Sống để đợi bão

Ông Bọ Quang là hậu duệ đời thứ hai mươi mốt của họ Hoàng vô rãnh cát cuối sông Gianh định cư từ hơn 500 năm trước. Gia phả để lại, ông tổ của làng vô đây lập nghiệp không phải khai thạch phá núi mà giúp lưu dân đương đầu với bão tố, lụt lội. Công tích của ông về cứu dân, giúp dân ở miền thượng bị trôi về nhiều vô kể. Rồi con cháu trực hệ của ông cũng vớt dân giữa cửa biển nhiều lắm, tính ra mỗi năm gia phả đều ghi dài ra công lao dòng họ Hoàng ở rãnh cát này. Cả hơn 500 năm rồi dòng họ ông được mấy chục lần vua ban chiếu chỉ, sắc phong, tấn cho hiệu Long Hải Đông Vương, ngự trị từ phía biển Thanh Hóa đất gốc vào đến Cửa Việt, Quảng Trị.

Bọ Quang năm nay cũng đã 87 tuổi, đại thọ. Ông là người coi sóc phần đất sót lại của dòng họ thủy tổ từ 500 năm trước vào sinh cơ ở bãi cát vàng cửa biển sông Gianh. Những gì cha của ông truyền lại là khẩu ngôn, các gia phả chỉ còn mấy cuốn chữ Hán cổ, mấy cuốn chữ Nôm còn chuốt trong ống tre. Tất cả đều ghi công trạng chống lụt bão của tiền nhân năm xưa.

Tính ra, năm nay đất này đã có đến hai cơn bão, một cơn lốc, ba đận lụt. Đêm xuống rũ đen sau mấy ngày mưa lớn, cả nhà Bọ Quang trốn rét trên mấy tấm ván kê cao nước lụt chừng chục phân. Cả xóm nhà yếu bị gió càn sập đổ, nhà ông là nơi thờ tự thành hoàng nên còn sót lại gian trong trang thờ ngói bay ít, có chỗ cho cả trăm người trong xóm nương thân ngủ ngồi. Chừ là cơn bão thứ ba trút vô đất này, người làng bạc mặt với thiên tai. Bọ Quang như đứt hơi bảo vệ mấy cuốn gia phả của họ của làng, lo mấy con trâu, mấy con gà cùng mụ vợ đến hết sức. Xóm làng con nít, phụ nữ la hét trong nước bạc, kêu thất thanh, may mấy đứa con ông Bọ đứa mô cũng trai tráng, giỏi giang sông nước mà cứu được gần trăm mạng đưa về nhà.

Sống để đợi bão ảnh 1

Vợ ông Bọ, mụ Hoanh cũng đã 67 tuổi, cười giơ răng đen nhưng vẫn vắn quần ngang bẹn lội nước trong nhà kiếm gạo, khoai vằm chỗ ướt chỗ khô, nơi chua nơi ngọt nấu cơm thập cẩm cho cả trăm mạng người cùng ăn. Thức ăn là muối, có mấy chai mắm quầy đều rót ra. Bọn trẻ con khóc thét trong lạnh, may có mớ cơm nóng ấm bụng. Lũ thanh niên thì lo bơi đi kiếm rơm về chụm lửa, có mấy đứa liều mạng bơi ven sông nước xiết bắt chim cò, chuột đồng về ăn.

Bọ Quang năm nào cũng vun mấy tạ gạo dự trữ nơi gian thờ thành hoàng. Ngang tam cấp lư hương, ông thiết kế chỗ để gạo và khoai vằm chạy lụt, khoảng hai tạ gạo để cả xóm ăn, có năm ăn gần hết, có năm ăn một nửa thì lụt ra. Năm ni đã ăn đến chỗ gạo cuối cùng rồi mà lụt vẫn còn vây, lại bị bão lốc chà đi xát lại chẳng còn cái chi nguyên vẹn. Bữa ăn trong lũ tô chén không đủ, người ăn sau lấy chén người ăn trước mà dùng. Sinh hoạt này kia đều trong vòng bó hẹp nhưng được cái xóm làng cực khổ biết nhường nhịn nhau, cưu mang nhau mà ông mừng.

Nhìn con nước của trận lũ này đã mười ngày trong mưa lụt, may hôm nay trời ngớt, chắc chắn hai hôm nữa lũ rút. Ông bấm đốt ngón tay, nói với lão bạn vong niên ông Cu Hác, ở đây trũng, chớ các vùng cửa sông khác mần răng có lụt nhưng cha ông đã chọn rồi thì chắc có lý. Ông Cu Hác gật gật đầu, tóm tém mấy râu thuốc bọ hút một hơi dài rồi thở ra ngao ngán: Đận thiên tai năm ni rát quá, cực khổ tận cùng rồi.

Sáng hôm sau, nước rút ở nhà ông, còn xóm làng thấp hơn vẫn ngập nhưng ít ra có cái chỗ như hòn đảo để mọi người đi ra đi vô trong ướt nhoẻn bùn đất còn hơn đứng trong nước bạc. Đang ra chỗ cát chuồi để tính cách chống sạt lở thì từ phía thượng nguồn con sông, một mái nhà gỗ trôi xuống giữa dòng, cả chục người trên đó kêu cứu. Cha con ông Bọ Quang không chần chừ, đứa nhảy ào xuống sông, đứa giăng thuyền ra, rồi cả xóm tấp đò đến, lao ra giữa nước xiết như thác bằng những sức chèo sông nước đến ngôi nhà gỗ cứu mạng từng người. Ông Bọ đếm số, cả thảy chín mạng là trong một gia đình trên làng Đông của huyện trên, lũ quét trôi nhà từ ven suối ra sông, may mắn gặp cha con ông Bọ Quang.

Đưa vô bờ, ông nói bà con kiếm sắn kiếm khoai, kiếm lửa kiếm rơm đốt ấm, chờ nước rút rồi về nhà. Cũng không biết lần thứ mấy trong đời cha con ông Bọ cứu người ở vùng cửa sông này, giấy khen được chính quyền tặng đầy nhà mỗi năm, lũ lụt vô thì cái chi cũng ướt, giấy khen cũng nhàu trong nước bạc, nhưng tấm lòng của dân làng ở rãnh cát này trước sau như một, cứu người trước tiên, không kể nghèo hèn.

Mấy đêm ròng ông không ngủ, chừ trời lụt bão chà đi xát lại, lòng Bọ Quang như xát muối, phải chi có được mấy trang căn dặn trí huệ của tổ tiên thì con cháu sướng biết mấy. Đang làu bàu trong mình, thằng Mẹt Quyết chui vô cái rương gạo mót mấy nhúm gạo cuối cùng thì tung ra mấy trang sách chữ cổ, nó hớt hơ hớt hải chạy ra đưa ông. Ông nhìn, mừng rực rỡ, đó là mấy trang cuối của quyển hạ được viết cách đây chừng 300 năm... Ông tính hết lụt đi tìm người dịch.

Rồi đận lũ cũng rút nước, lòi đường làng, ông để vợ con dọn dẹp, vay mượn ít tiền lận lưng vô tỉnh nhờ người dịch. Dịch xong ông chưng hửng, chỉ là khuyên con cháu không được bỏ đất mà đi, tổ tiên đã chọn là phải ở, phải sống mà chờ bão chờ lụt chớ không có cách chi. Tạm biệt người dịch chữ xưa, ra về, ông lại nghĩ mà tức, tổ tiên nói rứa thì chẳng khác chi bắt con cháu chịu cực, liệt tổ liệt tông mần quan to chức lớn đi khắp Nam Bắc của các triều đại ở nhà cao cửa rộng, biết chi cực khổ như hậu thế mà để lại răn dạy kiểu ni. Về làng ông bật ra góc nhà ngồi, thở dài thườn thượt. Ông Cu Hác kiếm mô chút rượu nhắm với thịt vạc bọn thanh niên bắt được dành chờ trưởng họ về ăn. Nhấm cốc rượu rồi ông kể, ông nói, rứa là chẳng có trí huệ chi trong mấy trang cuối quyển hạ gia phả cả, tổ tiên chỉ ghi công trạng cho tổ tiên, cho lời dạy của tổ tiên, chỉ quan tâm thành quả tổ tiên, còn đường sống của con cháu tổ tiên bỏ. Ông Cu Hác động viên, ấy ấy, răng nói tổ tiên rứa. Không được mô. Con lạy các cụ tổ, tha cho trưởng họ của con.

Hai ông cụ cò cưa hết chai bảy rượu, mấy mụ đờn bà lại tiếp thêm vì thương họ thân già, thương Bọ Quang phải vô tận tỉnh mà về mặt buồn xiu. Uống mãi tới khuya, trăng tà vất vưởng phía ba cây dừa còn sót lại sau bão lụt. Nhìn ngắm ba sự cô đơn trên rãnh cát làng, ông Bọ vẫn ấm ức tổ tiên để con cháu giữa vùng thiên tai, chỉ dạy đừng bỏ làng, phải gượng dậy khi có niềm đau mà chẳng để lại cách trị.

Vạc thi nhau bay qua làng, tín hiệu của mùa mưa bão đã hết. Ông chỉ mừng cho đận năm nay, còn mấy năm sau, con dân trong làng thì răng đây? Đầu cứ váng vất lời tổ tiên trong trang gia phả cuốn hạ. Nghĩ mãi, xoay vần cốc rượu trong mùi chua của bùn đất rơm rạ ngấm lũ lâu ngày, rồi ông đập vào đùi đánh đét, tui nghĩ được rồi ông Cu Hác ơi, tui trách tổ tiên rứa là không được rồi, tui ngộ ra lời sâu sắc của các cụ tổ rồi. Các cụ bảo không bỏ làng là đúng, quê cha đất tổ, là tình thương là máu thịt rồi dù có bùn đất có đầy cứt trâu cứt gà thì cũng là bản quán, có bị bão vùi lũ dập cũng là nơi chôn cái nhau của tui của ông, của con cái xóm làng của mấy cụ rồi. Còn gượng dậy, tui ngộ rồi, gượng dậy để chờ, để đón bão lụt năm ni qua năm khác. Ngán đếch chi. Ông Cu Hác cũng đánh đét nói chí phải.

Những ráng mây đen đậm che mảnh trăng leo lét, bọn vạc bay qua làng ngày mỗi đông, tiếng kêu da diết. Làng ông Bọ Quang năm ni chết 12 người vì bão nhưng chẳng ai bỏ làng cả. Phải sống, phải gượng dậy để hứng chờ các trận thiên tai khác. Bọ Quang nói như rên: Dân mình, làng mình, huyện mình rồi tỉnh mình sống sót sau bão lụt là kiên cường lắm, không bỏ đất là chí khí lắm, cha ông ta ở lại sinh cơ là quật cường, nỏ sợ chi thiên tai địch họa. Mùa thiên tai này cả làng còn sót lại ba cây dừa không nguyên vẹn, cây cối tiêu điều sát đất, người làng còn mỗi da nhăn bọc xương khổ sở nhưng ông Bọ vẫn ngâm nga câu ca cổ: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”, phải sống cho xứng với tiền nhân mà đón bão đón lụt năm tới. Ông nghĩ bụng cùng ông Cu Hác, nơi khác mần ăn trong năm là để phát triển cuộc sống hơn, làm giàu hơn, nơi mình đây không làm giàu hơn, không phát triển hơn nơi khác thì dự trữ khoai sắn, gạo thóc là chống bão lụt, sợ chi. Còn người còn của, “còn da lông mọc còn chồi nảy cây”, sống để chờ bão lụt, sợ chi. Hề hề.

Truyện ngắn của Cu Làng Cát

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm