Có lẽ cũng khá lâu rồi, từ khi BLHS 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thêm tội danh rửa tiền cho đến nay rất ít, nếu không nói hầu như chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử.
Vào những năm 2000, Nhà nước ta vận động để gia nhập WTO, nhiều tổ chức và cá nhân ở nước ngoài rất muốn nước ta có quy định tội rửa tiền trong BLHS. Thời điểm đó, nếu chúng ta có văn bản pháp luật xử lý hành vi rửa tiền thì cũng là một thuận lợi để Việt Nam được tham gia WTO.
Thực ra thì không phải BLHS của nước ta không quy định hành vi rửa tiền bởi BLHS 1999 từng quy định: “Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác...” là tội “hợp thức hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có” (Điều 251).
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, Nhà nước giao cho Chính phủ chủ trì soạn thảo nghị định về phòng, chống rửa tiền và ngày 7-6-2005, Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền được ban hành. Nghị định này ra đời đã đáp ứng được một phần yêu cầu và đòi hỏi của các nước mà Việt Nam đàm phán đa phương cũng như song phương để gia nhập WTO.
Xét về bản chất thì BLHS 1999 cũng đã quy định tội rửa tiền với tên gọi là “hợp thức hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có”. Tuy nhiên, do đòi hỏi của yêu cầu hội nhập nên tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII ngày 19-6-2009 đã sửa đổi từ tội “hợp thức hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có” thành tội rửa tiền. Đồng thời ngày 18-6-2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền. Mặc dù các văn bản pháp luật của ta quy định là phòng, chống rửa tiền nhưng nội dung thì không chỉ có rửa tiền mà còn bao gồm cả rửa tài sản nữa.
Như vậy về hành vi rửa tiền trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp luật để xử lý.
Theo BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, thông qua các hoạt động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có...
Với các dấu hiệu pháp lý như trên thì tội rửa tiền có đặc trưng là biến tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có thành tiền hợp pháp.
Lẽ dĩ nhiên, ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội rửa tiền nhưng với quan chức, bà con, họ hàng của quan chức thì họ dễ có điều kiện để trở thành chủ thể của tội này hơn. Cho nên việc phát hiện, xử lý nghiêm những quan chức biến chất và người thân của họ về hành vi rửa tiền cũng chính là một trong những cách phòng, chống tham nhũng hữu hiệu.