Ông nhạc trưởng đi tìm thị trường

Người nghệ sĩ mười mấy năm khổ luyện học nhạc cổ điển nhưng tại sao khi tốt nghiệp nhạc viện chỉ đi đánh đàn đám cưới, đám ma hoặc quẳng đàn để chạy xe ôm? Tại sao những buổi hòa nhạc không thể bán vé và rất ít người đến nghe?... Những câu hỏi này cứ đau đáu ngay từ khi nhạc trưởng Nguyễn Bách về công tác tại Nhạc viện TP.HCM năm 1999. Từ đó, anh bắt đầu một hành trình sáng tạo ra những sản phẩm nhạc hàn lâm gần gũi với khán giả hơn.

Hợp xướng… đắt show

Trong các “sản phẩm” đã trình làng, Ban hợp xướng Suối Việt là sản phẩm độc đáo được nhạc trưởng Nguyễn Bách tâm đắc nhất. “Có lẽ cho tới bây giờ chưa có ai đứng ra tổ chức được dàn hợp xướng và dàn nhạc tư nhân, nếu không kể các ca đoàn nhà thờ. Các ban hợp xướng khác thường trực thuộc nhà hát giao hưởng, nhạc viện, quân đội. Họ hoạt động từ kinh phí của cơ quan chủ quản. Ở ngoại quốc thì có dàn hợp xướng thuộc công ty nhưng Việt Nam thì mới chỉ có một ban hợp xướng và dàn nhạc tư nhân đó là Suối Việt” - nhạc trưởng Nguyễn Bách tâm sự. Anh còn cho biết Suối Việt là ban hợp xướng tư nhân duy nhất đã được ban tổ chức cuộc thi Hợp xướng Quốc tếlần II năm nay đưa vào danh sách 14 đoàn hợp xướng của Việt Nam dự kiến được mời tham gia.

Ông nhạc trưởng đi tìm thị trường ảnh 1

Chỉ huy dàn nhạc và lý luận âm nhạc là hai chuyên môn mà nhạc trưởng Nguyễn Bách dày công đầu tư. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thành lập ban hợp xướng này, ban đầu anh chỉ nghĩ các sinh viên nhạc đang rơi vào tình trạng không có sân chơi để hát, dàn nhạc không có đất để diễn. Vì vậy anh lập ra để vừa tạo sân chơi, vừa tìm “đầu ra” cho họ. Khi đi vào hoạt động bài bản thì Hợp xướng Suối Việt đã có một chút doanh thu. Suối Việt tham gia vào nhiều chương trình khá nổi tiếng như chương trình Đêm thần thoại Trịnh Công Sơn, chương trình Phạm Duy ngày trở về. Đặc biệt, chương trình Rock cho tình người (2007) diễn ra tại sân vận động Phú Thọ với trên 4.000 khán giả và tại sân khấu Lan Anh với trên 2.000 người xem... “Từ đó tôi thấy hợp xướng là mảnh đất vừa để đào tạo huấn luyện, vừa để phục vụ, vừa tạo cơ hội cho các thành viên sống nghề của mình. Ban hợp xướng đã sống như vậy cho đến nay được tám năm rồi. Từ môi trường này, có nhiều người thành danh như Phạm Anh Khoa, Thảo Trang, Lan Trinh, Diệu Hiền…” - anh Bách tâm sự.

Một sản phẩm mang tính xã hội do anh cùng Ban hợp xướng Suối Việt thực hiện đó là một loạt năm chương trình mang tên Tình yêu Giáng sinh (kể từ 2005 đến 2009) tại các sân khấu nhạc viện, Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành nhằm gây quỹ cho các mái ấm, trẻ khuyết tật.

Kỳ tích cháy vé chương trình cổ điển

Hai sản phẩm khác cũng do bàn tay nhạc trưởng Nguyễn Bách tạo dựng đó là nhóm nhạc Credo và chương trình biểu diễn định kỳ hằng năm Piano Sings. Nhóm Credo thì chuyên hát những loại nhạc của Tchaikovsky, Bach, Mozart, Beethoven nhưng được Pop hóa hoặc Jazz hóa, đưa lời Việt vào tác phẩm khí nhạc cho người ta dễ hiểu. Nhóm này thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà ngay từ đầu nhạc trưởng Nguyễn Bách đã đưa ra phương châm là “hát vang khí nhạc”. Anh Bách lý giải hoạt động âm nhạc gần gũi nhất với con người là ca hát. Khí nhạc thường được xem là âm nhạc bác học, hát được coi là âm nhạc bình dân hơn. Kết hợp như vậy để âm nhạc được gần gũi hơn. Ngoài những mục đích phổ biến nhạc bác học, Credo cũng hướng đến mục đích kinh doanh, lấy thu nhập để bù đắp cho các hoạt động khác.

Còn Piano Sings (Tiếng dương cầm hát) là chương trình tổ chức định kỳ hằng năm, đến nay đã ra mắt được ba số. Năm nay nhạc trưởng Nguyễn Bách đang dự trù tổ chức vào tháng 12. “Với phương châm đưa âm nhạc bác học của cây piano trình diễn một cách khác biệt, hiện nay tôi đang khai thác rất hiệu quả về chương trình này” - nhạc trưởng Nguyễn Bách cho biết.

Một kỳ tích đã xảy ra ngay khi chương trình Piano Sings đầu tiên trình làng đó là hiện tượng cháy vé. Gọi chuyện này là kỳ tích vì trước đây ít khi có chương trình nhạc cổ điển nào ở Nhạc viện TP.HCM bán được vé, khách đến dự thường là theo diện giấy mời. Hoặc nếu có thì cũng chỉ bán được hơn trăm vé trong tổng số 400 ghế của khán phòng.

Vào nhạc viện học lại từ đầu

Nếu tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp của nhạc trưởng Nguyễn Bách, có thể lấy năm 1999 làm mốc. Năm đó anh vừa từ Đức về nước, rồi vào công tác tại Nhạc viện TP.HCM. Từ đó đến nay mới 13 năm nhưng những công trình về âm nhạc mà anh thực hiện cũng khiến một nhạc sĩ chuyên nghiệp lão làng phải kính nể. Ngoài hàng loạt sản phẩm âm nhạc kể trên, thành quả lao động của nhạc trưởng Nguyễn Bách có thể kể tới đó là thành lập và kiêm nhiệm vụ hiệu trưởng Trường Âm nhạc BACH, viết hơn 40 đầu sách về âm nhạc (bao gồm cả tủ sách âm nhạc điện toán của NXB Âm nhạc), sáng tác hơn 200 ca khúc. Trong một số tác phẩm khí nhạc của anh có bản fughetta Lý Ba Tri viết cho piano. Bản này được dùng trong tài liệu giảng dạy và làm bài thi cho sinh viên khoa Piano. Cũng trong quãng thời gian này anh đã hoàn thành văn bằng cử nhân chỉ huy dàn nhạc và thạc sĩ lý luận âm nhạc.

Bề dày công trình là vậy nhưng ít ai biết trước khi bước chân vào Nhạc viện TP.HCM năm 1999, anh chỉ là người hoạt động âm nhạc có thể gọi là nghiệp dư với chỉ một tấm bằng về sư phạm âm nhạc của Trường Suối Nhạc (do nhạc sư Tiến Dũng sáng lập).

Năm 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Bách đã từng chỉ huy dàn hợp xướng và đã từng được thu hình phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn. Anh cũng từng làm “nhạc trưởng” dàn hợp xướng của trường ĐH thời anh là sinh viên. Thế nhưng những trường ĐH mà anh đã kinh qua toàn là những ngành nghề chẳng liên quan gì đến âm nhạc. Nguyễn Bách kể anh học chuyên ngành hóa dầu của Trường ĐH Lasan thời trước 1975. Sau giải phóng anh học khoa Ô tô máy kéo của Trường Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức. Cả hai trường anh đều bỏ ngang vì hoàn cảnh khó khăn. Sau đó anh lại đi học và tốt nghiệp kịch ở Trường Văn hóa Nghệ thuật quần chúng.

Sau này khi sang Đức, anh vào Nhạc viện Gasteig (Munich) học về kỹ thuật phòng thu chứ cũng chẳng liên quan gì đến âm nhạc. Lúc về lại Việt Nam, anh ghé thăm thầy Quang Hải - người trước đây anh đã có thời gian thọ giáo môn chỉ huy. Theo gợi ý của thầy, anh quyết định thi vào nhạc viện học lại từ đầu. Giám đốc của nhạc viện là PGS Hoàng Cương cũng từng học ở Đức về nên khi gặp Nguyễn Bách hai người đã hàn huyên rất nhiều về những kỷ niệm bên trời Âu và chuyện âm nhạc. Từ cái duyên kỳ ngộ này, PGS Hoàng Cương mời anh làm trợ lý.

Có thể nói đây là thời điểm anh dốc sức theo âm nhạc chuyên nghiệp. Khi ấy Nguyễn Bách vừa làm công việc của một nhân viên nhạc viện, vừa học cử nhân, vừa dạy môn “tiếng Ý dùng trong âm nhạc” cho sinh viên. Sau tốt nghiệp chỉ huy dàn nhạc, anh vừa dạy nhiều môn nhạc khác tại nhạc viện vừa tiếp tục lấy bằng thạc sĩ lý luận âm nhạc.

Môn học không cần năng khiếu

Nhạc trưởng Nguyễn Bách là người đầu tiên gầy dựng môn thưởng thức âm nhạc (Music Appreciation). Bốn năm vừa qua anh đã dạy môn này tại Trường John RobertPowers của Mỹ tại Việt Nam. Đây là môn học không cần năng khiếu. Trong thời gian ngắn khoảng 10 buổi học viên có thể hiểu được từ lịch sử âm nhạc cho đến nhạc Hip Hop. Hiện nay lớp học thưởng thức âm nhạc được mở thường xuyên cho các bậc phụ huynh và học sinh tại Trường Âm nhạc BACH. “Khi đã hiểu được nhạc thì người ta thưởng thức tốt, không phải lo ngại dính “thảm họa” nhạc trẻ nữa” - anh nói.

Là người thông thạo sáu ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Latin), anh còn là người lập ra môn học “phát âm tiếng nước ngoài dành cho ca sĩ” cho khoa Thanh nhạc. Môn này được Bộ VH-TT&DL và Bộ GD&ĐT phê duyệt và được giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM.

HOÀNG MẠNH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm