Nên công khai bản án của tòa các cấp trên mạng

Tuy nhiên, tôi nhận thấy dự thảo chưa quy định cụ thể về nguyên tắc xét xử công khai theo khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013. Điều 11 của Dự thảo 4 quy định về việc TAND xét xử kịp thời, công bằng, công khai thực chất chỉ chép lại một số nội dung của khoản 1, khoản 2 Điều 31 và khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013.

Cụ thể, Điều 11 dự thảo quy định:

“1. TAND xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Theo tôi, nguyên tắc xét xử công khai rất quan trọng trong nền tư pháp của một nhà nước pháp quyền. Thực tế ở nước ta, nguyên tắc này còn bị vi phạm trong hoạt động xét xử vì chưa có cơ chế, quy định cụ thể để đảm bảo cho nguyên tắc được thực thi.

Thứ nhất, theo nguyên tắc xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa công khai. Nhưng ở không ít phiên xử, người muốn tham dự bị ngăn chặn, có nhiều trường hợp thân nhân bị cáo không biết về phiên tòa xử bị cáo hoặc có biết nhưng không được tham dự phiên tòa.

Thứ hai, trong nhiều vụ xét xử, chúng tôi chứng kiến biên bản phiên tòa và bản án được ghi, tuyên rất sơ lược, cẩu thả, không phản ánh hết các ý kiến, tình tiết xảy ra trong phiên xử. Nhiều biên bản phiên tòa, bản án không đáp ứng được nguyên tắc tranh tụng (đã được quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013). Thậm chí có nhiều biên bản phiên tòa ghi sai diễn biến phiên tòa, có nhiều bản án dựa vào những chứng cứ, tài liệu không được nêu tại phiên tòa. Những khiếm khuyết này khiến việc xét xử không đảm bảo khách quan, có dấu hiệu bản án đã được làm sẵn trước khi xử. Nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc xét xử độc lập của HĐXX thường bị xâm phạm.

Theo tôi, cần công khai biên bản phiên tòa, bản án, quyết định của tòa ngay sau khi xét xử để những người tham gia tố tụng, báo chí, dân chúng, cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát việc xét xử dễ dàng, nhanh chóng phát hiện vi phạm, từ đó có biện pháp thích hợp theo quy định của pháp luật nhằm sửa chữa hoặc hủy bỏ những bản án liên quan. Những biện pháp công khai biên bản phiên tòa, bản án, quyết định của tòa trên Internet cũng tạo áp lực buộc thư ký, thẩm phán phải có trách nhiệm hơn đối với công việc, góp phần cho việc xét xử được minh bạch, công bằng, khách quan.

Hiện nay tòa các cấp đều được trang bị máy tính kết nối Internet. Nhiều tòa cấp tỉnh đã có trang thông tin điện tử riêng. Việc thiết lập cho từng tòa án có trang thông tin điện tử riêng không còn tốn kém, phức tạp mà trong khả năng của ngành tòa án.

Vì vậy tôi kiến nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 11 dự thảo như sau: “3. Việc công khai xét xử được đảm bảo bằng việc công bố kịp thời lịch xét xử, biên bản phiên tòa, bản án, quyết định của tòa án trên những trang thông tin điện tử của tòa án các cấp và tạo điều kiện cho những người muốn tham dự phiên tòa chứng kiến trực tiếp hoặc theo dõi trực tiếp thông qua những phương tiện nghe nhìn”.

Rất mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm đến kiến nghị này, để bổ sung vào Luật Tổ chức TAND sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Luật sư LÊ THỊ MINH NHÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm