Hiệp định Paris - dấu son lịch sử - Bài cuối: Người từ chối Nobel Hòa bình

Trong đàm phán Paris, những cuộc gặp riêng giữa ông Lê Đức Thọ - cố vấn phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và ông Henry Kissinger - cố vấn phái đoàn Mỹ giữ vai trò quyết định then chốt. Những lần gặp gỡ này là những cuộc đối đầu lịch sử gay cấn, thú vị, với nhiều giai thoại đặc sắc trước khi các bên đặt bút ký vào biên bản hiệp định.

Những cuộc đối đầu lịch sử

Tại hội nghị Paris, theo định kỳ, thứ Năm hằng tuần họp bốn bên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber để các đoàn đấu tranh công khai trước dư luận, trình bày lập trường, quan điểm của mình. Bên cạnh đó, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng (mật) giữa hai phái đoàn VNDCCH và Mỹ, do hai cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger chủ trì, cũng được xúc tiến song song.

Theo ông Trịnh Ngọc Thái (nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu VNDCCH tại Hội nghị Paris), “tổng cộng có 36 cuộc gặp riêng trong thời kỳ họp hai bên và bốn bên. Những vấn đề về thực chất thì bàn và giải quyết ở các cuộc gặp riêng này”.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ - thành viên phái đoàn VNDCCH tại Paris, kể có những buổi họp hai bên trao đổi lý lẽ, lập luận tương đối điềm tĩnh. Nhưng có những ngày không khí rất căng thẳng, thậm chí có cả chuyện đập bàn, đập ghế. Ông Thái kể: “Một lần, Kissinger nói: “Ông Thọ này, nếu các ông cứng như thế này thì có lẽ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, bom đạn sẽ còn tiếp tục rơi ở miền Bắc”. Nghe vậy ông Thọ “phang” ngay: “Tôi xin ngắt lời ông. Có phải tôi với các ông mới đánh nhau hôm qua đâu. Tôi với các ông đánh nhau bốn, năm năm rồi. Bom đạn rơi bốn, năm năm rồi. Các ông đem bom đạn ra dọa tôi hôm nay không được đâu!””.

Hiệp định Paris - dấu son lịch sử - Bài cuối: Người từ chối Nobel Hòa bình ảnh 1

Cái bắt tay lịch sử giữa cố vấn Lê Đức Thọ với cố vấn Henry Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris và rời Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: washingtonpost.com

Giáo sư sử học Larry Berman trong tác phẩm Không hòa bình, chẳng danh dự đã cho rằng Richard Nixon đã học được từ Hiệp định Genève kinh nghiệm phải tranh thủ các đồng minh Liên Xô, Trung Quốc để gây áp lực, tác động đến đường lối ngoại giao của Việt Nam trên bàn đàm phán. Vậy nên, khi đàm phán lâm vào bế tắc, Nixon đã có những chuyến công du đến Trung Quốc, Liên Xô, thiết lập mối quan hệ bang giao để thực hiện mưu đồ của mình.

Ông Hà Đăng, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, kể trong một buổi họp riêng với Kissinger, cố vấn Lê Đức Thọ đã nói: “Tôi biết là các ông gần đây cũng chạy vạy rất nhiều chỗ này chỗ khác để tìm ra một giải pháp. Nhưng mà các ông nên hiểu, đây là vấn đề của Việt Nam diễn ra trên đất nước Việt Nam thì chỉ có tại bàn thương lượng này chúng ta mới có thể tìm ra được giải pháp chứ không phải chạy đi chỗ này chỗ khác. Và nếu ông còn đi theo con đường đó thì các ông còn thất bại”.

Lê Đức Thọ và Kissinger thường “ăn miếng trả miếng”, tranh cãi tay đôi để bảo vệ lập trường, quan điểm của mỗi bên. Với những nhân chứng từng tham gia đàm phán, Lê Đức Thọ là một nhà chiến lược tài ba, sắc sảo và rất quyết liệt, kiên trì trong việc bảo vệ lập trường của ta. Thêm vào đó, chính nghĩa thuộc về cuộc kháng chiến của quân dân ta nên Mỹ và Kissinger dù dùng nhiều thủ đoạn quân sự và ngoại giao khác nhau cũng không thể giành được “hòa bình trong danh dự” như họ mong đợi.

Lẩy từ Tam quốc chí, giới báo chí phương Tây đã ví von ngắn gọn về cuộc đối đầu đặc biệt này, rằng: “Trời đã sinh Kissinger sao còn sinh thêm Lê Đức Thọ”. Còn người trong cuộc, TS Henry Kissinger, hơn 30 năm sau đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”...

“Nhân dân mới là người xứng đáng”

Từ những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel chọn trao giải thưởng Nobel Hòa bình cùng với Henry Kissinger. Nhưng ông Lê Đức Thọ đã từ chối, vì ông cho rằng: “Hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam” và rằng: “Người xứng đáng (nhận giải thưởng Nobel Hòa bình) chính là nhân dân Việt Nam”.

Và ông đã nói đúng.

Ngay trước ngày ký kết Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu âm mưu phá hoại hiệp định, cắm cờ giành đất, gây nhiều tổn thất cho ta. Trên thực tế, Hiệp định Paris khi có hiệu lực chỉ được thi hành nghiêm chỉnh ở những điều khoản rút quân Mỹ và lực lượng chư hầu, trao trả tù binh Mỹ mà thôi.

Chiều 29-3-1973, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ta đã trao trả cho phía Hoa Kỳ những phi công Mỹ cuối cùng bị bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc. Hãng AFP đưa tin: “Trong suốt cả ngày và đêm 28-3, các máy bay vận tải quân sự và máy bay đi thuê (của các hãng tư nhân) bay đi, bay về giữa hai sân bay Clác và Tân Sơn Nhất để chở các lính Mỹ rút đi... Hôm nay, 29-3-1973, những lính Mỹ cuối cùng đã rời Nam Việt Nam hồi 17 giờ 30 phút giờ Sài Gòn. Người Mỹ cuối cùng rời khỏi Nam Việt Nam là đại tá không quân Đê-vít Ô-đen”.

Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3-1973, Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền Sài Gòn lại tiếp tục ra sức phá hoại hiệp định, hành quân lấn đất chiếm dân trong chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” trên toàn miền Nam. Trước tình hình đó, quân dân ta tiếp tục bước vào giai đoạn chiến đấu mới một cách không khoan nhượng. Vai trò của Hiệp định Paris, trên thực tế đã kết thúc.

Nhưng điều quan trọng nhất mà hiệp định đã thực hiện được là “quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại”. Mỹ đã một đi không thể trở lại, tạo điều kiện để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 30-4-1975, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân lịch sử trên toàn chiến trường miền Nam. Đất nước Việt Nam cuối cùng đã được thống nhất, non sông đã thu về một mối sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ.

Vài nét về ông Lê Đức Thọ

Trước khi Hội nghị Paris khai mạc, ông Lê Đức Thọ không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, càng không phải là một nhân vật được dư luận biết đến rộng rãi như Henry Kissinger.

Ông Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh năm 1911, trong một gia đình nho giáo thuộc ngoại ô TP Nam Định. 14 tuổi ông đã giác ngộ cách mạng. 17 tuổi (năm 1928), ông gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và một năm sau trở thành đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã hai lần bị bắt (năm 1930 và 1939), bị đày đi Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La - những nhà ngục khét tiếng của chế độ thực dân Pháp. Trong Cách mạng tháng Tám, ông Lê Đức Thọ được chỉ định vào Thường vụ Trung ương Đảng, trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu lịch sử 1945.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều vào Nam, cùng với ông Lê Duẩn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc, trở thành Trưởng ban Thống nhất Trung ương và được bổ sung vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), ông đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Sau đợt 1 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ông được điều vào Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Nhưng khi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định lập mặt trận ngoại giao và mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm ở Paris thì Bác Hồ đã viết thư tay kêu ông ra Bắc để làm nhiệm vụ cố vấn cho đoàn đàm phán VNDCCH.

Tháng 6-1968, ông Lê Đức Thọ đến Paris, bắt đầu những chuỗi ngày đàm phán cam go và căng thẳng. Ông phải đối đầu trực diện với Henry Kissinger - một nhân vật ngoại giao tầm cỡ và có rất nhiều thủ đoạn ngoại giao, được mệnh danh là “cây đại vĩ cầm về địa - chính trị” của Mỹ. Kể từ đây, ông Lê Đức Thọ trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và được cả thế giới biết đến.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm