Vụ PVN: Cấp dưới khai biết sai vẫn phải làm

Ngày 8-1, TAND TP Hà Nội khai mạc phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Từ sáng sớm, bất chấp thời tiết mưa rét, nhiều người dân đã đến tòa với mong muốn được tham dự phiên xử. Trong khi đó, an ninh quanh khu vực tòa được siết chặt...

Đề nghị cách ly xét hỏi nhân chứng, bị cáo

Ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư (LS) Nguyễn Chiến (bào chữa cho nguyên phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh) nêu năm kiến nghị với HĐXX. Đáng chú ý, LS kiến nghị khi xét hỏi, HĐXX cách ly những người làm chứng có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau; cách ly các bị cáo có quyền lợi đối lập, mâu thuẫn nhau. “Đây là vụ án điều tra, truy tố, xét xử rất nhanh, còn một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bị cáo là thân chủ của chúng tôi chưa được sao chụp thì HĐXX tạo điều kiện cho LS sao chụp” - LS nói thêm.

Trong khi đó, LS Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho nguyên tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực) cho biết đã thu thập được một số chứng cứ gỡ tội cho thân chủ. “Theo quy định của BLTTHS 2015, tôi phải cung cấp những tài liệu, chứng cứ này cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án. Nhưng do vụ án có tiến độ quá nhanh nên chưa kịp giao, đề nghị HĐXX hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa” - LS Tuấn kiến nghị.

“Tính cách của anh Thăng rất mạnh mẽ”

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó ông Thăng còn chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (BQLDA) cấp tạm ứng trái quy định cho PVC.

Bắt đầu phần xét hỏi, hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị đưa sang phòng cách ly.

HĐXX hỏi nguyên phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn rằng ai là người chỉ đạo tạm ứng cho dự án NMNĐ Thái Bình 2 và PVC? “Anh Đinh La Thăng” - ông Sơn đáp.

Ông Đinh La Thăng (trên) và ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải đến tòa. Ảnh: TTX

“Bị cáo có khai ý rằng đây là mệnh lệnh bị cáo phải thực hiện. Như vậy bị cáo đã nhận thức được mệnh lệnh của bị cáo Đinh La Thăng có vấn đề?” - HĐXX truy tiếp.

Ông Sơn đáp: “Bị cáo nói các chỉ đạo này là “mệnh lệnh” vì tính cách của anh Đinh La Thăng rất mạnh mẽ. Đó là tính cách của anh Thăng trong quá trình triển khai công việc thôi chứ không phải có gì sai anh ấy yêu cầu mình làm. Nếu bị cáo biết hợp đồng có sự trục trặc, có điều gì không ổn về pháp lý thì bị cáo không bao giờ thực hiện”.

Đã cảnh báo hợp đồng có vấn đề

Kế đó HĐXX hỏi nguyên trưởng BQLDA Vũ Hồng Chương. Bị cáo này khai không tham gia vào quá trình đàm phán, thực hiện Hợp đồng số 33. Sau khi tiếp nhận công việc trưởng BQLDA, bị cáo đã cho rà soát lại việc thực hiện Hợp đồng số 33. “BQLDA chỉ là cầu nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu, bị cáo “chết” là vì có làm công văn đề nghị tạm ứng tiền” - ông Chương nói.

Cũng theo lời ông Chương, sau khi biết Hợp đồng số 33 có vấn đề lớn, để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, ông này đã ba lần gửi công văn cho PVPower, HĐTV và Ban tổng giám đốc PVN báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng, đề nghị tập đoàn xem xét có ý kiến chỉ đạo nhưng không ai trả lời.

“Sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên cho Ban quản lý dự án, PVN có một công văn hỏa tốc do phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn ký, đề nghị BQLDA chuyển ngay tiền tạm ứng đó cho PVC trong ngày” - bị cáo Chương khai tiếp.

HĐXX thực hiện đối chất với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo Sơn khai thấy tập đoàn đã có ý kiến chỉ đạo việc chuyển tiền theo hợp đồng nên bị cáo chuyển. Bị cáo này cũng khai việc ký công văn hỏa tốc thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng là phải thực hiện tạm ứng ngay và yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày trong PVC để khỏi lệch nhau về tỉ giá.

“Bị cáo nhận thức Hợp đồng 33 là sai, kể cả điều khoản tạm ứng” - bị cáo Chương khẳng định. Ông Chương khá gay gắt khi tái khẳng định đã có báo cáo, phân tích các yếu tố trái pháp lý của Hợp đồng số 33 và đề nghị thanh lý hợp đồng.

“Vì sao biết hợp đồng chưa đầy đủ mà vẫn ký công văn đề nghị tạm ứng?” - HĐXX hỏi tiếp. Ông Chương đáp: “Bị cáo chịu sức ép từ bên trên lãnh đạo tập đoàn, cụ thể là các công văn của anh Nguyễn Xuân Sơn. Sau đó lại nhận được công văn yêu cầu phải chuyển tiền ngay trong ngày (khi nhận được tạm ứng)”. Ông Sơn cũng cho rằng: “Tôi đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng cũng không thể làm trái được chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn”.

“Tàu đang đắm, vớt được gì thì vớt”

Tại tòa, nguyên tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận thừa nhận ký Hợp đồng số 33 khi chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được phê duyệt phương án. Ông Thuận giải thích: “Vì chủ tịch (bị cáo Trịnh Xuân Thanh) đã đồng ý, ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác”. “Tại thời điểm đó, PVC có đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất để thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 không?” - HĐXX hỏi. “Kinh nghiệm thì chưa đủ” - ông Thuận đáp.

Cũng theo lời ông Thuận, mỗi lần nhận được tiền tạm ứng chuyển về, PVC dùng để trả nợ gốc và lãi ngân hàng, góp vốn vào một số đơn vị khác, chỉ chuyển khoảng 200 tỉ đồng cho các đơn vị thi công dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Nguyên phó tổng giám đốc PVC Trương Quốc Dũng thì khai tại tòa: “Bị cáo vì nhiệt tình của tuổi trẻ, con tàu đang đắm, cố vớt được gì thì vớt. Tất cả mọi thứ khi đó nháo nhào hết cả lên. Khi giữ chức phó tổng giám đốc, lúc đó nhiều người đến đòi nợ nên có chỉ đạo là bị cáo làm”.

“Cụ thể là ai?” - HĐXX ngắt lời. “Cụ thể là anh Đinh La Thăng” - bị cáo Chương đáp và khai thêm: “Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới, hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên...”.

Khi được xét hỏi, nguyên phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh cũng thừa nhận Hợp đồng 33 do PVPower trực tiếp ký không có đầy đủ cơ sở pháp lý, không có Điều 14 về giá trị hợp đồng và thanh toán, không có phụ lục 2 quy định về điều khoản tạm ứng, không có thỏa thuận hợp đồng... nên việc dùng hợp đồng này làm cơ sở để tạm ứng là hoàn toàn không đúng. Hợp đồng 4194 ký sau đó thực chất cũng chỉ thay đổi chủ thể (thay đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVN), còn những nội dung khác vẫn thiếu.

Vì sức ép của cấp trên?

Khi được xét hỏi, nguyên kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh nói việc ký kết Hợp đồng 33 là sai nhưng căn cứ vào kế hoạch của BQLDA nên mới ký cấp tiền. Những lần sau xuất tiền theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn nói dù Hợp đồng số 33 còn nhiều thiếu sót nhưng chủ tịch Thăng hiện đang rất nóng giận nên cứ chuyển tiền trước rồi sẽ hoàn thiện sau những khiếm khuyết. Vì vậy ông Quỳnh đã duyệt tạm ứng cho nhà thầu hơn 7 triệu USD (tương đương với 6% giá trị hợp đồng).

“Bây giờ bị cáo đã nhận thức được sai. Tất cả mọi người ở PVN như bị cáo không ai là không nhận thức được Hợp đồng 33 còn nhiều thiếu sót. Nhưng vẫn phải duyệt đề xuất chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo cũng đề cập việc thiếu sót với ông Sơn. Ông Sơn nói sẽ tiếp tục điều chỉnh Hợp đồng 33 cho hoàn thiện” - ông Quỳnh khai.

Xử lý sao về các đề nghị của luật sư?

Về tình huống LS Nguyễn Chiến đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho LS sao chụp hồ sơ trong thời gian tòa nghỉ không làm việc, ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho biết Điều 82 BLTTHS 2015 quy định sau khi kết thúc điều tra, nếu người bào chữa có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án... Do đó, trong phiên tòa này, LS có quyền được sao chụp hồ sơ bình thường giống như các phiên tòa khác.

Về thời điểm LS yêu cầu sao chụp, ông Long cho rằng cũng không ảnh hưởng gì. Bởi lẽ đây là phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên trước khi phiên tòa diễn ra, tòa đã có bộ đề cương chuẩn bị những câu hỏi. HĐXX cũng không thể hỏi cùng một lúc nhiều câu hỏi, những vấn đề nào cần hỏi trước thì HĐXX cứ tiếp tục, những phần nào HĐXX chưa làm tới thì tạo điều kiện để LS sao chụp.

Về tình huống LS Đinh Anh Tuấn đề nghị HĐXX hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ tại tòa, theo LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), Điều 26 BLTTHS 2015 quy định trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Điều 88 BLTTHS 2015 cũng quy định những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của bộ luật này. Do đó, LS hoàn toàn có thể cung cấp chứng cứ cho HĐXX thông qua thư ký hoặc qua văn phòng của tòa án và việc giao nhận sẽ được lập thành biên bản.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm