được gửi đến tất cả sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP để triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, các cơ quan, ban, ngành nói trên đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN trong phạm vi quản lý của ngành mình như UBND quận 8, quận 1, Sở Nội vụ…
Công tác chuẩn bị tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước cho cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ cũng được chú trọng. Đây là một trong những nội dung quan trọng và cấp bách góp phần đưa Luật TNBTCNN vào thực tiễn.
Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM phát biểu ý kiến.
Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP cũng báo cáo về công tác triển khai về luật này như tuyên truyền, làm tờ gấp, sổ tay pháp lý…
Ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó Viện trưởng VKSND TP, chia sẻ vừa qua đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước chung cho hơn 1.500 người của ba ngành (tòa án-VKS-công an). Sắp tới, VKSND TP sẽ có sổ tay mang tính chất “cầm tay chỉ việc” chuyên về luật trên.
Ông Long cho rằng công tác bồi thường nhà nước rất phức tạp và hiện tại quy định pháp luật cũng chưa hướng dẫn cụ thể về quy trình xin lỗi nên rất khó áp dụng. Ví dụ như trường hợp phải xin lỗi công khai và đăng báo thì tổ chức ở đâu, rồi thời gian xin lỗi cụ thể như thế nào để thuận tiện khi áp dụng, tránh trường hợp nơi nói nhanh quá, chậm quá…
Ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó Viện trưởng VKSND TP, phát biểu tại cuộc họp chiều 22-3. Ảnh: KP
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, cảm ơn các cơ quan, tổ chức của TP.HCM từ thực tiễn sôi động của TP.HCM đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện Luật TNBTCNN năm 2017 nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân.
Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn nhận định bước đầu Sở Tư pháp TP và các cơ quan, sở, ngành, UBND quận, huyện đã chủ động triển khai luật này. Tuy nhiên, nếu chúng ta tổ chức tập huấn cho tất cả UBND phường, xã, quận, huyện, sở, ban, ngành trên địa bàn TP thì tính khả thi trong thực tiễn của luật này sẽ cao hơn. Bởi lẽ suy cho cùng thì tất cả cơ quan nói trên đều có “nguy cơ” trở thành đối tượng điều chỉnh của luật này. Cục sẵn sàng hỗ trợ pháp lý, tài liệu hướng dẫn, tập huấn về luật này.