Bi hài chuyện kiếm thẻ xanh ở Mỹ

Hiện có khoảng 1.500 người Việt ở Mỹ được xếp vào diện di dân bất hợp pháp. Con số này chỉ là số lẻ của hơn 12 triệu di dân lậu đang sống trên khắp nước Mỹ. Bên cạnh những người được cấp thẻ xanh, nhiều người khác đang sống cảnh dở khóc dở cười.

Cái giá của màn kịch hôn nhân giả

Các cuộc hôn nhân giả tìm đường sang Mỹ đều do bạn bè, bà con quen biết mai mối (để tránh bị lường gạt). Giá cả trả theo từng giai đoạn tùy thỏa thuận giữa đôi bên. Có những giao dịch trót lọt nhưng cũng có những giao dịch trúc trắc, trở thành chuyện bi hài.

Bi hài chuyện kiếm thẻ xanh ở Mỹ ảnh 1

Khách du lịch thăm thú khu chợ buôn bán của người Việt ở Chinatown (Los Angeles). Ảnh: TỰU NGÔ

Thúy Hằng, 21 tuổi, cha mẹ có công ty may xuất khẩu ở quận Tân Bình (TP.HCM) sang Mỹ theo diện vị hôn thê. Anh chồng tương lai giở chứng, cù cưa chuyện làm hôn thú để vòi tình.

Người đi theo diện hứa hôn trong vòng 90 ngày đến Mỹ không làm hôn thú thì xem như hôn nhân đỗ vỡ. Luật di trú buộc đương sự phải trở về nước. Nghe lời người dì, Hằng nán lại kiếm mối khác. Tìm được người thương thật tình, đồng ý tiến tới hôn nhân, hôn thú được lập và đám cưới linh đình.

Đến khi anh chồng làm hồ sơ xin thẻ xanh cho vợ, cơ quan di trú gửi trả hồ sơ về với lý do tình trạng không hợp pháp bởi đương đơn đến Mỹ theo diện bảo lãnh của vị hôn phu lúc trước.

Lẽ ra Hằng nên về nước chờ làm thủ tục bảo lãnh lại từ đầu nhưng vì mặc cảm, sợ hàng xóm, bạn bè dị nghị nên cô ở lại làm móng cho tiệm của người dì trong thời gian nhờ luật sư can thiệp.

Việc can thiệp của luật sư chắc chắn không hợp lệ trong khi Hằng trở thành di dân lậu, không giấy tờ lận lưng, làm việc cứ nơm nớp lo. Ước mơ được định cư hợp pháp và đi học đại học ở Mỹ tan theo mây khói. Anh chồng chỉ còn biết khuyên cô trở về nước chờ làm giấy tờ bảo lãnh qua sau.

Thế nhưng do ở quá hạn visa nên dù có được bảo lãnh theo diện vợ chồng, hồ sơ cô vẫn bị trì hoãn do vi phạm luật di trú. Người vi phạm nếu bị bắt sẽ nhận được giấy trục xuất và muốn xin visa phải đợi 10 năm sau mới được cơ quan di trú xem xét.

Có chồng bản xứ cũng chưa chắc ăn

Trong thời gian đến Mỹ du lịch, không biết bằng cách nào chị Hoài Duyên quen với một người Mỹ ở bang Ohio. Chị quyết định ở lại vì nghĩ kết hôn với người bản xứ thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ và anh ta sẵn lòng bảo lãnh hai con nhỏ của chị sang đoàn tụ gia đình.

Sống với nhau được vài tháng, mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp khi chị không thể vượt qua rào cản về ngôn ngữ và cách sống của ông chồng. Chị đi làm mệt cả người, về đến nhà phải lo cơm nước. Người món ta, kẻ món Tây, lại phải chiều chuộng chồng mỗi đêm. Nhiều khi bực bội không nói được tiếng Mỹ, chị lặng im như người câm.

Chiến tranh lạnh nổ ra, ông chồng hăm he không làm giấy tờ phỏng vấn xin thẻ xanh, còn chuyện bảo lãnh con chị xem như chưa hề biết. Chị liên lạc nhiều văn phòng dịch vụ di trú nhờ giúp đỡ nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông chồng hành hạ hay ngược đãi chị.

Chỉ trong trường hợp vợ hoặc chồng bị ngược đãi về tinh thần hay thể xác có chứng cứ hoặc có người làm chứng, đương đơn mới có thể tự đứng đơn xin thẻ xanh theo Luật Bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người và bạo lực. Anh Tuấn Lê làm dịch vụ di trú tại một văn phòng xã hội ở Fort Worth (bang Texas) cho biết: “Không chỉ người đi du lịch mà một số du học sinh sang đây kiếm chồng rồi làm giấy tờ xin ở lại. Ngày nào khách hàng cũng điện thoại hỏi thăm tư vấn về tình trạng bị chồng làm khó dễ về giấy tờ xin thẻ xanh”.

Luật sửa đổi di trú về người bảo lãnh có hiệu lực ngày 1-8-2009 cũng cho phép họ hàng đứng ra bảo lãnh di dân nếu người bảo lãnh chẳng may qua đời. Luật ra đời vì lý do nhân đạo. Trước đây, đối với những trường hợp như vậy, hồ sơ di dân xem như hủy bỏ.

Hệ thống giam giữ di dân bất hợp pháp tại Mỹ lâu nay bị chỉ trích là mang nhiều tính chất trừng phạt, nhất là đối xử với phụ nữ và người bệnh tật. Một vài nghị sĩ đã đề nghị phân loại tù di dân. Đối với người không có tiền án có thể tạm giam tại khách sạn hay nhà dưỡng lão chờ trục xuất. Cần thiết có thể cho họ mang vòng điện tử để theo dõi. Năm 2008, Mỹ đã trục xuất 350.000 di dân lậu, đa số là người ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.

TỰU NGÔ (Cộng tác viên tại Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm