Vụ Giang Kim Đạt: Mua 40 nhà đất, 13 ô tô để rửa tiền

Ngày 16-2, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Ba bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản gồm: Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc), Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh) và Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng). Cha của bị cáo Đạt là Giang Văn Hiển bị truy tố về tội rửa tiền.

Mua 40 nhà đất, 13 ô tô để rửa tiền

Theo hồ sơ, quá trình thực hiện dự án mua, khai thác, kinh doanh và cho thuê tàu biển, ba bị can Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỉ đồng. Trong đó Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng, Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng và Khương 110.000 USD.

Để “sử dụng” tiền tham ô của mình, Đạt đã thông qua cha đẻ là Hiển mua 40 bất động sản trong nước; một căn hộ ở Singapore giá gần 3 triệu USD (khoảng 66 tỉ đồng) và đặt cọc gần 350.000 bảng Anh để thuê, mua hai căn hộ tại Anh. Hiển còn mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình. Ban đầu Hiển bị khởi tố về ba tội: chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; không tố giác tội phạm và tham ô tài sản. Nhưng sau đó công an thay đổi quyết định khởi tố sang tội rửa tiền.

Sau khi nghe đại diện VKS đọc cáo trạng, các bị cáo đều cho rằng mình bị “oan”. Để bảo đảm tính khách quan, các bị cáo bị tòa cách ly trong phần thẩm vấn.

Bị cáo Trần Văn Liêm trả lời thẩm vấn. Ảnh: Đ.MINH

Tổng giám đốc thu nhập 20 triệu đồng

Bị cáo được thẩm vấn đầu tiên là Liêm. Liêm thừa nhận Đạt đã đưa cho mình 150.000 USD, là tiền hoa hồng từ việc mua ba con tàu của nước ngoài. Liêm khai: “Đạt nói đó là tiền đối tác gửi làm quà cho anh em, không liên quan gì đến hợp đồng. Tôi giữ lại 40.000 USD, đưa 110.000 USD cho anh Khương”. Liêm cũng khai là có hỏi Khương số tiền này có để ngoài sổ sách, chi cho anh em được không, Khương nói “được”. Vì thế bị cáo đã chi chung cho anh em trong công ty, thưởng, lễ Tết và các hoạt động khác. Còn 40.000 USD thì Liêm khai dùng vào việc của công ty. “Tôi không dùng cho cá nhân nhưng hiện không có chứng cứ chứng minh nên đành phải chấp nhận, cái đó tôi chịu trách nhiệm” - Liêm nói.

Liêm còn khai ngoài ba con tàu này, Vinashinlines còn mua năm tàu khác nhưng không có hoa hồng: “Sau khi mua ba con tàu kia, tôi có nói với Đạt bất cứ khoản tiền nào cũng phải thể hiện trong hợp đồng, không thể để tình trạng này xảy ra nữa”.

Chủ tọa hỏi: “Theo kết luận điều tra và tài liệu thu thập được, tổng số tiền đối tác đưa lại là hơn 711.000 USD, tại sao bị cáo là tổng giám đốc mà lại không biết?”. Liêm đáp: “Tôi không biết anh Đạt nhận số tiền đó”. Đáng chú ý, Liêm khai tổng thu nhập của mình tại công ty khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng, thu nhập của quyền trưởng phòng như Đạt khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Liêm cho rằng mình bị truy tố với vai trò chủ mưu là không đúng.

Nhưng sở hữu nhiều tài sản lớn

“Bị cáo có bảo Đạt mua cho mình tài sản gì không?”- chủ tọa hỏi. Liêm đáp cáo trạng nêu bị cáo chỉ đạo Đạt mua nhà, đất, xe cho mình. Nhưng Đạt chỉ giới thiệu cha Đạt kinh doanh bất động sản, biết được các vị trí đẹp. Sau đó bị cáo xem và quyết định mua một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn Pearl giá 1,8 tỉ đồng. Bị cáo trực tiếp đứng ra ký hợp đồng chứ không phải như lời khai là cha Đạt đứng ra mua.

Liêm khai đã trả cho Đạt 22.000 USD chứ không phải 10.000 USD như cáo trạng nêu. Số tiền còn nợ là 1 tỉ đồng. Cuối năm 2007, khi Đạt không làm ở công ty nữa, Liêm có nhờ Đạt bán căn hộ này để thanh toán nợ. “Đạt nói anh đừng vội, chờ giá lên hãy bán. Số tiền này trả em lúc nào cũng được” - Liêm dẫn lại lời Đạt trước tòa và cho rằng đây chỉ là khoản vay dân sự giữa bị cáo và Đạt. Ngoài ra, Liêm khai có mua chung với Đạt mảnh đất ở Nha Trang để kinh doanh, giá trị 911 triệu đồng, tuy nhiên trên giấy tờ lại chỉ đứng tên mình bị cáo này. Giải thích về việc này, Liêm nói: “Tình cảm anh em tôi nó thế…!”.

Bị cáo Liêm cũng thừa nhận nhờ Đạt mua một xe Mercedes cũ, đã qua sử dụng. Liêm đã trả cho Đạt 10.000 USD. Chủ tọa chất vấn số tiền này cũng không đủ tiền mua xe, Liêm cho rằng phần thiếu cũng chỉ là chút tiền thuế: “Chỗ anh em, tiền thuế mấy nghìn đô, anh Đạt nói thì tôi sẽ trả thôi, chả có gì cả”. Trả lời câu hỏi vì sao bị cáo hết lần này đến lần khác nhờ Đạt mua tài sản rồi không trả tiền, Liêm cho rằng mình chỉ “nợ” và nhiều lần nhấn mạnh việc bị cáo và Đạt là “anh em”.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Khương (cựu kế toán Vinashinlines) phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây của mình tại cơ quan điều tra về việc bị cáo đã nhận 120.000 USD từ Liêm. Một số việc khác thì bị cáo này cho rằng vụ án xảy ra cách đây 10 năm, lại cao tuổi nên không nhớ rõ. Chủ tọa dẫn lại lời khai tại cơ quan điều tra, bản tự khai của Khương và khẳng định trùng hợp với lời khai của các bị cáo khác (chỉ vênh chi tiết Liêm khai đưa cho Khương 110.000 USD). Ngoài ra Khương còn nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở về thái độ cười cợt khi trả lời thẩm vấn.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục.

“Lại quả” khủng!

Theo cáo trạng, từ tháng 7-2006 đến tháng 3-2007, Liêm ký hợp đồng mua ba con tàu, giao cho Đạt thực hiện đàm phán mua tàu. Đạt đã thỏa thuận với công ty môi giới để mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6.250.000 USD và được hưởng 2% trên tổng trị giá hợp đồng. Trong số 2%, công ty môi giới trích lại 10%, tiền còn lại hơn 1,9 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của cha Đạt. Tàu Vinashin Island được mua với giá là 5.950.000 USD của Croatia, Đạt thỏa thuận với môi giới để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% của tổng số tiền hoa hồng. Số tiền chuyển vào tài khoản của cha Đạt là hơn 3 tỉ đồng. Đối với tàu Vinashin Phoenix được mua với giá 21.550.000 USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để được hưởng 2% hoa hồng, trục lợi 6,5 tỉ đồng. Tổng số tiền hoa hồng từ việc ba con tàu trên gửi vào tài khoản của cha Đạt là gần 11,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê chín con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 249 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm