Cha nuôi tìm người thân cho con

Tình cờ bắt gặp đứa trẻ tuổi lên năm bị bỏ rơi bên một bến phà, vợ chồng ông Đặng Xuân Đạc và bà Trần Thị Vàng (Yên Phong, Bắc Giang) đã quyết định cưu mang và đặt tên cho bé gái ấy là Đặng Thị Thau. Gần 30 năm sau, ông bà lại bán đi từng lứa thóc, chắp nhặt từng đồng còm cõi đi tìm bố mẹ đẻ cho con.

Cơ duyên ở vùng đất xa

Ngồi trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa, ông Đặng Xuân Đạc nhớ lại một ngày tháng 6-1986, khi ông cùng vợ bắt gặp một bé gái quần áo lấm lem đi xin ăn ở bến phà Phả Lại (Quảng Ninh). “Thương tình, vợ tôi bóc cho nó cái bánh, cháu nó cầm lấy nhai ngấu nghiến như lâu rồi chưa được ăn, thế là vợ tôi bóc thêm mấy cái nữa, bóc đến đâu nó ăn hết đến ấy” - ông Đạc nhớ lại. Hỏi người chủ quán, ông bà mới biết được đứa bé đó bị lạc gia đình nên lang thang khu phà này đã mấy ngày nay, ai cho gì ăn nấy.

Trở về nhà ở Bắc Ninh, hình ảnh đáng thương của đứa trẻ cứ vướng víu trong đầu bà Vàng, ông Đạc. Đem chuyện kể với người thân trong gia đình, ông bà nhận được lời khuyên của người cậu: “Anh chị cũng hiếm muộn, sao không đón cháu về nuôi cho đỡ cô quạnh”. Thấy đúng ý mình, ngay sáng hôm sau, ông bà quay lại bến phà Phả Lại, bày tỏ nguyện vọng với chủ quán nước, được sự đồng ý của mọi người, ông bà đón cháu bé về nuôi. Trước khi đi, ông Đạc còn lấy than viết lên liếp tre bên đường địa chỉ nhà mình và lời nhắn: “Nếu ai là người thân của cháu đến tìm, xin về lại gia đình để nhận cháu”.

Về nhà, ông bà đặt tên cho con nuôi là Đặng Thị Thau và chọn ngày khai sinh là 24-6-1981. Cũng từ đây, niềm vui tiếp tục được lan tỏa trong gia đình vốn cô lẻ của hai vợ chồng. Bà Vàng kể thêm: “Trước đó vợ chồng tôi cũng sinh được hai đứa con nhưng không may đều mất sớm. Không hiểu sao, từ khi đón cháu Thau về, vợ chồng tôi may mắn có tiếp ba người con nữa, cả ba cháu đều lớn khôn, trưởng thành cả”. Bà chỉ lên tấm ảnh chụp chung cả gia đình, hớn hở khoe: “Gia đình tôi nông thôn chân chất thế này thôi nhưng cả ba đứa con đều có học bổng du học ở Nhật cả nhé”.

Cha nuôi tìm người thân cho con ảnh 1

Vợ chồng ông Đạc, bà Vàng. Ảnh: V.THỊNH

Thời điểm đó, cuộc sống của hai vợ chồng vẫn trông vào nghề nông, bữa được bữa mất, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vất vả thế nhưng ông Đạc, bà Vàng đều cố gắng để các con không phải đói cơm, đói chữ. Ông Đạc chia sẻ: “Cũng may, chị em chúng nó đều thương nhau lắm, không phân biệt con đẻ, con nuôi. Thau không được thông minh, nhanh nhẹn, chịu nhiều thiệt thòi nên các em càng thương chị nhiều hơn”.

Nỗi niềm của người con thất lạc

Thau cứ thế lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của mọi người. Rồi đến một lúc, khi đã trưởng thành, mong ước được tìm lại bố mẹ đẻ của mình trỗi dậy trong cô. Ông Đạc nhớ lại, buổi tối Thau buồn bã, líu ríu nói: “Bố mẹ ơi, tìm bố mẹ đẻ cho con”.

Lúc đó, đôi vợ chồng già biết ngay cái khó khăn nhất của việc này là gì nhưng vì hiểu được mong muốn chính đáng của cô con nuôi, ông Đạc hứa chắc với con: “Được rồi, đợt này bố mẹ sẽ tìm bố mẹ đẻ cho con”. Thực sự ông Đạc biết hành trình này sẽ không đơn giản, thậm chí là vô vọng khi thông tin mà Thau có được về gia đình mình quá mong manh.

Sáng sớm hôm sau, ông mời người thân trong gia đình đến, cùng bàn bạc cách để tìm gia đình cho Thau hiệu quả nhất. Những câu hỏi được đặt ra cho Thau là: Còn nhớ gì về gia đình mình, quê có gì đặc biệt, có gần chợ, gần sông không… Tên bố mẹ, anh em là gì ? Thau chỉ nhớ được bố tên Miêu, mẹ tên Bới, chị là Mơ, người dân ở quê Thau cái gì cũng hay đội trên đầu chứ không gánh đi như ở đây. Thông tin về đặc điểm của người dân chính là gợi ý để ông Đạc xác định bố mẹ của Thau ở vùng Nam Định, Hà Nam hoặc Ninh Bình. Chỉ cần thế, ông quyết định lên đường.

Ông Đạc vẫn nhớ: “Đó là vào khoảng năm 2006, tôi bảo vợ có bao nhiêu thóc trong nhà bán đi, được khoảng 900.000 đồng. Con tôi đi học ở Hà Nội được vay vốn sinh viên hơn 4 triệu đồng, cháu lấy 2 triệu đồng đóng học phí, còn 2 triệu đồng đưa tôi tìm bố mẹ cho chị. Cầm từng ấy tiền, tôi và cháu lên đường”.

Cha nuôi tìm người thân cho con ảnh 2

Chị Thau (tên thật là Đỗ Thị Mộng) đứng đầu hàng thứ nhất từ trái sang trong ngày đoàn tụ với gia đình ở Hà Nam. (Ảnh gia đình cung cấp)

Hành trình tìm kiếm và những con người tốt bụng

Đem theo thông tin ít ỏi và niềm hy vọng mong manh, cha con ông Đạc bắt chuyến xe khách sớm về Nam Định. Xe gần chạm đất thành Nam thì người phụ xe quay sang hỏi ông: “Thế hai cha con chú xuống đâu đây ạ?”. Ông Đạc lúc đó mới ngơ ngác đáp: “Thú thật với anh là tôi cũng không biết xuống đâu nữa”. Câu trả lời của ông lập tức gây sự chú ý của mọi người, ai cũng xúm vào hỏi han, ông Đạc đành kể lại ý nguyện của mình. “Cả xe đều hướng về phía cha con tôi, ông tài xế đang chạy liền đánh xe sang bên đường để mọi người hỏi chuyện và ông ấy cũng góp ý nữa… giữa nơi xa lạ tự nhiên tôi thấy ấm áp lắm” - ông Đạc kể.

Đáp lại câu chuyện của hai cha con đường xa, một cựu chiến binh nắm chặt tay ông hứa: “Ông cứ tìm theo hướng của ông, tôi cũng sẽ tìm theo hướng của tôi. Nếu hết chuyến này ông vẫn không tìm được, tôi sẽ đi tìm cùng ông, hứa đấy. Lời hứa của bộ đội mà”.

Một người khác, chị Hương đang đem hàng xuống Nam Định cũng xen vào nói với ông: “Tôi đến Nam Định trả hàng xong sẽ đưa anh và cháu xuống nhà cậu em tôi ở Hà Nam. Anh và cháu cứ ăn nghỉ ở nhà đó rồi đi tìm sau. Cứ tối lại về nhà em nó mà ăn uống, nghỉ ngơi anh ạ”.

Hình ảnh mà ông Đạc nhớ nhất là trước khi xuống xe, tất cả hành khách trên xe người thì 1.000 đồng, người dăm chục ngàn đồng, góp vào cho ông. “Có người góp 50.000 đồng mà toàn tiền lẻ, chắc họ kiếm đồng tiền cũng vất vả lắm, thế mà họ tự nguyện cho hai người không quen biết như chúng tôi. Đúng là ra khỏi làng mới biết người tốt nhiều lắm anh ạ” - ông Đạc xúc động nhớ lại.

Những ngày sau đó, ông Đạc tìm đến Hội Chữ thập đỏ, công an các tỉnh… ở đâu ông cũng để lại thông tin ít ỏi từ Thau cung cấp. Hai cha con cứ lang bạt khắp các nẻo đường. Có lúc tiền đã cạn túi, may nhờ Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương giúp đỡ nơi ăn, chốn ở nên bố và con vẫn quyết tâm bám trụ, chờ thông tin.

Ngày vui rồi cũng đến khi ông Đạc nhận được thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam. Từ Nam Định, hai cha con líu ríu dắt nhau bắt xe về ngay Hà Nam. Ngồi chờ trong ủy ban, ông Đạc nhớ từng lời của ông chủ tịch phường: “Nhìn cô này là tôi biết chắc con bà Bới đây rồi, giống nhau y hệt thế cơ mà”. Chỉ lát sau, các cậu, dì của Thau đến, tất cả đều lao đến ôm chầm đứa cháu thất lạc mấy chục năm của mình, Thau cũng lọt thỏm giữa vòng tay người thân, rơm rớm nước mắt.

Sau chuyến đi đó, dù được động viên ở lại với mẹ đẻ nhưng Thau vẫn xin được trở về Bắc Ninh ở với bố mẹ nuôi hơn một năm. Đến khi nghe lời khuyên bảo của ông Đạc và bà Vàng rằng phải báo hiếu cho mẹ đẻ, Thau mới quay về Hà Nam.

Con đẻ xa xứ học hành, con nuôi cũng về với nơi chôn nhau cắt rốn, trong ngôi nhà khang trang của gia đình nằm bên chân đê của thôn Phù Yên, nụ cười mãn nguyện vẫn luôn rạng rỡ trên khuôn mặt của đôi vợ chồng già.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm