Dòng chảy Trường Sa - Bài cuối: Đứa con của người anh hùng

Trong trận hải chiến ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, liệt sĩ-Thiếu úy Trần Văn Phương là người bảo vệ lá cờ Tổ quốc cho đến phút cuối cùng.

Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong là người con của đất Quảng Bình, quê hương có hơn 100 người lính tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma vào năm 1988. Trong trận hải chiến ngày 14-3-1988, anh Phong đã ngã xuống khi đang cố sức cùng đồng đội chống trả với lính Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma.

Người lính của ba trận chiến

Trước khi ra Trường Sa, anh Nguyễn Mậu Phong đã từng có mặt tại Campuchia để làm nhiệm vụ quốc tế trong cuộc chiến quét sạch họa diệt chủng Pol Pot. Năm 1979, anh có mặt trên tàu hải quân đi làm nhiệm vụ ở phía Bắc để giữ gìn tuyến biển trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đến năm 1988, anh lại có mặt ở Trường Sa để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc trước họa xâm lấn Trung Quốc.

Tính ra cuộc đời binh nghiệp của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong đã trải qua ba trận chiến.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, kể: “Hồi đi Campuchia rồi ra phía Bắc, tui với anh Phong mới thư từ qua lại, sau này anh trở về, làm lính hải quân Trường Sa tụi tui mới làm đám cưới”.

Ngày họ cưới nhau, cả làng Hiển Lộc chung vui bởi Nguyễn Mậu Phong là người con được làng yêu mến, chị Trần Thị Liễu là người lính hậu cần vừa được phục viên. Rồi họ sinh hạ được hai đứa con trai. Đứa lớn Nguyễn Mậu Trường sinh năm 1986, đứa nhỏ Nguyễn Tiến Xuân ra đời cuối năm 1987. Cuộc sống của họ tưởng như hạnh phúc vô bờ...

Chị Liễu kể ngày đó tiếng nói cười rôm rả cả xóm làng, đứa đầu mới hai tuổi bi bô suốt ngày. Bố Phong ở xa nhưng những cánh thư cứ mỗi tháng một lần được gửi về là nguồn động viên lớn cho mẹ con vượt qua khó khăn thường nhật.

Nhưng rồi tin dữ bay về.

Dòng chảy Trường Sa - Bài cuối: Đứa con của người anh hùng ảnh 1

Hai anh em Nguyễn Mậu Trường (trái) và Nguyễn Tiến Xuân nối bước cha mình - liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong ra Trường Sa giữ gìn biển, đảo. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Một ngày tháng 3-1988, chị bật Đài Tiếng nói Việt Nam nghe được thông tin Trung Quốc bắn giết các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang bảo vệ đảo Gạc Ma của tổ quốc. Tên của những người ngã xuống cứ thế xướng lên, đến tên của người chồng yêu thương Nguyễn Mậu Phong, đất trời trước mặt chị Liễu như sụp xuống. Suốt mấy tháng trời sau đó, đài truyền thanh của xã đọc lại các bản tin, tên tuổi những liệt sĩ được trịnh trọng tưởng niệm. Chị nhìn hai đứa con mà vò võ tâm can. Anh Phong hy sinh cùng đồng đội trên đảo Gạc Ma lúc cháu Trường vừa tròn hai tuổi, cháu Xuân mới hơn ba tháng trong nôi.

Chồng mất, có người nói chị còn trẻ nên đi bước nữa mà dựa sức nuôi nấng con cái, trong nhà phải có người đàn ông trụ cột. Bao nhiêu người cũng đến hỏi han, chị Liễu đều khước từ, bởi “hai đứa con trai là trụ cột nhất cuộc đời tui lúc ni rồi”!

Bao năm nuôi nấng hai đứa con thơ dại, cứ mỗi bữa ăn chị lại kể chuyện về bố của chúng, về trận đánh bi hùng ở Gạc Ma, về niềm tự hào của người lính hải quân mà anh Phong từng tâm sự với chị. Chị kể từ nhà ra đồng, kể trên đường dắt con đến lớp và cả trong từng lời ru con vào giấc ngủ. Chị đưa bao câu chuyện của người bố hy sinh cùng đồng đội, đem những câu chuyện bạn bè của anh Phong về nhà thăm nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi sau bao năm xa cách để xây đắp tâm hồn hai đứa con. Cứ thế, tình yêu và niềm tự hào về người cha anh hùng lớn dần trong con theo năm tháng. Và rồi khi hai đứa con lớn lên, chúng ấp ủ một ước mơ cháy bỏng: Ra Trường Sa bảo vệ biển, đảo như cha đã làm.

Lớp cha trước, lớp con sau

Lớn lên, khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Mậu Trường đã viết đơn tình nguyện gửi lãnh đạo đơn vị hải quân mà bố mình từng công tác xin ra Trường Sa. “Cháu muốn trở thành người lính như ba cháu để được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...” - đơn tình nguyện của Trường viết. Cuối năm đó, Trường được gọi nhập ngũ theo đúng nguyện vọng và được ra làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết.

Trường kể: “Ngày được lên đường tòng quân, em tự hào nhưng lại rất hồi hộp khi mình đã trở thành đồng đội của ba, theo dấu chân ba ra đảo. Ở đó, em được mấy lần tham gia kỷ niệm ngày 14-3-1988, được nghiêng mình cử hành trọng thể lễ kỷ niệm, giơ tay chào theo quân lệnh để tưởng niệm ba và đồng đội của ba ngày ấy”.

Sau Nguyễn Mậu Trường, đến lượt Nguyễn Tiến Xuân lại xin mẹ viết thư tình nguyện theo cha, theo anh ra Trường Sa giữ đảo. Chị Liễu kể: “Cháu Xuân học giỏi, bạn bè nói thi đại học là đỗ cao nhưng cháu không thi mà xin viết đơn tình nguyện theo anh, theo bố. Nói thiệt, tui cũng lo, lo là vì trước bố chúng đã ngã xuống rồi, nếu lỡ nó có chuyện chi thì lòng dạ đâu mà tui sống. Nhưng cạnh nỗi lo ấy lại có niềm tự hào khi con cái đã trưởng thành, biết tự hào và nối bước truyền thống của bố...”.

Thế là Xuân viết đơn gửi lữ đoàn trưởng nơi bố mình từng phục vụ. Em viết với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết của người cha đi trước. Đơn Xuân viết có đoạn: “Ba cháu đã hy sinh ở Trường Sa, anh cháu cũng tình nguyện ra Trường Sa cầm súng bảo vệ biên cương, nay cháu cũng tình nguyện theo bước chân của ba cháu, của anh cháu để làm người lính giữ gìn biển đảo...”. Viết đơn xong, Xuân một mình bắt xe đò từ Quảng Bình vào Cam Ranh gửi cho đơn vị của cha.

Chẳng bao lâu sau, chị Liễu lại lần thứ ba tiễn người đàn ông cuối cùng của gia đình đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc. Ngày con út lên đường, chị đi bộ cả mấy cây số tiễn con. Chị ôm Xuân, xoa đầu, dặn dò phải lễ phép, sống hòa thuận với anh em. Chuyến xe chuyển quân lăn bánh, chị quay mặt khóc để con không biết. Bên lũy tre làng ngả bóng, người đàn bà tảo tần ấy lại vò võ một mình trong căn nhà hiu vắng.

Người anh lớn Nguyễn Mậu Trường giờ đã xuất ngũ, đã lấy vợ và đang làm công nhân ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn Nguyễn Tiến Xuân thì sau thời gian huấn luyện và học ở Học viện Hải quân Nha Trang (Khánh Hòa) hiện đang phục vụ tại một đơn vị hải quân ở Trường Sa.

▲▲▲

Chúng tôi đến thăm chị Liễu vào đúng bữa giỗ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Chị một mình làm cơm giỗ chồng, hai con ở xa không về. Bữa giỗ chị không chỉ đơm cơm cho chồng mà đơm đủ đầy cho 64 liệt sĩ hy sinh cùng chồng trong trận hải chiến 14-3-1988. “Họ là những người sát cánh bên anh Phong khi giữ đảo nên khi mất chắc anh Phong cũng luôn kề vai sát cánh. Hơn nữa, họ cùng ngã xuống một ngày...” - chị Liễu rớm lệ nói.

Nối gót cha ra giữ đảo

Khi người cha ngã xuống ở Trường Sa, đứa con trai út mới chỉ vài tháng tuổi, còn người anh cũng chỉ mới lên hai. Nhưng khi lớn lên, tiếp bước truyền thống của cha, hai người con lần lượt bước chân xuống tàu ra giữ đảo…

Ngày nhận giấy báo tử anh Phương, chị Mai Thị Hóa, vợ anh Phương, đang mang thai đứa con gái duy nhất của hai người. Con gái được chị đặt tên là Trần Thị Thủy. Sống trên cát, cực nhọc sớm hôm, chị tần tảo nuôi con vào đại học. Thủy chỉ biết ba qua những bức thư mẹ nhận và hình ảnh úa vàng khi anh Phương chưa nhập ngũ. Càng lớn Thủy càng thấy hai chữ Trường Sa thân thương lạ kỳ. Ngày tốt nghiệp ra trường, Thủy nói với mẹ sẽ viết đơn xin vào đơn vị của ba. Chị Hóa gật đầu mà ngấn lệ.

Dòng chảy Trường Sa - Bài cuối: Đứa con của người anh hùng ảnh 2

Chị Trần Thị Thủy, con của liệt sĩ Trần Văn Phương, hiện cũng là lính hải quân. Ảnh: SGGP

Đơn tình nguyện Thủy viết: “Cháu muốn tiếp bước cha của cháu đã bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng…”. Tháng 10-2009, Thủy được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thủy kể: “Lớn lên nghe mẹ kể ba hy sinh ở Trường Sa, em nung nấu một ngày nào đó ra nơi ba nằm xuống. Đó là điều mà em mong ước từ nhỏ”.

Được sống nơi ngày xưa ba công tác, những lúc rỗi, Thủy lại sang đơn vị của ba xem nhiều hình ảnh ba và đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo. Câu nói bất hủ của ba Thủy - liệt sĩ Trần Văn Phương: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo” vẫn còn đó. Rồi vẫn còn đó bức tranh thật lớn vẽ lại cảnh ba nắm chặt lá cờ Tổ quốc trong tay giữa “vòng tròn bất tử” vây quanh của đồng đội. Xem lại hình ảnh đó, trong Thủy lớn lên ước mong trở thành người lính hải quân. Và ước nguyện đó đã thành hiện thực. Hiện Thủy được nhận vào công tác tại Lữ đoàn 146, trở thành đồng đội của ba mình.

(Theo Minh Phong, SGGP)

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm