Doanh nhân không đợi Tết

Càng về những ngày cuối năm, Hà Nội và TP HCM ngày càng đông hơn, chật chội hơn, tắc đường nhiều hơn và căng thẳng hơn. Dường như tất cả đều cuống cuồng mua sắm, nhậu nhẹt, chúc tết và tặng quà. Giới doanh nhân chúng tôi cũng bận rộn hơn, hối hả hơn với những mối lo toan muôn thuở: tiền bạc, công nợ, thưởng tết, cổ tức, gặp mặt, chúc tết, tặng quà… Bây giờ, những ngày này tôi nhìn thấy nhiều mối lo âu hơn.

Cuối năm, các bữa tiệc liên hoan nhiều hơn, liên miên, với những màn dô dô dô, 1…2… 3… dô, 1… 2… 3… dô, 1… 2… 3… uống khắp các quán sá. Những buổi trưa, chiều và tối liên hoan, chúc tụng dường như không dứt. Không chỉ giới doanh nhân, có lẽ hết thảy mọi người đều như vậy… Vui cũng là thật vui, nhưng mệt và lo.

Có lẽ càng trưởng thành, tôi lại càng thấy mệt mỏi với ngày Tết, càng không còn cảm giác hân hoan, mừng rỡ khi nhìn mùa Xuân về. Không còn không khí và cảm xúc của ngày thơ ấu với cái Tết thiếu thốn nhưng đầy niềm vui, (nhưng có lẽ cũng chỉ vui với chúng tôi chứ không vui với thế hệ trước…): xếp hàng mua những gói quà Tết, mang bột và trứng đi làm bánh bít quy, với những chai rượu chanh, rượu cam…

Cuối năm và trong những ngày Tết, tai nạn nhiều hơn. Tất cả dường như uống nhiều hơn, say hơn, đi xe nhanh hơn, trời lạnh hơn, đi khuya hơn… để rồi vào bệnh viện nhiều hơn. Mấy năm trước, đúng những ngày Tết, giữa đêm khuya tôi chợt giật mình khi có tiếng điện thoại báo người thân tai nạn xe cộ phải vào viện, đến bây giờ mà vẫn thấy sợ.

Cuối năm, những người xa tổ quốc lại có dịp trở về quê hương nhưng rất nhiều sinh viên, rất nhiều người con trong gia đình lại không thể về thăm nhà đúng dịp này vì phương Tây nghỉ Noel và Tết Dương lịch còn chúng ta lại nghỉ Tết Âm lịch. Khi họ nghỉ thì chúng ta làm việc, còn đến khi họ làm việc thì chúng ta lại nghỉ.

Với các công ty có giao dịch với nước ngoài như chúng tôi, một năm, công việc lại bị đình trệ trong cả hai dịp Tết này. Những ngày Noel và Tết Dương lịch, chúng tôi phải chờ đợi các đối tác nước ngoài và giờ đây, họ lại chờ đợi chúng tôi…

Ở Nhật Bản, kể từ khi có cuộc Duy Tân do Thiên hoàng Minh Trị thực hiện thành công vào năm 1868, nước này đã thay đổi truyền thống đón mừng Tết Nguyên Đán sang năm mới Dương lịch giống như các nước phương Tây. Người dân Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị năm mới từ ngày 31/12 của năm cũ và chỉ nghỉ 3 - 4 ngày mà thôi… Tôi nghĩ như vậy hợp lý và thuận tiện hơn. Khi hội nhập với thế giới, chúng ta phải quen với sống thành thị hơn, hiện đại hơn, các thói quen và phong tục rồi cũng sẽ phải thay đổi. Nhưng có những điều cần thay đổi, có những điều cần trở lại với phong tục…

Trong những ngày Tết, chúng ta nên đi thăm họ hàng, gia đình gần gũi… không nên đi cùng cơ quan, tổ chức, công ty. Gần 20 năm trước, mẹ tôi, khi đó làm ở một trường đại học đã nói với tôi về quy ước Tết không đến nhà nhau vì cả một năm đã gặp nhau quá nhiều rồi.

Hơn 10 năm trước, ở nơi làm việc cũ, tôi có thói quen đến nhà, mùng 4, mùng 5 Tết cả phòng rồng rắn đi suốt cả một ngày, không đi không được. Bây giờ tôi nói với những đồng nghiệp là Tết nên dành thời gian cho gia đình, người thân của họ…

Chúng ta nên tặng thiệp chúc tết thay cho tặng quà Tết. Đến nhà vài người tôi thấy quà cáp chồng chất, do không phải mình mua nên không chọn đúng sở thích và thường quà cáp mua biếu nên khá đắt, lãng phí. Có công sở, tuần cuối năm, chỉ có tặng quà và nhận quà là hết ngày. Có những vị sếp cả ngày chỉ tiếp khách đến chúc Tết mà không làm được gì. Chúng ta cũng nên giảm bớt việc nhậu nhẹt quá nhiều, chấm dứt tình trạng dô dô dô và 100% thường thấy để đảm bảo sức khỏe tốt hơn, bớt tai nạn giao thông.

Chúng ta cũng nên từ bỏ thói quen lì xì tiền cho trẻ con. Ngày xưa, việc lì xì chỉ dùng tiền nhỏ, để lấy may. Còn ngày nay, tôi thấy nhiều người lì xì tiền rất lớn, đôi khi gây khó xử cho những người khác. Nhận lì xì thành thói quen xấu tới mức thậm chí nhiều đứa trẻ thấy khách đến là chạy ra chỉ chờ tiền mừng rồi lại chạy vào nhà...

Gần đây, chúng tôi bắt đầu có thói quen tặng sách thiếu nhi, chọn những cuốn có ý nghĩa và văn hóa tặng cho trẻ. Và điều rất mừng là thói quen này đang ngày được phát triển. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên khuyến khích lại con trẻ quen với tục lệ Khai bút đầu xuân, và tới thăm đình chùa theo cách văn minh hơn, văn hóa hơn.

Và cuối cùng, chúng ta rất nên chuyển về tết Dương lịch để phù hợp với phương Tây và có lẽ việc này sẽ làm tăng GDP và hiệu quả công việc. Với những suy nghĩ đó, tôi nghĩ rằng nếu thực hiện được, một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ có những ngày Tết vui hơn, an toàn hơn, ý nghĩa hơn…

Theo Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books

( VNEXPRESS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm