Xâu chìa khóa

Ngân đánh một giấc thật đẫy. Khi nàng choàng dậy, căn phòng đã ngập ánh sáng. Trên bàn ăn chén đũa chỏng chơ, thức ăn vương vãi. Nàng thở dài, ngao ngán: “Ông ấy lại say nữa rồi!”. Từ khi má nàng buồn tình theo ba nàng về cõi vĩnh hằng, nàng sống vất vưởng với người anh trai lầm lì như chiếc bóng. Vũ - anh trai nàng làm thợ xây, ngày nào cũng rời nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới mò về, áo quần nhàu nhĩ, lấm lem. Có nhiều hôm Vũ say chao nghiêng, bước vào nhà bằng đôi chân khuầng khoàng, quờ quạng, ăn uống lẻm thẻm rồi ngã khuỳnh xuống giường ngáy như sấm. Mỗi tháng anh nàng ném cho 500.000 đồng. Số tiền ít ỏi ấy vừa đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc của hai người. Ngày xưa, anh trai nàng thường chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với nàng. Đến ngày má nàng mất, anh nàng đắm mình trong quán rượu, hàng xóm thay nhau đi tìm đưa về. Lúc ấy cơn uất ức dâng tràn, nàng gào lên khản giọng: “Anh là đồ vô dụng!”. Anh nàng bật khóc thảm thiết. Nàng không hiểu đấy là những giọt nước mắt hối hận, thương má, buồn tủi hay xấu hổ vì những lời sỉ vả của đứa em gái.

Hồi đó, có người con gái tuổi 18, mặt hoa da phấn sáng nào cũng lẽo đẽo gánh cải ngồng ra chợ với mẹ. Con đường vắt ngang qua chợ Lõm như dải lụa màu sẫm có một ngôi nhà nhỏ, phía trước nhà bày bán gàu tole, thùng tole... Và lúc nào cũng có chàng thanh niên mặc áo cánh, ngồi gò lưng cắt tole, thi thoảng còn dập tole, đóng gàu chan chát. Một hôm đang ngồi bán rau, má Ngân bỗng trúng gió ngã nhoài trong lều chợ. Ngân lóng cóng chân tay, nỗi sợ hãi ập xuống người con gái mảnh mai khiến cô bệu bạo khóc. Trong khi người ta trơ mắt ra đứng nhìn thì Tân buông chiếc gàu tole đang làm dở, chạy đến bế thốc bà cụ sải chạy đến trạm y tế xã. Trước nghĩa cử của chàng thanh niên làm thợ thiếc khiến cho Ngân đem lòng cảm mến. Sáng nào trước khi bước vào chợ, nàng cũng đặt xuống thềm nhà của ân nhân vài bó rau, có khi vài trái cà, trái dưa lấy thảo. Không ngờ một hôm, anh chàng thợ thiếc suốt ngày mặt mày lem luốc bỗng đóng thùng, ăn diện như ông hoàng, đủng đỉnh xách đôi thùng tưới nước đến nhà tặng cho cô gái bán cải ngồng. Chiều thu buông lơi ánh vàng bàng bạc, có một gã con trai “đóng đinh” trong khu vườn của Ngân làm vỡ mộng lũ con trai hàng xóm.

Xâu chìa khóa ảnh 1

Buổi sáng. Nàng dậy sớm hơn mọi hôm. Lúc nàng ngồi ngoài thềm giếng giặt áo, miệng ư hử hát một bản tình ca. Tân đến êm ru và hiền như chú mèo mướp: “Em nhắn anh đến có chuyện gì quan trọng lắm phải không? Hãy nói đi! Anh hồi hộp quá!”. Nàng cười ròn rã như đứa trẻ chơi trò ú tim: “Thế anh nghĩ gặp em là không quan trọng ư?”. Chàng cười lấp lém: “Thôi đi, đừng lẻo mép cô bé. Chuyện gì xảy ra nào?”. Nàng kéo chàng ngồi phịch xuống thềm nhà, mắt sáng lên: “Công ty vật tư y tế tỉnh nhận cấp học bổng cho em mỗi tháng 1 triệu đồng để em học đại học y. Vui quá anh ơi!”. Chàng đét một cái lên đùi mình reo lên: “Trời ơi! Tốt quá! Em gặp vận đỏ rồi! Thế em đã cho anh Vũ biết tin vui chưa?”. Ngân cười chua chát: “Nói với cái ông anh ích kỷ đó làm gì hả anh? Có bao giờ ông ấy nghĩ đến chuyện cho em đi học đâu”.

Buổi trao học bổng cho Ngân diễn ra đơn sơ và chóng vánh. Ông giám đốc công ty trạc tuổi với anh nàng có thân hình và nét mặt của diễn viên điện ảnh, nụ cười cởi mở và ánh mắt tự tin: “Công ty chúng tôi sẽ trao học bổng thường xuyên cho cô trong suốt thời gian học tập. Mong rằng cô không phụ lòng chúng tôi!”. Nàng như chơi vơi trong nguồn cảm xúc dạt dào. Lần đầu tiên Ngân có một số tiền lớn nhưng niềm vui pha trộn với nỗi buồn. Giá như anh nàng cũng  thương người, sống hoạt bát, sôi nổi như ông giám đốc kia thì nàng hạnh phúc biết bao! Cuộc đời cái phúc luôn đi kèm với cái họa. Anh nàng không phải là mối họa đối với nàng nhưng là hiện thân của sự chán chường, vô vọng.

Đêm cuối cùng của Ngân ở cái xóm nghèo mà nàng đã sinh ra và lớn lên là đêm của nước mắt. Nàng khóc vùi trong vòng tay rắn chắc của Tân: “Anh có biết không? Ngày mai, em lên thành phố học rồi vậy mà anh Vũ không một lời hỏi han, động viên. Gương mặt anh ấy lúc nào cũng lầm lì, dửng dưng. Ba má em mất sớm, chỉ còn hai anh em. Lẽ ra anh ấy phải chăm sóc em... Cái mạng của em chỉ nhờ ở người dưng nước lã... hức!... hức!”. Anh chàng người dưng còn trẻ nhưng từng trải: “Mỗi nhà mỗi cảnh em à, em không nên trách anh Vũ. Anh ấy còn độc thân cũng có nỗi lo riêng”. Nàng giận dỗi, thoát ra khỏi vòng tay của người tình: “Anh mà còn bênh vực anh ấy thì em không thèm nhìn mặt. Em nói thật đời đời, kiếp kiếp, em sẽ không bao giờ quay về căn nhà ấy để nhìn lại ông ta một lần nữa”.

Và Ngân đã giữ đúng lời hứa. Nhiều năm sau đó nàng không về. Nàng có những người bạn sinh viên xinh xắn, sang trọng, lúc nào cũng ăm ắp niềm vui, ra mỗi tấc đường có kẻ đưa người đón, điện thoại di động đắt tiền léo nhéo trong tay. Có lần Nga - cô bạn học đến ký túc xá sinh viên chơi với Ngân, tình cờ phát hiện tấm ảnh của Tân, cô nàng dè bỉu: “Gã này trông cục mịch như gã nhà quê. Anh trai của Ngân chắc?”. Nàng ậm ờ cho qua chuyện. Từ đó, nàng gom hết những lá thư của Tân gửi cho nàng đem đốt và cắt đứt liên lạc, sợ bạn bè chế giễu.

Một hôm, Ngân đang ngồi ăn sáng trong căn tin thì ông bảo vệ lập khập bước vào, giọng gấp gáp: “Cháu Ngân ơi! Anh của cháu đi làm thợ nề bị ngã giàn giáo qua đời rồi”. Nàng buông đũa thảng thốt: “Trời ơi! Cháu biết làm sao bây giờ?”. Ông bảo vệ nhìn nàng thương hại: “Cháu ra đón xe về ngay đi cho kịp nhìn mặt anh lần cuối”. Đầu óc nàng rối bời, tim nàng đập loạn xạ, nàng ngồi lên xe ôm như cái máy. Dọc đường Ngân không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Sít soát bốn năm rồi nàng chưa về nhà một lần, một lá thư ghi đôi dòng cho anh trai cũng không. Ngân đã căm giận anh trai nàng như kẻ thù. Vậy mà khi nghe tin anh nàng mất, bao nhiêu giận hờn trôi theo dòng nước mắt. Rồi đây, nàng sẽ bơ vơ giữa cõi đời. Biết Tân có còn nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa mà đến với anh nàng trong lúc này không?

Khác với sự hình dung của Ngân, chiếc xe Honda chở nàng vừa dừng lại đầu con hẻm đã thấy chiếc xe ca dài thõng đậu sừng sững cờ xí cắm tua tủa, kế bên là chiếc xe tang trắng muốt. Nàng sải chạy vào nhà, đám đông dạt ra hai bên, nàng nhào tới ôm chiếc quan tài gào lên xé lòng: “Anh tôi đâu rồi trời ơi! Cho tôi nhìn mặt anh tôi!”. Một ông lão lòng khòng bước lại vỗ về: “Cháu hãy bình tĩnh! Anh cháu mất vì tai nạn, không thể để lâu bất tiện. Chính quyền đề nghị khâm liệm sớm”. Người phụ nữ sồ sề, ăn mặc diêm dúa ra vẻ người thành phố bước tới ôm chầm lấy nàng, nước mắt chảy dài: “Cháu ơi! Anh cháu làm nhà cho cô không may bị tai nạn. Cô biết gia cảnh của cháu khó khăn nên cô tự nguyện lo việc an táng cho anh cháu. Tội nghiệp cái thằng hiền lành, siêng năng, cô xem nó như người thân trong nhà”. Nàng gạt nước mắt, quay sang ân nhân: “Anh cháu có trăng trối điều gì không cô?”. Người phụ nữ buồn bã, lắc đầu: “Vũ đâu có kịp trối trăng gì. Nó thương cháu lắm! Lúc nào Vũ cũng nhắc đến cháu: “Không biết con bé học hành thế nào? Mập hay ốm, có nhớ nhà không?”. Đây là xâu chìa khóa của anh cháu, lúc khâm liệm người ta trao cho cô, cháu giữ lấy”.

Buổi tối. Sau khi mọi người ra về hết, Ngân mới nhớ đến xâu chìa khóa. Nàng xót xa nhớ lại một lần nàng nói với Tân: “Chìa khóa tủ lúc nào ông ấy cũng giữ khư khư trong người như ông hội đồng trong tuồng Đời cô Lựu”. Ngân cầm xâu chìa khóa lên mân mê. Nàng có trong tay một vật mà ngày trước nàng rất mong có nó để mở bức màn bí mật của anh nàng, để biết được anh nàng cất giấu bao nhiêu vàng bạc. Xâu chìa khóa có bốn chiếc nhưng chỉ hai loại. Hai chiếc chìa khóa màu vàng hẳn là khóa tủ mà Ngân đã nhiều lần nhìn thấy anh nàng dùng để mở cái kho tàng lồ lộ trước mắt, song nàng chẳng thể làm gì được. Ngân từ từ bước lại, tra chìa khóa vào tủ, hồi hộp kéo chiếc hộc tủ ra. Trước mắt nàng là một quyển sổ tay màu nâu đã sờn gáy, một cuộn giấy và một cây bút bi nằm trơ lì, tuyệt nhiên không vàng bạc, của cải như nàng từng nghĩ. Ngân hụt hẫng lật quyển sổ, thì ra đây là quyển nhật ký của anh trai nàng. Những dòng chữ nhảy múa lung linh trước mắt cô gái:

Ngày... tháng... năm...

Thằng Quang xuất ngũ với mình cùng một ngày, nó vào đại học kinh tế còn mình thì không thể nào. Ba má mình đau bệnh triền miên, mình làm sao dám mơ bước vào con đường đại học.

Ngày... tháng... năm...

Mình cố gắng làm để có thật nhiều tiền lo cho bé Ngân vào đại học. Con bé ngang ngạnh và cực đoan thấy mồ. Dường như nó ghét mình lắm! Nó tức giận mình chừng nào vẻ mặt nó càng dễ thương chừng ấy.

Ngày... tháng... năm...

Sáng nay mừng ơi là mừng! Thằng Quang - Giám đốc Công ty Vật tư y tế nhận cấp học bổng cho bé Ngân học đại học y. Đành rằng tiền của mình nhờ Quang gửi khéo cho bé Ngân nhưng nó chấp nhận gửi là tốt rồi! Bé Ngân căm mình lắm, chỉ có cách đó nó mới phấn khởi đi học.

Cơn bão lòng dâng lên làm Ngân đau nhói ở tim và khó thở. Nàng hấp tấp mở cuộn giấy cột bằng dây thun. Bàn tay nàng run lên khi nhìn thấy đó là những mẩu giấy nhận tiền học bổng do chính tay nàng đã ký.

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm