Người của rừng già

Leo xuống từ cây thang trông lửa rừng tràm cao gần 20 m, kỹ sư Nguyễn Tấn Truyền đi thẳng về cái chòi canh Cây Gừa gần đó (vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau). Bao giờ cũng vậy, công việc đầu tiên của anh Truyền khi vừa hết ca trực là thăm chú khỉ Ti Ti. Chú khỉ đang ngủ vùi trên một chiếc áo cũ, trong cái thùng giấy đựng mì ăn liền. Anh sung sướng nhìn chú khỉ một lúc rồi loay hoay pha sữa để chuẩn bị bữa trưa cho nó.

Tranh cá rô vàng

Đúng một tháng qua, bốn thành viên ở chốt canh Cây Gừa này khá bận rộn khi thu nhận thêm một thành viên mới là chú khỉ Ti Ti. Nuôi nó như nuôi một đứa trẻ sơ sinh. Khi trái gió trở trời nó cũng khò khè rồi ngã bệnh, lắm lúc lại kêu e é vì đói, vì bụng đau. Thường khi nó tè lên tay, lên cổ khi các anh nựng nịu, cõng nó đi dạo chơi… Bốn người đàn ông canh lửa rừng bỗng gánh thêm trách nhiệm chăm bẵm Ti Ti.

Bận rộn mà vui. Anh Sáu Chi (thành viên của chốt canh) thích pha sữa cho Ti Ti, thích xem nó gãi. Tay nó gãi đuôi, chân gãi đầu. Cái kiểu gãi ngược ngạo đó khiến anh Sáu Chi cứ cười khục khục. “Nhờ có nó mà cả bọn không cảm thấy buồn bã ở chốn rừng thâm u quạnh quẽ này” - anh Truyền cười tươi nói. Và anh tiết lộ thêm về niềm vui của ngày hôm nay: “Hôm qua, anh em giành được con cá rô vàng. Xem như hôm nay là ngày song hỷ, con khỉ đầy tháng và có thêm con cá rô vàng!”.

Câu chuyện tranh giành con cá rô vàng thật ngộ nghĩnh. Nghe các anh kể, tôi cảm nhận được rừng già U Minh Hạ đang bắt đầu sở hữu những con người của mình.

Người của rừng già ảnh 1

Anh Truyền hy vọng sẽ huấn luyện chú khỉ Ti Ti này thành diễn viên phục vụ du khách trong tương lai.

Một chiều cuối tháng 4, nhóm cán bộ Vườn quốc gia U Minh Hạ bắt được con cá kỳ lạ, có màu sặc sỡ, trông như cá chép hồng nhưng không phải loài cá chép. Theo kỹ sư Truyền thì đó là con cá rô U Minh Hạ đột biến. Vậy là xuất hiện một cuộc tranh giành con cá, một bên là nhóm chốt Cây Gừa (nhóm anh Truyền), bên kia là một cán bộ vườn. Ai cũng đòi sở hữu con cá lạ mắt để nuôi, đến mức lãnh đạo vườn phải can thiệp mới yên chuyện. “Hôm qua mà lãnh đạo vườn không xử cho anh Truyền được nuôi cá, tôi khiếu nại đến cùng. Chỉ có anh mới xứng đáng có nó thôi!” - anh Võ Văn Vinh (một trong bốn thành viên của chốt) nói nghiêm túc. Nhìn qua anh Truyền, anh Vinh gãi đầu giãi bày chuyện nóng tính của mình lúc xảy ra vụ giành cá: “Cá là của vườn, anh nuôi là vì cái chung, anh xứng đáng nuôi nó. Còn ông ấy (cán bộ vườn) muốn đem về nuôi riêng. Đâu có được!”. Bấy giờ, anh Sáu Chi mới nói: “Ở rừng mấy mươi năm, giờ mới thấy vì một con cá mà tranh giành dữ vậy”. Như chợt nhận ra cái điều có lý trong cuộc tranh giành cá có vẻ phi lý ấy, hai anh Truyền và Vinh nhìn nhau cười đắc ý.

Yêu thiên nhiên mãnh liệt

Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền sinh năm 1970, chuyển công tác từ rừng đước Năm Căn (Cà Mau) về Phòng Nghiên cứu khoa học Vườn quốc gia U Minh Hạ từ tháng 3-2009. Cuối năm đó, vào mùa chống cháy rừng tràm, anh được điều động làm chốt trưởng chốt Cây Gừa, cùng anh em ngày đêm trực thang trông rừng phòng chống cháy. Tại đây, anh đã khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi những việc làm lạ lẫm, khi thì vác vợt rượt bắt bướm ong, lúc lại quảy gùi vào rừng tìm hoa lá. Anh bắt cả rắn rết, côn trùng ở rừng… Rồi không chỉ có anh, người ta còn thấy nông dân Hai Sang, Tám Hây, Út Em, Sáu Chi và cả anh thợ rừng chuyên nghiệp Võ Văn Vinh cũng vác vợt rượt bướm ong mỗi buổi sáng nắng đẹp.

Mới đây, vợ của anh Tạ Vũ Linh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cũng bất ngờ khi thấy chồng mình tự nhiên mê bướm. Hôm đó, đang ăn cơm, tự dưng anh Linh buông đũa… rượt bắt một con bướm. Anh Linh cười hề hề lý giải: “Có lần Truyền đến nhà tôi chơi. Đang ngồi uống trà trò chuyện thì nó đứng phắt dậy, trèo lên trần nhà. Nó chuyền gần giáp các cây xiên trên trần nhà để bắt một con bướm. Biết nó mê bướm, mê ong nên hễ thấy con bướm nào đẹp là tôi bắt cho nó. Nó mừng lắm! Không chỉ có tôi, nhiều anh em cũng bị nó truyền cho cái máu yêu bướm, yêu hoa, yêu thiên nhiên hoang dã”. Ngay cả anh Tám Hây, anh Hai Sang, những nông dân cả đời lam lũ với ruộng lúa, ao cá nay cũng “ngộ” tình yêu với thiên nhiên từ anh Truyền. Dù được điều động đi sang chốt khác để trực trông rừng nhưng hai ông thấy bướm là rượt bắt, thấy các loài cây, con hiếm trong rừng là mang về giao cho anh Truyền. Thỉnh thoảng, khi hết ca trực, hai ông lại ghé chốt Cây Gừa để xem bướm và trò chuyện với Truyền về thiên nhiên hoang dã. “Trước đây tui có quan tâm tới con bướm đâu. Từ ngày được sống gần với Truyền mới thấy con bướm thật đẹp, nhìn nó có cảm giác vui vui, lạ lắm!” - ông Hây cười, kể.

Người của rừng già ảnh 2

Anh Truyền đang soạn lại những mẫu bướm rừng U Minh Hạ.

Cơ hội “sám hối” của người thợ săn

Anh Tạ Vũ Linh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết: “Vườn thành lập năm 2006, mới đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Công việc bề bộn nên chúng tôi chưa xây dựng được phòng trưng bày. Thực ra cũng chưa có kinh phí để làm. Những việc Truyền làm bấy lâu là tự bỏ tiền lương ra. Truyền có một tình yêu mãnh liệt với khu rừng này”.

Người đồng cảm nhất với anh Truyền có lẽ là anh Võ Văn Vinh, thợ rừng khét tiếng sát phạt thú rừng U Minh một thời. Một lần đi câu cá đêm, Vinh đã gặp Truyền. Anh kể cho Truyền nghe về tình huống mình phải bỏ nghề thợ săn và nỗi ân hận như thế nào vì đã sát phạt thiên nhiên rừng già U Minh Hạ.

Vinh nối nghiệp cha ông làm nghề thợ săn ở rừng U Minh Hạ từ lúc 13 tuổi. Cách đây hơn 10 năm, trong một lần bẫy dính một con heo rừng to, anh đã ứa nước mắt khi thấy những chú heo con đang cố bú mẹ lần chót. “Đám heo con cố ghì heo mẹ để bú. Mới nhìn thì không có cảm giác gì nhưng khi giết chết con heo mẹ rồi, không biết đám heo con sẽ sống ra sao, lòng thấy ân hận khôn cùng. Từ hôm đó, tôi thề không làm thợ săn nữa” - Vinh kể lại, giọng vẫn còn day dứt.

Từ giã nghề thợ săn, Vinh mang trong lòng nỗi ân hận và luôn mơ ước có cơ hội “sám hối”, bù đắp cho rừng già những gì mình đã cướp đi. Gặp một người có tình yêu thiên nhiên đến kỳ lạ như Truyền, Vinh mừng lắm. Anh quyết theo Truyền làm việc. Với kinh nghiệm đi rừng mấy mươi năm của mình, anh hứa giúp Truyền, dẫn đường thám hiểm rừng già mọi lúc mọi nơi. Họ cùng nhau lên kế hoạch, hết mùa phòng chống cháy rừng này sẽ cơm nắm vào rừng thám hiểm. Mơ ước của Truyền là xây dựng một phòng trưng bày về sự phong phú, đa dạng sinh học của rừng tràm U Minh Hạ.

Người của rừng già ảnh 3

Chốt phòng chống cháy Cây Gừa - nơi tình yêu thiên nhiên đang nhen nhóm và lan tỏa.

Chú khỉ Ti Ti đã thức giấc, trời sắp tắt nắng, kết thúc một ngày canh lửa rừng tràm. Anh Truyền lại cho Ti Ti uống sữa, không quên dặn anh em đi tắm về sớm để cùng ăn mừng đầy tháng Ti Ti. Chợt điện thoại anh reo vang. Vợ anh ở Năm Căn gọi, thông báo sẽ qua thăm chồng vào ngày mai. Anh Truyền mừng rỡ, nhắc vợ nhớ mang thêm sữa cho Ti Ti.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm