Chế định lẽ công bằng, từ khi còn trong dự thảo luật cho đến khi chuẩn bị thông qua được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận sôi nổi. Các ĐB băn khoăn, bối rối vì tòa vốn phải xử theo luật, nay không có luật, xử theo lẽ công bằng thì dựa vào đâu - nhận thức hay lương tâm của thẩm phán về sự công bằng, hay những quy tắc ứng xử “công bằng” thuộc phạm trù đạo đức, luân lý, thậm chí tôn giáo? Và liệu sẽ có sự tùy tiện của thẩm phán trong việc cầm cân nảy mực? Làm thế nào nếu cả bên nguyên, bên bị đều không đồng tình với phán quyết, đều cho là bản án “không công bằng”?
Vậy vì sao QH đã thông qua chế định này, cả trong BLDS và BLTTDS? Câu trả lời có thể tìm thấy tại Điều 4 BLTTDS. Điều luật này có hai nội dung rất cơ bản, bắt nguồn từ những thay đổi của Hiến pháp 2013 về quyền con người và quyền tư pháp. Thứ nhất: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện “để yêu cầu tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. Thứ hai: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Những người quan tâm có quyền đặt câu hỏi: Dù ít xảy ra nhưng khi có đơn kiện, tòa vẫn phải xét xử, khi đó thẩm phán dựa vào đâu để phán xét và kết luận? Điều 45 BLTTDS quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, thẩm phán áp dụng một nhóm căn cứ pháp lý theo một trật tự ưu tiên do luật định. Trước hết áp dụng tập quán nhưng “không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS”. Nếu không có tập quán, thẩm phán sẽ áp dụng “tương tự pháp luật”. Nếu không thể áp dụng tập quán và tương tự pháp luật, thẩm phán sẽ áp dụng “nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng”. Cũng theo Điều 45: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
Như vậy, lẽ công bằng không phải là hoặc không chỉ là lương tâm hay nhận thức của cá nhân các thẩm phán, mà nó được khuôn định bởi quy định như điều luật vừa viện dẫn.
Theo kinh nghiệm các nước, kể cả các nước có nền tư pháp lâu đời và phát triển, xét xử theo lẽ công bằng là một công việc khó khăn và phức tạp của tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng, bởi hai lẽ. Một là nguyên tắc hàng đầu của thẩm phán khi xét xử là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và các thẩm phán đều được đào tạo để xét xử theo phương thức cơ bản là áp dụng luật pháp hiện hành để ra các phán quyết cho các vụ án. Xét xử theo lẽ công bằng là việc không được đào tạo hoặc không quen thuộc. Hai là khi không có cơ sở luật định, thẩm phán bắt buộc phải dựa vào nhận thức và lương tâm của mình về lẽ công bằng. Nếu một thẩm phán nào đó không có lẽ công bằng ngự trị trong nhận thức và lương tâm, do suy thoái đạo đức hay những tác động bên ngoài thì việc ban hành những bản án tùy tiện và thiên vị là điều không tránh khỏi. Khi đó hy vọng của người dân vào lẽ công bằng chỉ còn dựa vào các thẩm phán của tòa cấp trên và vai trò kiểm sát tư pháp của các kiểm sát viên.
Có một chân lý là: Pháp luật càng tốt, càng hoàn thiện thì sẽ càng hạn chế được sự sai trái hay lạm dụng của con người. Nhưng cũng có một chân lý khác: Có con người đủ năng lực và đạo đức tốt thì mới có một hệ thống tư pháp trong sạch, bảo vệ được công lý của xã hội và công bằng cho người dân. Và cuối cùng thì có hay không có luật, lẽ công bằng, như định nghĩa tại Điều 45 BLTTDS, phải luôn là yêu cầu tối thượng và đích đến của mọi bản án, bởi lẽ công bằng không phải là điều gì xa lạ mà chính là công lý và lẽ phải của xã hội loài người.